• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năm 2022, Việt Nam phấn đấu đón khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế

Du lịch 06/01/2022 16:37

(Tổ Quốc) - Một trong những mục tiêu của ngành Du lịch năm 2022 đó là phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Sáng nay (6/1), tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2021, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. Hội nghị được tổ chức trực tuyến đến 63 điểm cầu của các tỉnh, TP trong cả nước.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, sau các đợt dịch bùng phát dịch, ngành du lịch phải đối mặt với khó khăn, năm sau nặng nề hơn năm trước. Năm 2021 là năm thứ 2 bị tác động bởi đại dịch, hoạt động du lịch vẫn gần như bị đình trệ hoàn toàn. Trong cả năm 2021, lượng khách du lịch nội địa ước đón được 40 triệu lượt (giảm 29% so với năm 2020 và giảm 53% so với năm 2019).

Khách quốc tế tới Việt Nam "vắng bóng" sau 19 tháng, và bắt đầu quay trở lại vào giữa tháng 11/2021, ước tính số lượng khách thông qua các chuyến bay trọn gói đến cuối năm 2021 là 3.000-3.500 lượt. 

Tổng thu từ khách du lịch năm 2021 ước đạt 180.000 tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2020 và giảm 76% so với năm 2019. Ước tính đóng góp GDP của du lịch năm 2021 chỉ đạt 1,97% (năm 2019 đạt 9,2%, năm 2020 đạt 3,58%). 

Trình bày phương hướng nhiệm vụ của ngành du lịch trong năm 2022, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, một trong nhiệm vụ trọng tâm của ngành là phấn đấu đón 65 triệu lượt khách du lịch, trong đó khoảng 5 triệu lượt khách quốc tế, khoảng 60 triệu lượt khách du lịch nội địa, bằng 150% so với năm 2021, tổng thu từ khách du lịch đạt 400 nghìn tỷ đồng.

Đẩy mạnh số hóa trong ngành Du lịch, sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi trong năm 2022  - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông

Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện các Đề án phát triển một số cụm du lịch đồng bộ, chất lượng, có quy mô lớn, đẳng cấp quốc tế; Đề án phát triển bền vững du lịch biển, đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về du lịch; Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam.

Ban hành quy định và hướng dẫn áp dụng một số mô hình kinh tế mới trong lĩnh vực du lịch: kinh tế chia sẻ, kinh tế du lịch ban đêm, kinh tế tuần hoàn; tiêu chuẩn, quy định quản lý đối với kinh doanh loại hình du lịch chăm sóc sức khoẻ, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp,nông thôn và một số loại hình du lịch mới.

Đưa ra lộ trình tái khởi động, phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2022-2024 và các giai đoạn đến 2030, 2040. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thúc đẩy du lịch nội địa gắn với an toàn dịch bệnh. Từng bước mở rộng đối tượng, thị trường, điểm đến trong Chương trình thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam, phù hợp với tình hình dịch COVID-19.

"Đặc biệt là đẩy mạnh chuyển đổi số du lịch, phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh, tăng tiện ích cho khách du lịch, tăng cường phát triển và quảng bá du lịch trên các phương tiện truyền thông mới trên các nền tảng công nghệ số; xây dựng và triển khai các dự án phát triển du lịch thông minh, mô hình quản lý điểm đến du lịch thông minh, tăng tiện ích sử dụng, tích hợp trên nền tảng số cho khách du lịch"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Đẩy mạnh số hóa trong ngành Du lịch, sẵn sàng cho kế hoạch phục hồi trong năm 2022  - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, ngành Du lịch trong những năm tới cần phải rất cảnh giác và chuẩn bị các phương án phòng trường hợp xấu nhất khi các biến chủng mới xuất hiện.

Thời điểm này là lúc cần rà soát lại một cách chắc chắn và áp dụng công nghệ để khi dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch được mở cửa, chúng ta sẽ có thể chủ động quản lý được lượng khách du lịch.

Để khắc phục những khó khăn, tồn tại, hạn chế và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong năm 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VHTTDL cần đẩy mạnh số hóa trong lĩnh vực của ngành. 

“Ví dụ du lịch gắn với số hóa từng sản phẩm du lịch, ứng dụng tất cả dữ liệu hiện đại, phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ. Số hóa trong những lĩnh vực này có số lượng lớn nhưng vẫn phải nỗ lực để làm. Bộ VHTTDL và Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải phối hợp để làm tốt việc này” - Phó Thủ tướng yêu cầu./.

Minh Khánh

NỔI BẬT TRANG CHỦ