(Tổ Quốc)-“Năm 2018, ngành Du lịch tiếp tục có những cơ hội và điều kiện thuận lợi trên đà phát triển của hai năm vừa qua. Tuy nhiên, thách thức và hạn chế của chúng ta vẫn rất lớn” - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn nhận định.
- 08.02.2018 Đà Nẵng tổ chức nhiều sự kiện hấp dẫn dịp Tết Nguyên đán
- 08.02.2018 Khuyến cáo doanh nghiệp cân nhắc tổ chức tour cho khách đến Maldives
- 08.02.2018 Độc đáo nghi lễ dựng cây nêu ngày Tết tại Đại Nội Huế
- 08.02.2018 Hành hương tìm đến miền đất hứa
- 08.02.2018 Khủng hoảng chính trị tại Maldives: Lữ hành xoay xở tìm kế đảm bảo an toàn cho du khách
Năm 2017 đã khép lại với những dấu ấn lịch sử của ngành Du lịch, đồng thời mở ra một vận hội mới, tạo đà cho ngành Du lịch bứt phá. Trên đà phát triển này, ngành Du lịch tiếp tục được Chính phủ giao những nhiệm vụ quan trọng trong năm 2018. Nhân dịp đầu xuân năm mới Mậu Tuất năm 2018, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đã có cuộc trao đổi với Báo điện tử Tổ Quốc về những nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành mục tiêu mà Chính phủ, Bộ VHTTDL giao phó.
-Thưa Tổng cục trưởng, trong năm 2017, ngành Du lịch tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế đất nước với rất nhiều kết quả đáng ghi nhận. Vậy theo đánh giá của ông, đâu là những dấu ấn nổi bật nhất của ngành Du lịch trong năm 2017?
+ Năm 2017 thực sự là năm đặc biệt đối với ngành Du lịch Việt Nam trong lịch sử 57 năm ngành Du lịch từ khi hình thành đến nay và có lẽ sau này, khó có cơ hội lặp lại những dấu ấn như vậy.
Thứ nhất, đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển Du lịch trở thành ngành Kinh tế mũi nhọn với những quan điểm, mục tiêu, giải pháp rất đột phá và toàn diện. Theo tôi, chỉ cần một phần nội dung của Nghị quyết này đi vào cuộc sống đã tạo ra nhiều năng lượng, thành quả cho ngành Du lịch. Nghị quyết này đặt ra nền tảng cho cả tư duy nhận thức, hành động, cơ chế chính sách cho du lịch phát triển cả trước mắt và lâu dài. Sau đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình Hành động thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, Bộ VHTTDL và các bộ, ngành khác đã ban hành Kế hoạch hành động để hiện thực hóa Chương trình Hành động của Chính phủ.
Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn |
Thứ hai, sau 2 năm chuẩn bị, vào tháng 6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch năm 2017 với nhiều nội dung mới, tạo điều kiện cho du lịch phát triển gắn với quản lý.
Thứ ba, năm 2017 là năm ngành Du lịch Việt nam đã tăng tốc, bứt phá về tốc độ tăng trưởng cả về lượng khách quốc tế và khách nội địa. Theo đó, năm 2017, ngành Du lịch đã có bức tranh tươi sáng với việc đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đat hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ đô la Mỹ. Đây có thể coi là kỳ tích tăng trưởng về tổng số khách quốc tế và mức tăng trưởng số lượng khách quốc tế trong một năm đạt 3 triệu lượt khách so với năm 2016.
Ba dấu ấn đó là những dấu ấn lịch sử của ngành Du lịch trong năm 2017 và sẽ khó có cơ hội lặp lại.
-Nhìn lại những dấu ấn lịch sử của ngành Du lịch trong năm 2017, theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến những kết quả ấn tượng như vậy?
+ Kết quả này bắt nguồn từ sự quan tâm, chỉ đạo, lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ VHTTDL, sự năng động, sáng tạo của các tỉnh, thành phố, đặc biệt là của cộng đồng doanh nghiệp, sự quan tâm, phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành liên quan và các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL trong việc xử lý, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, các điểm nghẽn có tính liên ngành. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng cho toàn ngành Du lịch, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của toàn xã hội về phát triển du lịch trên hành trình trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp xứng đáng cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thức rằng, kết quả trên mới chỉ là bước đầu, chưa xứng đáng với tài nguyên và điều kiện mà chúng ta đang sở hữu cũng như kỳ vọng của xã hội, còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Ngành Du lịch còn rất nhiều điểm nghẽn, những rào cản cũng như hạn chế yếu kém cần được tháo gỡ, khắc phục, trong đó có những vấn đề nội tại của ngành Du lịch như: phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, kiểm soát chất lượng, dịch vụ, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch, quản lý điểm đến…
-Được biết, Bộ VHTTDL đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch. Vậy xin ông cho biết, Quỹ sẽ có được lấy từ những nguồn nào và sẽ được dùng vào những hoạt động gì?
+Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch là kết quả của một quá trình vận động, thuyết phục kiên trì, lâu dài và đang trên con đường tiến tới thành công. Chúng ta rất cần có Quỹ để triển khai hiệu quả công tác xúc tiến quảng bá du lịch. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam vẫn còn kém so với các nước trong khu vực vì nguồn đầu tư cho xúc tiến quảng bá xúc tiến du lịch của Nhà nước còn hạn chế. Việc huy động nguồn lực cho công tác này cũng thiếu căn cứ pháp lý.
Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch, nguồn kinh phí của Quỹ sẽ có bốn nguồn chính. Một là ngân sách Nhà nước cấp trong 3 năm đầu, mỗi năm 100 tỷ đồng. Thứ hai là một phần trích từ lệ phí nhập cảnh của khách quốc tế đến Việt Nam. Thứ ba là một phần nhỏ phí tham quan du lịch do khách du lịch đóng góp. Thứ tư là những nguồn tài chính hợp pháp khác. Nguồn hình thành Quỹ đã được quy định rõ trong Luật Du lịch. Việc quy định cụ thể sẽ được nêu tại Nghị định sau đó xây dựng hồ sơ để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Quỹ sẽ chi vào những nội dung cụ thể như: Quảng bá xúc tiến du lịch; Hỗ trợ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; Đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; Tăng cường về thể chế, chính sách.
Một vấn đề nữa cần quan tâm là quản lý Quỹ làm sao để đảm bảo sự tham gia của các cơ quan có liên quan và phát huy hiệu quả của Quỹ một cách tối đa nhất, đảm bảo minh bạch, rõ ràng và hiệu quả.
-Chính phủ đã giao cho ngành Du lịch trong năm 2018 đón 15-17 triệu lượt khách quốc tế. Ngành Du lịch có kế hoạch nào để thực hiện nhiệm vụ khó khăn này?
+ Năm 2018, ngành Du lịch tiếp tục có những cơ hội và điều kiện thuận lợi trên đà phát triển của hai năm vừa qua, tiếp tục được Đảng, Nhà nước và xã hội quan tâm, du lịch được xác định là định hướng chiến lược trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước như Nghị quyết 08 của Bộ chính trị đã nêu. Quá trình đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành Du lịch trong những năm gần đây đã tạo ra nền tảng vững chắc hơn để nâng cao khả năng của điểm đến, hạ tầng giao thông tiếp tục được cải thiện. Tuy nhiên, thách thức và hạn chế của chúng ta vẫn rất lớn, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều, trong khi các điểm trong khu vực đã có bước phát triển mạnh, những hạn chế yếu kém của ngành Du lịch chưa thể khắc phục ngay.
Mục tiêu của ngành Du lịch được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng giao cho là phấn đấu đón từ 15-17 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 68-70 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt 620 ngàn tỷ đồng, tương đương 27,5 tỷ đô la Mỹ. Đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn ngành Du lịch phải hết sức chủ động và nỗ lực cũng như phối hợp với các bộ ngành, lĩnh vực liên quan, từng địa phương, nhất là những địa phương là địa bàn du lịch trọng điểm.
Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành Du lịch cần tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Một là thực hiện các giải pháp đồng bộ để duy trì đà tăng trưởng khách du lịch quốc tế và nội địa. Đây là nhiệm vụ cần được ưu tiên cao và triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó cần chú trọng các giải pháp cụ thể như: triển khai các hoạt động quảng bá xúc tiến tại các thị trường trọng điểm ngay từ đầu năm, tăng cường hợp tác công – tư, huy động nguồn lực từ cộng đồng doanh nghiệp, đổi mới hoạt động xúc tiến để nâng cao hiệu quả. Phối hợp chặt chẽ với ngành hàng không, các hãng hàng không trong nước và quốc tế trong việc tăng tần suất các đường bay đã có và thiết lập các đường bay mới từ các thị trường trọng điểm đến các sân bay tại các điểm đến còn nhiều dư địa như: Phú Quốc, Đà Nẵng, Cát Bi, Huế, Vân Đồn…Ngoài ra, cần tăng cường quản lý điểm đến đảm bảo an ninh, an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch.
Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ hai là tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị và Luật Du lịch 2017.
Nhóm nhiệm vụ và giải pháp thứ ba là tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về Du lịch, khắc phục những hạn chế yếu kém mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ ra trong phiên họp cuối năm của Ban chỉ đạo Nhà nước về Du lịch, tập trung khắc phục những hạn chế trong quản lý hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên, kiểm soát chất lượng dịch vụ, quản lý điểm đến.
-Xin cảm ơn ông!