(Tổ Quốc) - Cuối năm 2015, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đệ đơn ly hôn với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Cũng từ đó, sự quản lý đối với các công ty trở nên lỏng lẻo.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế
Việc buông lỏng quản lý cấp phép nhượng quyền khiến số điểm bán của Trung Nguyên từ 2.475 quán vào năm 2014 rớt xuống còn 1.024 quán vào năm 2017.
Theo số liệu của Công ty phân tích toàn cầu Euromonitor, bên cạnh việc quản lý nhượng quyền lỏng lẻo, lý do số điểm bán của Trung Nguyên sụt mạnh còn do những "tay chơi" nhượng quyền giá rẻ trên thị trường xuất hiện như Milano Coffee, Napoli Coffee và Viva Star.
Nhiều quán cà phê nhượng quyền đã đổi biển hiệu "Trung Nguyên" thành Milano, Napoli, và Viva Star
Việc nhiều quán cà phê đổi biển hiệu "Trung Nguyên" thành biển hiệu "Milano" đã khiến số lượng điểm bán của thương hiệu này tăng vọt. Euromonitor cho biết tính đến năm 2017, thương hiệu Milano Coffee của Công ty TNHH Cà phê Lê Phan đã có tới 1.045 điểm bán. Tính về số điểm bán, thương hiệu này đã vượt Trung Nguyên, tuy nhiên, tính về quy mô diện tích thì chưa chắc.
Trước khi câu chuyện li hôn của vợ chồng ông vua cà phê gây sóng gió trên các phương tiện truyền thông, người ta đã từng nhớ tới Trung Nguyên với niềm tự hào và kiêu hãnh.
Trung Nguyên là một trong những thương hiệu Việt hiếm hoi có thể vượt ra khỏi biên giới hình chữ S để vươn ra thế giới. Đến nay, tập đoàn đã xây dựng được mạng lưới hơn 2.500 quán cà phê nhượng quyền cả trong và ngoài nước. Sản phẩm cà phê Trung Nguyên đã và đang được xuất khẩu đi 60 quốc gia trên thế giới, bao gồm nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và Trung Đông.
Nắm thị phần khiêm tốn ở mảng cà phê hòa tan, thế nhưng, ở các mảng miếng kinh doanh khác, Trung Nguyên gần như không có đối thủ. Tập đoàn duy trì vị trí đứng đầu trong mảng cà phê rang xay với mức gia tăng thị phần từ 54% năm 2010 lên 59% năm 2015.
Hơn 3 năm tranh chấp thương hiệu, câu chuyện ly hôn của vợ chồng ông vua cà phê vẫn chưa thể ngã ngũ. Trong cuộc chiến pháp lý này, thương hiệu Trung Nguyên đang chịu thiệt hại lớn về mặt danh tiếng.