(Tổ Quốc) - Sáng ngày 5/2, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam, tại Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra toạ đàm "Thơ hiện nay với hôm nay" do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, với sự tham dự của nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học.
Cùng với sự biến động lớn của xã hội, nhất là hình thức kinh tế thị trường gắn với quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc chứa đựng muôn vàn ảnh hưởng và hệ lụy, sự giao lưu văn hóa mở rộng từ vùng miền đến khu vực và thế giới đã có những tác động đáng kể đến thơ ca.
Thơ chất lượng thấp, bạn đọc quay lưng
Trong cuộc thảo luận đánh giá về thực trạng của thơ ca hiện nay, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Trần Anh Thái cho biết: "Thơ hiện nay mang hơi thở mới, mỹ cảm mới, chức năng mới với muôn hình vạn trạng cách thể hiện cũ, mới, quen, lạ vừa giống vừa không giống ai. Các nhà thơ một mặt đi sâu vào khám phá bản thân, một mặt không rời bỏ ý thức trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, đội ngũ người làm thơ rất đông, không phải một ngàn mà có lẽ hàng chục ngàn người. Hàng trăm hàng ngàn câu lạc bộ thơ ra đời, mỗi câu lạc bộ hoạt động một kiểu, tùy thích.
Bên cạnh đó, thơ in ra nhiều, mỗi năm các nhà xuất bản in cả ngàn tập thơ. Người làm thơ cứ có tiền là in thơ, bất chấp thơ hay, thơ dở. Không ít người cho rằng: Thơ ca nói riêng, văn học nói chung đang hỗn loạn. Các giá trị thật giả, đúng sai bị đánh tráo. Thơ chất lượng thấp, giải thưởng, danh hiệu tràn lan. Cái đích thực bị khuất lấp, chìm vào im lặng".
Số lượng thơ tăng lên nhưng người đọc thơ ngày càng giảm đi, nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ: "Tôi thấy bản thân việc ra đời các câu lạc bộ thơ không hề làm tổn hại thành tựu của nền thơ nước ta. Nhưng số lượng các ấn phẩm thơ xuất hiện trên thị trường sách thì có ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thơ. Hiện nay, số tập thơ ấn hành hằng năm gấp từ 30 đến 40 lần các giai đoạn trước. Thơ chưa đạt chuẩn vẫn đưa ra thị trường. Thơ thành mặt hàng bị ế khiến cho các hiệu sách có sáng kiến "không nhập thơ nữa". Trừ những hiệu sách tự tìm lấy bản thảo, biên tập giới thiệu công phu và liên kết với các nhà xuất bản lớn để in và bán, bán giá cao. Như vậy, số người làm thơ tăng lên, sách thơ xuất bản cũng tăng lên. Nhưng người đọc thơ lại giảm đi, giảm chưa từng có".
Đồng quan điểm này, nhà thơ Trần Anh Thái cho biết thêm, thơ hiện nay là vậy, tuy còn cái non yếu chiếm lĩnh nhưng suy cho cùng, cái non yếu của thơ cũng không hại gì. Điều đáng ngại là người làm thơ đông, thơ in ra nhiều, nhưng người đọc lại không đọc thơ. Bạn đọc lạnh nhạt với thơ là có thật, thậm chí quay lưng lại với thơ cũng là thật. Dù tôn trọng thơ, yêu thơ đến mấy cũng phải buồn bã thừa nhận, đó là sự thất bại của thơ.
"Nguyên nhân sự quay lưng với thơ của người đọc bắt đầu từ việc suy sụp của văn hóa đọc không đủ sức cạnh tranh với các phương tiện giải trí, truyền thông hiện đại. Đồng thời, thơ giai đoạn này đa phần là những cảm xúc riêng tư với những đề tài quá cũ, không gắn bó gì đến suy nghĩ, tâm tư của con người trong giai đoạn kinh tế thị trường, trong thời buổi xã hội có nhiều biến động. Một vài nhà thơ tìm đến những đề tài lớn như tình yêu tổ quốc, nhưng lại tạo ra các bài thơ với những câu từ sáo rỗng gần giống như khẩu hiệu. Về nghệ thuật thì hơn ba thập kỉ nay chưa có sáng tạo nào mới, chưa có nhà thơ nào nổi trội. Và hiện tượng thơ "lẫn", thơ "giống nhau" ngày càng phổ biến" – nhà thơ Nguyễn Hiếu chia sẻ.
Làm thơ phải tôn trọng bạn đọc
Để có thể khôi phục được sức hấp dẫn đối với người đọc, nhà thơ Nguyễn Hiếu cho biết, trình độ, nền nếp xã hội cũng như tâm lý, cách thưởng thức văn hoá, nghệ thuật của con người đã thay đổi, muốn thơ từng bước chiếm lại vị trí trong lòng người đọc thì phải chăng cần một cú hích từ cộng đồng xã hội, từ sự thay đổi cơ bản, thực sự trong thi pháp và cả thái độ đối với thể loại.
Việc đổi mới thơ cần phải bắt đầu từ một tảng nền văn hóa vững chắc, nhà thơ Trần Anh Thái chia sẻ: "Việc đổi mới và cách tân của thơ chưa bao giờ tự do, sôi động như ngày nay và thật sự nó rất cần được khuyến khích. Thế nhưng nếu sự cách tân không bắt đầu bằng một nền tảng văn hóa vững chắc thì chỉ sinh ra những tác phẩm lạ, vừa thấp kém về chất lượng và thẩm mỹ vừa đi ngược lại truyền thống của dân tộc. Chính vì thế, để thơ đạt đến một chất lượng cao hơn, có tính phổ quát hơn thì cần các tờ báo, nhà xuất bản, nhà thơ không bằng lòng "chiều chuộng" thơ chất lượng thấp, danh hiệu giải thưởng tràn lan và các cơ quan văn hóa cần tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển thơ Việt Nam. Những tác phẩm được viết một cách kĩ lưỡng, tinh tế, phản ánh một cách chân thật bản chất của con người, của cuộc sống chống lại sự nông cạn, hời hợt, sự "ru ngủ" của bản thân và sự ngạo mạn, hoang tưởng thì mới có được những tác phẩm hay. Khi đó, thơ chẳng phải làm gì bạn đọc cũng tự giác tìm đến và thơ "non nét" sẽ tự rút lui khỏi đời sống tinh thần lành mạnh của chúng ta".
Là một người yêu thơ, nhà giáo Trần Bá Giao bày tỏ: "Việc in quá nhiều thơ là do lỗi của biên tập bởi không có sự chắt lọc. Chúng ta chưa có sự định hướng cho các câu lạc bộ thơ, vì vậy nên có lực lượng giúp các câu lạc bộ phát triển. Để cho thơ ca Việt Nam ngày càng phát triển, tôi cho rằng Hội đồng thơ của Hội Nhà văn nên có những dự án nâng tầm thơ. Ngoài ra, cần quan tâm hơn đến bình thơ, để nhận thức rõ chất lượng thơ hiện nay. Cùng với đó là Hội Nhà văn cần có thêm hoạt động văn hóa đọc đến trường học để học sinh, sinh viên tiếp nhận văn hóa đọc thơ".
Đồng thời, để có những bài thơ hay "ngang ngửa" với những thi sĩ trên thế giới, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến khẳng định, điều quan trọng nhất trong sáng tác thi ca là phẩm chất thơ luôn hướng đến cuộc sống hôm nay, hướng đến tình yêu quê hương; quan tâm hơn đến cả những cảm xúc tích cực, lẫn trăn trở trong cuộc sống hôm nay. Chính vì thế, đừng cố "nghiến răng mưu toan" để trở thành thi sĩ. Sự đổi mới của thơ hôm nay không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật, cấu trúc của ngôn ngữ mà điều thiết yếu căn cốt là ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ. Thơ hay là thứ thơ làm cho người ta phải kinh ngạc và thật sự rung động bởi một ý tưởng mới, một suy tưởng mới, một sức sống mới đang làm nên những dạng thức mới của ngôn ngữ thơ.
Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ cho biết, làm thơ phải tôn trọng bạn đọc. Chúng ta không thể cấm. Phải tạo điều kiện cho cả những người làm thơ không chuyên nghiệp phát triển. Thơ không phải hàng hóa sản xuất hàng loạt. Làm thơ mọi người phải mến, phải quý. Do cá nhân họ điều chỉnh chứ không thể dùng pháp luật điều chỉnh. Thơ Việt Nam có thành tựu rất lớn, tác động đến tình cảm, nhân cách con người nhanh hơn và có sức thẩm thấu. Vì vậy, thơ được nhạc sĩ chắp cánh thì còn có thể vươn xa hơn.
Bất kỳ thời đại nào thì thơ ca cũng có những bến bờ được tạo dựng bằng hiện thực đời sống. Dù phản ánh hiện thực đời sống trực tiếp hay gián tiếp, dù hiện đại hay truyền thống thì điều cốt yếu mà thơ ca mang lại cho người đọc chính là làm tôn lên mọi vẻ đẹp cho con người và vì con người, cho đời sống và vì đời sống. Chỉ có như thế chúng ta mới tạo nên sự vững bền cho thơ ca và nhà thơ mới hoàn thành được sứ mệnh của mình./.