• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một số điểm mới trong quy định về thư viện ngoài công lập trong Luật Thư viện

Văn hoá 27/11/2019 07:20

(Tổ Quốc) - Mới đây, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành nhấn nút thông qua Luật Thư viện. Đây là một sự kiện quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc nâng cao dân trí, phát triển thư viện, văn hóa đọc ở Việt Nam để cụ thể hóa quyền tiếp cận thông tin và hưởng thụ văn hóa của Nhân dân Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp 2013.

Một số điểm mới trong quy định về thư viện ngoài công lập trong Luật Thư viện - Ảnh 1.

Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện. Một trong những điểm mới của Luật Thư viện là đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các thư viện ngoài công lập, cho phép cá nhân, tổ chức Việt Nam và nước ngoài thành lập thư viện.

Trước đây, Pháp lệnh Thư viện chỉ điều chỉnh hệ thống thư viện công lập, chưa điều chỉnh thư viện tư nhân và thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập và hoạt động tại Việt Nam. Trong quy định về các loại thư viện đã chỉ rõ thư viện bao gồm các loại sau đây: Thư viện Quốc gia Việt Nam; Thư viện công cộng; Thư viện chuyên ngành; Thư viện lực lượng vũ trang nhân dân; Thư viện cơ sở giáo dục đại học; Thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác; Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng; Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

Về mô hình hoạt động: Thư viện ngoài công lập do tổ chức, cá nhân Việt Nam hoặc tổ chức, cá nhân nước ngoài, cộng đồng dân cư đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp ngoài công lập hoặc mô hình khác.

Quy định về thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đã được xác định cụ thể như sau:

- Thư viện cộng đồng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp do cộng đồng dân cư thành lập tại trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn; điểm bưu điện văn hóa xã; nhà văn hóa thôn, ấp, bản, làng, buôn, phum, sóc; khu chung cư; nơi sinh hoạt chung của cộng đồng.

- Thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp hoặc chuyên ngành, do tổ chức, cá nhân Việt Nam thành lập, tự bảo đảm kinh phí hoạt động.

- Thư viện cộng đồng và thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng thực hiện chức năng, nhiệm vụ chung còn thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cụ thể như: Cung cấp tài nguyên thông tin cho Nhân dân trên địa bàn; tiếp nhận tài nguyên thông tin luân chuyển từ thư viện công cộng các cấp để phục vụ Nhân dân; Tổ chức hoạt động thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; Xây dựng và tham gia phát triển văn hóa đọc cho Nhân dân trên địa bàn.

Quy định về thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam đã được xác định cụ thể như sau:

- Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam là thư viện có tài nguyên thông tin tổng hợp hoặc chuyên ngành do tổ chức, cá nhân nước ngoài thành lập tại Việt Nam; tự bảo đảm kinh phí hoạt động; hoạt động theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 4 của Luật này và các chức năng, nhiệm vụ sau đây: Tổ chức hoạt động thư viện theo nội dung đã thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và tham gia phát triển văn hóa đọc.

Để tạo điều kiện cho các thư viện ngoài công lập có thể tham gia phục vụ cộng đồng, các quy định về điều kiện thành lập và thủ tục liên quan đã có sự "mở" hơn. Thay vì phải đăng ký hoạt động như Quy định của Nghị định 02/2009/NĐ-CP Hà Nội của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ngày 06 tháng 01 năm 2009, Luật thư viện chỉ yêu cầu các thư viện ngoài công lập phải thông báo đến các cơ quan có thẩm quyền. Thông báo hoạt động thư viện đối với các thư viện ngoài công lập cụ thể như sau:

Hồ sơ thông báo: Tài liệu chứng minh đủ điều kiện thành lập của thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam.

Thời hạn thông báo: Trước 30 ngày, tính đến ngày thư viện thực hiện việc mở cửa hoạt động, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, chấm dứt hoạt động thư viện ngoài công lập phải thông báo.

Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo được quy định như sau:

- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ thông báo đối thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam có trụ sở trên địa bàn;

- Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.

- Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận hồ sơ thông báo đối với thư viện cộng đồng có trụ sở trên địa bàn.

Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp đối với các thư viện ngoài công lập cũng đã được quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ, thu hút xây dựng và phát triển mạng lưới thư viện tại địa phương đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, tri thức của người dân; khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập, duy trì thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng tại địa phương.

Những quy định về thư viện ngoài công lập được đặt ra Luật Thư viện như vậy sẽ tạo cơ hội thúc đẩy các thư viện ngoài công lập phát triển, góp phần đa dạng hóa các loại hình thư viện, tạo điều kiện cho người dân ở Việt Nam tiếp cận với thông tin và tri thức, thực hiện việc học suốt đời một các thuận lợi và hiệu quả hơn.

 

Minh Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ