(Tổ Quốc) - Đây là một trong những nhiệm vụ mà Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Cục.
Theo thông tin từ Cục Quản lý Lao động ngoài nước, năm 2018, trong số 142.860 lao động đi làm việc ở nước ngoài thì có gần 50.300 lao động nữ (chiếm 34,8%), trong đó thị trường đông nhất là Nhật Bản (68.737 người), tiếp đến là Đài Loan (60.369 người), Hàn Quốc (6.538 lao động), Ả rập- Xê út (1.920 người), Rumania (1.319 người), Malaysia (1.102 lao động), An-giê-ria (1.014 lao động)…
Trong đó, riêng thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2018 với 68.000 lao động (chiếm gần 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài), nâng tổng số thực tập sinh Việt Nam đang thực tập tại Nhật Bản lên hơn 140 nghìn người. Thị phần của lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan tiếp tục gia tăng đều đặn, bình quân tăng từ 0,7-1,3%, nâng tổng số lao động Việt Nam đang làm việc tại đây lên hơn 222.600 người (chiếm 31,52%)…
Một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động như: Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số thị trường Châu Âu có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam. Ngoài việc có nhu cầu tiếp nhận ổn định, thị trường Nhật Bản nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam ngày càng tăng, đa dạng về ngành nghề; một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng một số nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như điều dưỡng, hộ lý và lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.
Ảnh minh họa
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã và đang từng bước chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh.
Cục cũng cho biết, đến nay có 362 doanh nghiệp tại Việt Nam được cấp giấy phép dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Trong năm 2019, Cục sẽ đưa 120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài và tập trung vào các thị trường có thu nhập cao. Cùng với việc mở rộng thị trường lao động, chúng ta cũng cần lựa chọn thị trường và phải giảm dần những thị trường rủi ro, đặc biệt là phải thống nhất nguyên tắc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải qua tổ chức, có đơn vị và tổ chức hỗ trợ nếu xảy ra rủi ro.
Cục cũng sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống luật pháp, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị, trình nội dung về sửa đổi Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2020.