(Tổ Quốc) - Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2018 ngành đường sắt để xảy ra 122 vụ tai nạn làm chết 56 người và 81 người bị thương.
- 24.05.2018 Tai nạn tầu hóa thảm khốc ở Thanh Hoá: Tình trạng sức khỏe lái xe giờ ra sao?
- 29.05.2018 Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xin chịu trách nhiệm, xin lỗi gia đình người bị nạn vì sự yếu kém của ngành Đường sắt
- 30.05.2018 Sau những vụ tai nạn đường sắt: Đình chỉ nhiều cán bộ
- 04.06.2018 “Bộ trưởng không đủ sức nhận trách nhiệm về tai nạn giao thông đường sắt”
Tai nạn giao thông đường sắt liên tục xảy ra trong thời gian qua. Trong ảnh vụ đâm nhau giữa hai tàu ở Núi Thành. Ảnh CTV |
Tổng Công ty Đường sắt VN vừa có báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải về việc xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân của tổng công ty này liên quan đến các vụ tai nạn giao thông đường sắt trong thời gian gần đây.
Tai nạn liên tục nhưng báo cáo vẫn nói giảm
Dù xảy ra nhiều vụ tai nạn như trên nhưng Tổng Công ty đường sắt VN khẳng định trong báo cáo lên Bộ Giao thông vận tải rằng: “Tình hình chung trong 5 tháng đầu năm 2018 tai nạn giao thông đường sắt tiếp tục được kiềm chế và được kéo giảm so với cùng kỳ”.
Lý giải điều trên, tại báo cáo do ông Vũ Anh Minh, chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty đường sắt VN ký cho rằng, 5 tháng đầu năm 2018 ngành đường sắt xảy ra 122 vụ tai nạn giảm 30 vụ so với cùng kỳ 2017.
Theo ghi nhận của Báo điện tử Tổ Quốc thì từ ngày 24 đến 28-5-2018 đã xảy ra năm vụ tai nạn trên tuyến đường sắt Bắc Nam. Trong đó có hai vụ rất nghiêm trọng là vụ tàu hàng 2469 và tàu hàng ASY2 va chạm với nhau trong ga Núi Thành. Vụ việc này xảy ra vào 16g18 ngày 26-5. Tiếp theo là vụ tàu 2386 bị trật bánh khỏi đường ray tại ga Yên Xuân cũng vào ngày 26-5. Liên tiếp sau đó là các vụ việc tàu đâm phải xe ô tô tại một số tỉnh thành.
Nguyên nhân các vụ việc đang được điều tra làm rõ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng công ty đường sắt VN thì có các nguyên nhân chính như: Sai sót của lái tàu, phụ lái tàu, gác ghi ở mặt đất trong khi làm việc. Riêng về vụ tàu trật bánh ở ga Yên Xuân là do chất lượng sửa chữa hàn đắp gờ bánh xe không đảm bảo dẫn đến bị nứt vỡ, uốn cong khi tàu chạy qua.
Với các vụ tàu va vào ô tô ở những điểm tiếp giáp đường bộ đã bộc lộ nhiều điểm mất an toàn tại các điểm này, cảnh báo sự nguy hiểm không đảm bảo an toàn tại các giao lộ giữa đường sắt và đường bộ.
Tự đề xuất sa thải, cách chức nhiều cán bộ
Để xảy ra vụ việc trên nhiều cán bộ, nhân viên ngành đường sắt bị cách chức, sa thải, kỷ luật chậm thời hạn nâng lương… Tuy nhiên đây mới chỉ là mức đề xuất kỷ luật do Tổng công ty Đường sắt VN tự đề xuất, quyết định kỷ luật cuối cùng do Bộ Giao thông vận tải ra quyết định.
Cụ thể, theo đề xuất của Tổng công ty Đường sắt VN, đối với vụ tai nạn tàu SE19 tông xe tải ở Thanh Hóa ngày 24-5: khiển trách ông Lê Minh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị và cảnh cáo ông Hoàng Gia Khánh - Giám đốc Công ty cổ phần Đường sắt Thanh Hóa.
Các vụ tai nạn khiến ngành đường sắt bi nghi vấn về độ an toàn. Ảnh CTV |
Đối với vụ tàu trật bánh ở ga Yên Xuân (Nghệ An) ngày 26-5: phê bình nghiêm khắc đối với ông Đỗ Văn Hoan - Chủ tịch hội đồng quản trị và ông Nguyễn Viết Hiệp - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội.
Đối với vụ tàu tông nhau ở ga Núi Thành ngày 26-5: Kỷ luật hình thức kéo dài nâng lương đối với bốn ông: Cao Minh Hỷ (giám đốc) và ông Nguyễn Thanh Sang (phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Nghĩa Bình); ông Trương Văn An (giám đốc) và ông Lê Xuân Linh (phó giám đốc Chi nhánh xí nghiệp đầu máy Đà Nẵng).
Ngoài các chức danh trên, còn có khoảng 25 cán bộ, người lao động cấp chi nhánh, công ty cũng bị kỷ luật, nghiêm khắc rút kinh nghiệm.
Trong đó, sa thải đối với ông Nguyễn Văn Hải - Trưởng ga Núi Thành, lái tàu Dương Trần Chí Hiếu (Chi nhánh Đường sắt Nghĩa Bình).
Việc tăng hay giảm hình thức kỷ luật sẽ được căn cứ sau khi có kết luận của cơ quan điều tra về việc tàu SE19 tông xe tải làm 2 người chết và nhiều người bị thương.
An toàn giao thông đường sắt là vấn đề được nhiều đại biểu đưa ra khi chất vấn Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải trong kỳ họp quốc hội vừa qua.