(Tổ Quốc) - Nghệ thuật múa rối nước là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của người dân làng Rạch, tỉnh Nam Định. Từ "sân khấu" đặc biệt là những thủy đình chốn thôn quê, những nghệ nhân rối nước làng Rạch đã nỗ lực, không ngừng sáng tạo để mang rối nước đi khắp xa gần, và thu hút du khách về làng.
Làng nghề múa rối nước truyền thống
Múa rối nước (hay còn gọi là trò rối nước) là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian độc đáo, sáng tạo mang đậm nét truyền thống của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, ra đời cùng lúc với nền văn hóa Đại Việt. Nghệ thuật múa rối truyền thống của dân tộc Việt Nam gắn liền với những điều kiện tự nhiên, sinh hoạt của người nông dân trồng lúa nước ở đồng bằng Bắc bộ. Với trí tưởng tượng phong phú và óc sáng tạo thông minh của cha ông ta đã góp phần hình thành nên loại hình nghệ thuật múa rối nước. Từ những nét đặc sắc của loại hình nghệ thuật mang yếu tố dân gian, múa rối nước đã nhanh chóng trở thành nghệ thuật truyền thống và được coi là di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
Đây cũng là một nét văn hóa truyền thống riêng biệt của dân tộc Việt Nam so với nền nghệ thuật Múa rối của các quốc gia trên toàn thế giới. Nghệ nhân múa rối nước - ông Phan Văn Mạnh (sinh năm 1956) chia sẻ: "Múa rối nước là món ăn tinh thần đặc sản của người dân Việt Nam. Trên thế giới rất nhiều nước có múa rối cạn, đặc biệt là các nước châu Âu, nhưng để nói đến múa rối nước thì không nước nào có, chỉ Việt Nam mới có thôi. Vì vậy, nó là một đặc sắc riêng của Việt Nam và được rất nhiều bạn bè quốc tế yêu thích".
Làng Rạch - nay thuộc xã Hồng Quang, huyện Nam trực, Nam Định có truyền thống rối nước từ mấy trăm năm, không ai biết chính xác, được các dòng họ Phan, Đặng đời đời truyền giữ và phát triển. ông Mạnh cho biết: "Theo các cụ kể lại thì múa rối nước có từ thế kỷ 10, còn ở làng thì không biết xuất phát từ bao giờ nên chỉ thờ Thành Hoàng Làng coi như thần mang nghề múa rối nước về cho làng. Hàng năm cứ đến ngày 16 tháng Giêng mở hội làng lại tổ chức biểu diễn múa rối tôn vinh công đức Thành Hoàng làng, cũng là dịp nhắc nhở con cháu ghi nhớ công ơn những vị tổ nghề.
Nghề múa rối nước đến với chú từ khi còn nhỏ vì nhà chú đến nay là 7 đời làm nghề múa rối nước. Trước đây, ông nội và bố chú được nhà hát Trung Ương mời về làm việc xây dựng tạo hình múa rối nước. Nên vậy, chú được hấp thụ với nghề múa rối nước từ sớm. Sau một thời gian làm cùng với ông và bố, chú mới tách ra thành lập đoàn riêng để đi biểu diễn khắp nơi trên đất nước. Ngoài ra, chú cũng biểu diễn tại nhà cho khách du dịch. Tính đến nay chú theo đuổi nghề cũng được gần 40 năm rồi".
Tự tin sẽ có người giữ nghề khi nghỉ hưu, nghệ nhân Phan Văn Mạnh chia sẻ: "Hiện nay, ở làng tuy có ít người làm nghề múa rối nước nhưng chú chắc chắn sẽ có người giữ nghề nếu sau này chú yếu đi không làm được nữa. Ở làng Rạch có cái ấn tượng là các thanh niên trong làng hấp thụ được nghệ thuật múa rối nước, dù họ không tham gia bao giờ nhưng nếu bảo tham gia sẽ nhanh chóng biết hơn. Một số anh thanh niên trong đoàn chú có khả năng làm điều đó nên chú không sợ nghề bị mai một".
Nghệ nhân Phan Văn Mạnh là một trong số ít những người trong thôn vừa biểu diễn múa rối, vừa trực tiếp chế tác các con rối. Hiện nay, bộ sưu tập con rối của nghệ nhân Phan Văn Mạnh đã có gần 1.000 sản phẩm với chủ đề đa dạng như: Đời sống nông thôn, các trò dân ca, dân vũ, con vật trong tứ linh… Con rối làm bằng gỗ được đục đẽo với những đường nét cách điệu riêng sau đó gọt giũa, đánh bóng và trang trí với nhiều màu sơn khác nhau để làm tôn thêm đường nét, tính cách cho từng nhân vật. Ngoài nghệ nhân Phan Văn Mạnh, những người anh, người em trong gia đình ông đều là những nghệ nhân chế tạo con rối tài hoa như: Phan Văn Mẽ, Phan Thanh Liêm và Phan Văn Dũng.
Niềm vui của khán giả là động lực để theo đuổi nghề
Động lực để theo đuổi nghề đến ngày hôm nay chính là những tiếng cười của khán giả. Nghệ nhân Phan Văn Mạnh cho biết: "Nghề múa rối nước này có một cái thú vị, hấp dẫn là khi mình làm, mình biểu diễn được nhiều người yêu thích. Những hôm biểu diễn có cả trăm, cả nghìn người xem và tất cả khán giả đều ngạc nhiên, cười khoái chí. Nhất là khi chú biểu diễn tại các trường học, đến những tiết mục rồng phun lửa học sinh đã hét lên thích thú và vỗ tay liên tục, lúc đó chú hạnh phúc lắm. Mình diễn khiến khán giả ngạc nhiên không hiểu vì sao làm được như thế, khiến người ta tò mò đó mới chính là nghệ thuật múa rối nước".
Khi mới bắt đầu làm nghề gặp nhiều khó khăn, vất vả nhất là vấn đề chi phí đầu tư cho đồ nghề nhưng vì đam mê muốn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình nên nghệ nhân Phan Văn Mạnh vẫn tiếp tục theo đuổi và dần dần phát triển không chỉ trong nước mà còn đưa nghệ thuật múa rối nước ra cả thế giới. "Đoàn múa rối nước của chú có khoảng 6-10 người, chú đi diễn nhiều nhất vào lễ hội trung thu, lễ hội đầu năm. Chú còn được các trường học kết nối đến biểu diễn cho các cháu xem và có nhiều khách du lịch nước ngoài tìm đến chú để xem múa rối nước như người Hà Lan, Anh, Pháp… Chú không chỉ biểu diễn trong nước đâu mà chú còn đi biểu diễn ở nước ngoài nữa, có đoàn nào mời là chú đi. Chú thường xuyên biểu diễn tại các nước châu Á như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Dù không hiểu lời thoại nhưng chú thấy khán giả nước ngoài khi xem rất thích thú và vỗ tay khen nức nở. Điều đó làm chú thấy tự hào về nghệ thuật múa rối nước của nước mình".
Từng là một người không biết đến nghệ thuật múa rối nước nhưng từ khi đi theo hỗ trợ ông Mạnh lại trở thành đam mê, con rể của nghệ nhân Phan Văn Mạnh – anh Kiên cho biết: "Trước đây anh không biết đến nghề múa rối nước là gì đâu, nhưng về làm rể ông đi theo ông mới biết và thấy thú vị. Múa rối nước là bộ môn văn hóa, có chiều sâu còn nâng cao được đời sống tinh thần của mình, đi chuẩn bị hỗ trợ vất vả lắm nhưng thấy bà con xem vui thì mình quên hết mệt nhọc. Nên vậy, cứ mỗi lần ông đi diễn ở đâu anh không bận gì là sẽ xin theo đi phụ ông".
Không chỉ biểu diễn múa rối nước, nghệ nhân Phan Văn Mạnh còn tự làm các con rối bán hàng lưu niệm. Ông Mạnh cho biết, ông là con nhà nghề với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống của gia đình cũng như kiếm thêm thu nhập nên ông kết hợp vừa đi biểu diễn vừa làm đồ lưu niệm để bán. Để làm được các con rối, cũng phải học từ cha ông truyền lại. Ông cha ta ngày xưa rất thông minh sáng tạo khi tạo hình được các con rối mà xuống nước nó cử động, chuyển động mềm mại. Tất cả các con rối đều được ông tự làm và vẽ.
Tuy nhiên, có một thực tế rằng, giống như chèo, tuồng hay cải lương, nghệ thuật múa rối nước đang nhường chỗ cho những bộ môn đương đại có sức hấp dẫn khó cưỡng với giới trẻ. Trăn trở với rối, nghệ nhân Phan Văn Mạnh đang tích cực cải tiến, sáng tạo các tác phẩm mới, dựa trên nền tảng những câu chuyện cổ tích Việt Nam. Ông Mạnh cho biết thêm, trước đây các cụ biểu diễn múa rối nước không dựa trên một câu chuyện nào cả chỉ múa những trò dân gian như múa rồng, múa lân, chọi trâu… Nhưng bây giờ ông đang có ý tưởng múa diễn cho học sinh những câu chuyện cổ tích như: cô bé quàng khăn đỏ, Tấm Cám.... Thông qua đó, nghệ thuật rối nước có thể tiếp cận gần hơn với các em nhỏ và còn là một biện pháp giáo dục các em nhỏ qua câu chuyện cổ tích. Đây cũng là con đường mà Nghệ nhân Phan Văn Mạnh tin sẽ giúp những chú Tễu, cô tiên, ông bụt… sống mãi.