• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Một thoáng… Năng Cát

Du lịch 17/09/2016 23:20

(Tổ Quốc) - Ngồi bên khung cửa nhà sàn gia đình anh Ngân Văn Cường phóng tầm mắt-một không gian hùng vĩ, xanh ngút ngàn. Xen lẫn giữa không gian hùng vĩ của núi, của rừng là những thửa ruộng bậc thang lúa vàng rộ.

Nhà sàn gia đình anh Ngân Văn Cường nằm ngay trung tâm bản Năng Cát, xã Trí Nang, huyện Lang Chánh (Thanh Hóa).

Một góc bản Năng Cát

Chiều!

Chiều ánh hoàng hôn dần khuất. “Các bạn nên đi tắm sớm một chút đi. Khi mặt trời tắt hẳn thì phải tắm bằng nước nóng đấy” - Anh Ngân Văn Cường, thúc dục. Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng là giữa một bản vùng cao miền Tây xứ Thanh lại có một khu nhà vệ sinh, phòng tắm không thua kém gì nơi thành thị - tất cả đều khép kín bên cạnh những nóc nhà sàn rộng rãi, vững chắc. Thì ra, bản Năng Cát đang “đổi thay” tù khi “bắt tay” vào làm du lịch cộng đồng.

Du khách tham quan và nghĩ dưỡng tại bản Năng Cát

Theo anh Ngân Văn Cường, từ khi chương trình du lịch cộng đồng về bản, tất cả các hộ dân trong bản được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giữ gìn vệ sinh chung. Do đó, gia đình nào cũng làm một khu nhà vệ sinh riêng biệt, sạch sẽ. Ngoài ra, các gia đình còn được cán bộ ở tỉnh về “chỉ dạy” và tập huấn về làm du lịch cộng đồng phải như thế này thế khác… Theo các cán bộ, làm tốt thì kinh tế ổn định, cuộc sống sẽ tốt hơn và nhất là được giao lưu, kết bạn với nhiều người trong và ngoài nước. “Đây cũng là điều chúng tôi mong mỏi bao nhiêu năm nay” – anh Ngân Văn Cường, hồ hởi nói.

Trong khi chờ cơm tối, chúng tôi tản bộ quanh bản. Trước khi rời nhà sàn, anh Ngân Văn Cường, cho biết nếu các bạn muốn tìm hiểu người dân tộc Thái đen chúng tôi dệt thổ cẩm như thế nào thì đến nhà bà Na, bà Kiên…; muốn thưởng thức tiếng cồng, chiêng, tiếng khèn... thì đến nhà ông Ký, ông Quyền. “Giới thiệu” xong những bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình mà người dân bản Năng lưu giữ và phát huy, anh gọi cô con gái đầu của gia đình đưa chúng tôi đi.

Đường vào bản Năng Cát

Trên đường bản Năng Cát, thi thoảng chúng tôi bắt gặp hình ảnh những người “miền xuôi”, già có, trẻ có ngồi dưới gầm nhà sàn thưởng thức rượu cần, trò chuyện rôm rả. Tại gia đình ông Ngân Minh Phúc (53 tuổi), chị Tú Quyên-du khách ở TP. Thanh Hóa đang ngồi nhặt rau, cho biết nghe bạn bè đi về “quảng cáo” về loại hình du lịch Homestay. Đến trên này vừa được ăn các món đặc trưng của người dân tộc bản địa, lại được ngủ nhà sàn và đặc biệt là hít thở không khí mát mẻ như Đà Lạt cũng như hòa mình vào dòng nước mát lạnh của thác Ma Hao nên gia đình đã thực hiện chuyến du lịch dã ngoại này. “Thật tuyệt vời. Nơi đây không làm chúng tôi thất vọng. Nhất là bọn trẻ” – Chị Tú Quyên, nói.

Chúng tôi biết đến bản Năng Cát, thác Ma Hao cũng qua bạn bè và thông tin đại chúng đây là một điểm đến du lịch cộng đồng của vùng cao xứ Thanh nên quyết định… trải nghiệm. Quả thực, mới ở Năng Cát chưa đầy 3 giờ đồng hồ nhưng cảm nhận của mỗi thành viên trong đoàn về con người, không gian nơi đây thật thân thiện, gần gũi, ấm áp.

Du khách đến tham quan và nghỉ dưỡng tại bản Năng Cát

Đêm!

Bên bếp lửa bập bùng, du khách và chủ nhà chúng tôi mỗi người mỗi tay tham gia vào việc chuẩn bị bữa cơm. Anh Ngân Văn Cường, cho biết thực phẩm ở bản vẫn mang tính tự cung tự cấp. Lúa trên nương, cá dưới suối, gà, vịt nhà nuôi, rau tự trồng. Bên mâm cơm bình dị, chủ và du khách đưa cay bằng rượu-loại rượu được ủ bằng men lá của người bản địa. Nhấm nháp cùng món vịt… “đi bộ” luộc thơm và ngọt cùng những tôm, cá hấp với gia vị của lá rừng khiến những người bạn trong đoàn tấm tắc khen. Sau một hồi, dường như thấy người bạn tên Thành trong đoàn chúng tôi có vẻ đã thấm mệt, anh Ngân Văn Cường thì thầm với vợ bằng tiếng của dân tộc họ. Chúng tôi nghe được nhưng cũng không hiểu. Chỉ thấy người vợ đến bên gác nhà sàn lấy chiếu, nệm, chăn, gối trải dọc sàn nhà.

Du khách thưởng thức "đặc sản" của người dân tộc Thái tại bản Năng Cát

Dường như, cái thứ rượu được ủ bằng men lá, cái ấm áp bên bếp lửa bập bùng và cái sự chân tình, chân chất người dân nơi đây khiến chúng tôi tưởng như mình đang sống, sinh hoạt trong chính không gian của ngôi nhà mình. Không những vậy, trong “cuốn từ điển sống” của chúng tôi còn bổ sung thêm được những câu chuyện huyền bí, những phong tục, tập quán sinh hoạt, ăn mặc của đồng bào dân tộc Thái vùng cao xứ Thanh.

Sáng!   

Bên ấm trà dưới gầm nhà sàn, trưởng bản Năng Cát - Hà Văn Tiếp, cho biết từ khi UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu du lịch sinh thái bản Năng Cát – thác Ma Hao, đời sống vật chất và tinh thần của 125 hộ dân bản chúng tôi cũng dần được cải thiện. Đặc biệt, tỉnh, huyện và xã tổ chức nhiều đợt tập huấn, hỗ trợ người dân về cải thiện vệ sinh môi trường, hướng dẫn chăn nuôi cũng như kỹ năng đón khách du lịch. Bên cạnh đó, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, đan lát… cũng đã và đang được khôi phục. 

Một thoáng Năng Cát

Theo trưởng bản Hà Văn Tiếp, mùa này (mùa hè - PV) du khách đến bản đông. Họ đến để được trằm mình vào dòng nước mát lạnh và chiêm ngưỡng sự mạnh mẽ, hùng vĩ của thác Ma Hao. “Các anh đã đến thác Ma Hao chưa?” – Trưởng bản, nói. “Chúng tôi đang chuẩn bị để được trằm mình vào dòng nước thác Ma Hao” – Chúng tôi, nói.

Theo tìm hiểu, UBND huyện Lang Chánh chính thức công bố Đề án quy hoạch khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao với diện tích 400 ha, tôn trọng địa hình tự nhiên, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan hiện có. Khu du lịch được bố trí thành các phân khu chức năng chính, gồm: Khu đón tiếp, khu nghỉ dưỡng, khu trung tâm dịch vụ du khách, đáp ứng nhu cầu giải trí, du lịch văn hóa, thể thao và các hoạt động tắm suối, cắm trại trong rừng, nghiên cứu khoa học…

Thác Ma Hoa-Một điểm đến yêu thích của du khách 

Trong tương lai gần, bản Năng Cát sẽ trở thành nhân tố, động lực để thúc đẩy sự phát triển không chỉ riêng vùng cao Lang Chánh, và kết nối với các địa danh khác ở miền núi xứ Thanh như: Suối cá Cẩm Lương, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, Pù Hu, Vườn Quốc gia Bến En...

Rời bản Năng Cát – nơi ấm áp tình người với những nếp nhà sàn, với những câu hát khắp ngân nga, điệu múa sạp rộn ràng, những người trong đoàn chúng tôi ai cũng “chân xuôi về mà hồn chẳng về xuôi”. Hy vọng và mong rằng nơi đây sẽ mãi là một điểm đến thân thiện, hút hồn du khách trong tương lai.

Gia Thanh

NỔI BẬT TRANG CHỦ