• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao hình ảnh du khách Việt: Bộ quy tắc ứng xử không phải “chiếc đũa thần”

Du lịch 15/04/2017 08:29

(Tổ Quốc)-Các chuyên gia du lịch nhận định, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch do Bộ VHTTDL ban hành không phải là “chiếc đũa thần” có thể thay đổi toàn bộ diện mạo của du khách Việt Nam khi du lịch quốc tế mà chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.


Các bộ, ngành, địa phương đã “vào cuộc”

Sau một năm Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt, đến nay đã có nhiều hoạt động được triển khai, từng bước mang lại hiệu quả tích cực. Theo thông tin do CLB Nhà báo Du lịch công bố mới đây, chiến dịch "Nâng cao hình ảnh du khách Việt" đã được triển khai sâu rộng ở khắp các cấp, ngành, các lĩnh vực của ngành du lịch trong suốt một năm qua. Mặc dù, thực tế vẫn còn nhiều vấn đề bất cập trong hành vi ứng xử của du khách, song không thể phủ nhận, chiến dịch đã góp phần thay đổi tích cực hình ảnh của du khách Việt Nam khi đi du lịch nội địa hay và nước ngoài.

Giờ đây, có Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch làm khung chuẩn mực, sẽ giúp cho DN đưa ra những khuyến cáo chung, phù hợp, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hoặc không biết nên đưa điều gì vào quy tắc, quy định riêng

Ông Vũ Thế Bình- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, ứng xử văn minh không chỉ trong Du lịch mà trong cuộc sống, xã hội, từ trong các cơ quan, công ty, nhà máy … đang trở thành nhu cầu cấp bách của xã hội Việt Nam. Sự xuống cấp về đạo đức, về các nếp sống đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của đất nước không chỉ trong du lịch mà trong tất cả các lĩnh vực khác của đời sống. Sau khi phát động Chiến dịch Nâng cao hình ảnh du khách Việt, nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố trong cả nước cũng đã những hành động thiết thực để nâng cao ứng xử văn minh trong tất cả các hoạt động của xã hội.

Trong một năm qua, chiến dịch đã có sức lan tỏa nhất định khi nhiều bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc. Nhiều hành động cụ thể, thiết thực đã được triển khai như Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động 10 hành động đẹp trong ứng xử du lịch; Hà Nội ban hành quy tắc ứng xử dành cho cán bộ, công chức viên chức; quy tắc ứng xử nơi công cộng; tỉnh Quảng Ninh phát động chương trình Nụ cười Hạ Long; TP Đà Nẵng ban hành quy tắc ứng xử dành cho khách du lịch…

Đặc biệt, tháng 3-2017, lần đầu tiên Bộ VHTTDL ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch (sau đây gọi tắt là Bộ quy tắc) với nhiều quy định mang tính chuẩn mực, định hướng cho các đối tượng, chủ thể tham gia hoạt động du lịch.

Đánh giá cao Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch mà Bộ VHTTDL vừa ban hành, ông Nguyễn Công Hoan-Phó Giám đốc Công ty Du lịch Hanoi Redtours bày tỏ, trước đây mỗi doanh nghiệp, mỗi đơn vị tự đề ra quy định, quy tắc riêng để khuyến cáo cho du khách những điều cần lưu ý khi đi du lịch, lưu ý nhân viên, hướng dẫn viên khi tổ chức tour, thuyết minh cho khách… Giờ đây, có Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch làm khung chuẩn mực, sẽ giúp cho DN, địa phương đưa ra những khuyến cáo chung, phù hợp, tránh trường hợp “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, hoặc không biết nên đưa điều gì vào quy tắc, quy định riêng. Tuy nhiên, ông Hoan cũng đề xuất nên biểu tượng hóa Bộ quy tắc thành những ký hiệu, hình ảnh để tất cả du khách có thể dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn như những lưu ý về cách ăn mặc, không xả rác, phải xếp hàng… khi đi du lịch.

Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch không phải “chiếc đũa thần”

Ông Ngô Hoài Chung – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá, Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nhưng mang nội dung văn hóa sâu sắc, vậy nên vấn đề xây dựng văn minh du lịch là tiêu chí để nâng cao hình ảnh đất nước. Vì vậy, việc nâng cao hình ảnh du khách chính là nâng cao vị thế của quốc gia để hội nhập thế giới. Cùng với tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn, việc xây dựng hình ảnh du lịch văn minh cũng là tài nguyên du lịch để nâng cao sức hút của du lịch Việt Nam.

Trước những ý kiến cho rằng Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch dài dòng, khó nhớ, ông Ngô Hoài Chung cho biết, Bộ quy tắc của cơ quan quản lý du lịch quốc gia ban hành, do vậy ở tầm vĩ mô và bao quát tất cả 11 đối tượng tham gia vào trong quá trình du lịch, từ khách du lịch, doanh nghiệp du lịch… cho đến  người dân ở các khu vực diễn ra các hoạt động du lịch.

"Bên cạnh quy định đầy đủ đối với các chủ thể, đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch, chúng tôi cố gắng tóm tắt thành những cái tiêu chí ngắn gọn, dễ nhớ dễ thuộc, đưa ra các thông điệp ngắn gọn để tổ chức thực hiện. Bộ quy tắc này chỉ mang mang tính chất định hướng, gợi mở, đưa ra những khuyến cáo để các đối tượng tham gia vào hoạt động du lịch thực hiện cho tốt. Còn từ bộ quy tắc này các doanh nghiệp, địa phương có thể nghiên cứu xem xét và cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp, địa phương mình, làm sao cho dễ nhớ, dễ thuộc, dễ thực hiện” – ông Chung cho biết.

“Năm 2016 được xem là năm nâng cao chất lượng lưu trú thì năm 2017 được xác định là năm lữ hành. Chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt chương trình này, tạo ra chuyển biến thực sự trong chiến dịch nâng cao ứng xử văn minh du lịch" - ông Chung cho hay.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cũng khẳng định, việc nâng cao hình ảnh du khách Việt nói riêng và hình ảnh du lịch Việt nói chung cần phải được xem như một cuộc vận động được tiến hành lâu dài, thường xuyên, bền bỉ để nâng cao văn hóa ứng xử của người dân trong hội nhạp quốc tế. Điều quan trọng hơn cả là chúng ta phải kết hợp đồng bộ nhiều giải pháp, cả vận động, thuyết phục, giáo dục, hành chính, quản lý nhà nước để tạo sự cộng hưởng hiệu quả tốt nhất.

“Chúng ta đừng hy vọng thông qua bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch hay Chiến dịch nâng cao hình ảnh du khách Việt, coi đó như là “chiếc đũa thần” để thay đổi toàn bộ diện mạo của du khách Việt Nam khi du lịch quốc tế mà chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, tạo ra hiệu quả toàn diện để nâng cao hình ảnh du khách Việt Nam khi đi du lịch” – ông Chung khẳng định./.

 

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ