• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Mr Bean trong “Tái xuất giang hồ” giống phim hài hơn là hành động

Giải trí 21/09/2018 09:59

(Tổ Quốc) -Trong suốt tháng 9 nếu đã chán với những bộ phim kinh dị, dọa ma, phần 3 của series phim Johnny English thực sự là một gợi ý xuất sắc để khán giả màn ảnh rộng thay đổi không khí.

Thành thật mà nói, phần 3 trong series phim Johnny English với tựa đề Johnny English: Strikes Again (tựa Việt: Johnny English – Tái xuất giang hồ) giống một bộ phim hài nhiều hơn là phim hành động, điệp viên.

Vẫn biết những tác phẩm có sự tham gia của diễn viên ngôi sao Rowan Atkinson đều là tác phẩm hài, nhưng trong hai phần trước của series phim, yếu tố hành động – điệp viên được đẩy mạnh hơn, còn trong phần 3, yếu tố hài lại nổi trội nhất.

Ngay trong những phút đầu tiên của phim, khán giả màn ảnh rộng đã “chứng kiến” cảnh một mật vụ làm việc cho MI7, trong giờ làm việc lại đang căng thẳng…chơi game. Để rồi từ sự bất cẩn đó, một lỗ hổng an ninh lớn dễ dàng bị hacker tấn công và đánh cắp đi toàn bộ dữ liệu về các điệp viên, mật vụ của nước Anh.

Cũng chính vì sự việc này, Thủ tướng đã buộc phải gọi về các điệp viên đã nghỉ hưu nhằm tìm ra người thích hợp để đi ngăn chặn cuộc “tấn công” nhắm vào toàn bộ hệ thống an ninh, dữ liệu quốc gia.

Vượt qua các điệp viên về hưu khác bằng cách thức...ngớ ngẩn

Sau khi xuất sắc vượt qua hàng loạt “đối thủ” – các điệp viên già đã về hưu, bằng cách thức “ngớ ngẩn” đúng chất Mr.Bean. Cựu điệp viên Johnny English (Rowan Atkinson thủ vai) bắt tay vào nhiệm vụ đi “cứu” tổ quốc với sự trợ giúp  của trợ lý cũ Angus Bough ( Ben Miller thủ vai).

Để đối đầu với hacker công nghệ, ngài điệp viên Johnny English với biệt danh trong phim là điệp viên Không không thấy áp dụng một cách thức không thể ngờ tới, đó là….không dùng công nghệ.

Được trang bị xe xịn, súng đời mới, các thiết bị công nghệ tân tiến dành cho điệp viên nhưng quý ngài Johnny English…vứt hết, thậm chí điện thoại cũng không sử dụng để rồi khi cấp bách phải…mượn điện thoại của đối thủ để gọi cứu viện. Thật đúng là chỉ có ngài Bean mới đạt được tới độ “lầy” như vậy.

Những màn gây cười có phần hơi..lố ngay từ đầu phim

Nếu thực sự là fan của Mr.Bean, thì “Johnny English – Tái xuất giang hồ” là một tác phẩm không thể bỏ lỡ. Hoặc nếu như xác định trước khi xem, đây là một bộ phim hài thì khán giả sẽ cảm thấy rất hài lòng khi ra về. Nhưng nếu như, khán giả đến rạp với suy nghĩ đây là một bộ phim hành động, điệp viên thì e là sẽ có chút thất vọng. Vì thế, cần xác định mục đích rõ ràng trước khi xem phim.

Những phân cảnh "đóng mác" Mr Bean nhiều hơn là điệp viên Johnny English

Từ đầu tới cuối phim, những phân cảnh đáng chú ý và đọng lại chỉ là những pha “gây cười” của ngài Bean. Kể cả những màn đánh đấm, bắn súng, đấu trí…vốn dĩ là yếu tố không thể thiếu trong các phim về điệp viên cũng rất mờ nhạt. Thay vào đó đều là những phân cảnh hành động có phần vụng về và những màn đấu trí… ngớ ngẩn.

Từ những nhiệm vụ đầu tiên khi phải đánh lạc hướng nghi phạm để lấy điện thoại dẫn đến cháy cả nhà hàng. Rồi màn đụng độ với quý cô điệp viên bí ẩn do người đẹp Olga Kurylenko thủ vai hay khi sử dụng công nghệ thực tế ảo gây náo loạn đường phố London, đều được “nhồi nhét” những tình tiết gây cười hơi quá lố và có phần gượng gạo.

Nhưng công bằng mà nói, nếu không đặt nặng vấn đề "phim điệp viên" thì phần 3 của phim thực sự đáng xem để thư giãn bởi nó mang đến nhiều tiếng cười

Nhưng cũng phải nhận xét một cách công bằng, bên cạnh một vài phân cảnh gượng gạo “ép” khán giả cười thì “Johnny English – Tái xuất giang hồ” cũng mang đến những màn cười không thể “khép miệng”, những tràng cười “chảy nước mắt” sảng khoái tới tận phút cuối.

Đó là phân đoạn khi ngài điệp viên Không không thấy mất ngủ và phải uống thuốc ngủ, nhưng thật không may vì sự hậu đậu bản chất, ngài lại uống nhầm. Thuốc ngủ không uống lại “chơi thuốc” bay lắc, để lại hậu quả nguyên một đêm “bay lắc” tới mức DJ không thể “phục vụ” ngất trên bàn DJ. Hay cảnh đang muốn trở thành “anh hùng” cứu tổ quốc nhưng vì bộ áo giáp cồng kềnh mà một trượt…ra tận sân.

Không chỉ có vậy, “Johnny English – Tái xuất giang hồ” cũng để lại những thông điệp đáng suy ngẫm, nói lên hiện thực đang trở thành “vấn đề nhức nhối” hiện nay đó là việc lạm dụng công nghệ, dành quá nhiều ưu tiên cho các thiết bị điện tử.

Khán giả sẽ gặp lại Mr Bean tại các rạp trên toàn quốc từ ngày mai

Ngài điệp viên Không không thấy trong phim nói không với công nghệ, từ chối các thiết bị điện tử, hướng đến trải nghiệm thực tế cho người thân và học sinh của mình. Có lẽ đây cũng là thông điệp mà đạo diễn David Kerr hướng đến.

“Johnny English – Tái xuất giang hồ” sẽ chính thức khởi chiếu tại các rạp trên toàn quốc từ ngày mai 21/9

Lan hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ