(Tổ Quốc) - Triển khai kế hoạch kiểm tra công tác quản lý lễ hội tại một số địa phương trong phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra, trong ngày 4/2, các đoàn công tác của Bộ VHTTDL đã kiểm tra thực tế tại một số lễ hội, di tích trọng điểm trên địa bàn các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Lạng Sơn.
- 06.02.2020 Bộ VHTTDL kiểm tra công tác quản lý lễ hội: Nhiều địa phương thực hiện nghiêm túc việc dừng tổ chức
- 04.02.2020 Bộ VHTTDL kiểm tra việc dừng, giảm quy mô lễ hội trong phòng, chống dịch bệnh do virus Corona
- 03.02.2020 Bộ trưởng Bộ VHTTDL gửi Công điện đề nghị dừng tất cả các lễ hội, kể cả đã khai mạc tại các tỉnh công bố dịch
- 02.02.2020 Bộ VHTTDL kiểm tra việc thực hiện dừng tổ chức lễ hội tại các địa phương để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch
Theo đánh giá của các đoàn công tác, các địa phương cùng các BQL di tích, BTC lễ hội đã thực hiện nghiêm việc dừng, giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội; hạn chế tổ chức các hoạt động hội tập trung đông người.
Tham gia đoàn có đại diện Cục Văn hóa cơ sở, Cục Di sản văn hóa, Thanh tra Bộ. Về phía tỉnh Nam Định có lãnh đạo Sở VHTTDL Nam Định, UBND TP. Nam Định, BQL di tích lịch sử văn hóa đền Trần, chùa Tháp...
Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương cho biết, lễ hội đền Trần nhiều năm qua là một điểm lễ hội thu hút rất đông người tham dự. Tại đây, đoàn đã triển khai kiểm tra các nội dung thực hiện công văn của Ban Bí thư; Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTTDL về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra trong hoạt động lễ hội.
"Nam Định đã kịp thời triển khai các văn bản chỉ đạo dừng tổ chức lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng và các hoạt động trong mùa lễ hội Xuân Canh Tý. Công tác tuyên truyền đến nhân dân và du khách về phòng dịch cũng được triển khai đồng bộ, tích cực"- Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhận định.
BTC lễ hội Đền Trần cho biết: Lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng sẽ không tổ chức mà chỉ có các cụ cao niên thực hiện nghi lễ dâng hương trong đền, sau đó đóng cửa đền và không tổ chức phát ấn từ sáng ngày Rằm như mọi năm. Các nghi lễ rước kiệu, rước nước... cũng sẽ không diễn ra.
UBND TP Nam Định cũng triển khai nhiều hoạt động trong công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Các tiểu ban của lễ hội đã giải thể nhưng các phương án nhằm đảm bảo an ninh trật tự, giao thông, y tế, vệ sinh môi trường... vẫn được chuẩn bị sẵn sàng, phòng tình huống người dân và du khách tới đền xin lộc ấn như mọi năm.
Cũng theo Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương, ngoài di tích đền Trần, đoàn đã đi kiểm tra công tác quản lý lễ hội tại một số địa điểm trên địa bàn tỉnh Nam Định. Bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn một số nơi chưa kịp thời triển khai đầy đủ các phương án phòng chống dịch, hạn chế các hoạt động tụ tập đông người.
"Việc triển khai các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL phải được các địa phương vào cuộc kịp thời, quyết liệt và hiệu quả hơn, ngay trong thời điểm hiện nay và không thể chậm trễ...", Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh.
Sau Nam Định, đoàn công tác đã tới kiểm tra tại các điểm di tích, lễ hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tại các điểm kiểm tra: Đền Trần, đền Tiên La, chùa Keo, đánh giá của đoàn công tác nhấn mạnh, các điểm di tích đã kịp thời triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VHTTDL.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, các điểm di tích này đã dừng toàn bộ hoạt động tổ chức lễ hội, tập trung vào công tác phòng dịch. Cụ thể, tại đền Trần Thái Bình không tổ chức khai hội, chỉ thực hiện nghi lễ dâng hương truyền thống. Tại đền Tiên La, chùa Keo, việc thực hiện tuyên truyền được chú trọng, các di tích có hướng dẫn dán ở cổng đền, yêu cầu du khách vào đền phải đeo khẩu trang và thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch.
Cùng ngày, đoàn công tác thứ hai của Bộ VHTTDL đã kiểm tra tại các điểm di tích, danh thắng và lễ hội trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Các địa điểm gồm: đền Bắc Lệ, đền Quan Giám sát (huyện Hữu Lũng), đền Chầu Năm (huyện Chi Lăng), đền Kỳ Cùng, đền Mẫu Đồng Đăng (TP Lạng Sơn), chùa Tam Thanh. Theo Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài, qua kiểm tra thực tế, công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đặc biệt tại các điểm di tích, danh thắng và lễ hội rất chủ động, kịp thời và nghiêm túc.
Sở VHTTDL Lạng Sơn đã chủ động tham mưu, chỉ đạo việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VHTTDL bằng nhiều văn bản và biện pháp cụ thể. Đặc biệt, việc dừng tổ chức khai mạc lễ hội, không tổ chức hoạt động tụ tập đông người được triển khai nghiêm túc. Văn bản của Sở VHTTDL Lạng Sơn ban hành cũng nhấn mạnh, thực hiện Công điện của Bộ VHTTDL, Công điện của Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do virus corona, yêu cầu tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh do virus corona. Tuyên truyền đến nhân dân hạn chế tham gia hoạt động du xuân, lễ hội; đeo khẩu trang tham gia các hoạt động tại lễ hội, di tích; thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến nhân dân và du khách.
Sở cũng quán triệt các BQL di tích không thực hiện nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia; thực hiện tuyên truyền trong các di tích về biện pháp phòng chống dịch bệnh do virus corona.
Sở VHTTDL Lạng Sơn cũng đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành, các Trung tâm Thông tin, xúc tiến du lịch tăng cường thông tin tuyên truyền về tình hình dịch bệnh để kịp thời có giải pháp đảm bảo an toàn sức khỏe cho khách du lịch và cộng đồng; tạm dừng tổ chức các đoàn khách du lịch...
Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Vi Thanh Hoài cho biết: "Các di tích đã cập nhật kịp thời các văn bản chỉ đạo về phòng chống dịch bệnh do virus corona. Nhiều di tích đã triển khai các biện pháp cụ thể, hiệu quả. Đặc biệt, tại một số điểm như đền Mẫu, đền Kỳ Cùng, chùa Tam Thanh... đã tổ chức phát miễn phí khẩu trang cho du khách..."./.