• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

Thời sự 05/10/2023 10:08

(Tổ Quốc) - Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước cùng các Bộ, ngành nước ta đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Trong đó, vấn đề phân công lao động trong gia đình hiện nay ở các gia đình dân tộc thiểu số (DTTS) được đánh giá là một trong những chỉ báo quan trọng đo lường mức độ bình đẳng giới trong đời sống gia đình.

Hiện nay, trong bối cảnh cơ sở hạ tầng ở vùng DTTS như điện, nước sạch cho sinh hoạt, đường giao thông, chợ, trường học, trạm y tế hay các trang thiết bị hỗ trợ công việc nội trợ, chăm sóc trong hộ gia đình… vẫn còn đang thiếu thốn, thì gánh nặng công việc nội trợ, chăm sóc gia đình của phụ nữ DTTS càng nặng nề hơn.

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam - Ảnh 1.

Nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thái Nguyên)

Theo khảo sát, có 74% phụ nữ DTTS và 5% trẻ em gái DTTS thường xuyên đảm nhận công việc đi lấy nước sinh hoạt trong hộ gia đình. Con số này cao hơn rất nhiều so với tương ứng của cả nước lần lượt là 65% và 2%. Trong số tỷ lệ trên, có tới 20% hộ gia đình DTTS mất hơn 30 phút đi lấy nước sinh hoạt, cao gấp 5 lần so với tỷ lệ tương ứng của cả nước chỉ là gần 4%. Điều này cho thấy phụ nữ DTTS đang phải chịu trách nhiệm chính về công việc chăm sóc không được trả công trong hộ gia đình và trong cộng đồng.

Theo một công bố của GS.TS Nguyễn Hữu Minh, Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam về kết quả nghiên cứu các hộ gia đình DTTS, việc phân chia lao động trong gia đình của DTTS cho thấy khuôn mẫu truyền thống vẫn được bảo lưu cho đến nay. 

Cụ thể, những công việc nam giới làm chủ yếu là bảo trì, sửa chữa đồ dùng trong gia đình; làm, sửa nhà, thắp hương, cúng lễ ở bàn thờ... 

Trong khi đó, những công việc phụ nữ làm chủ yếu là quản lý tiền trong gia đình và các công việc nội trợ, chăm sóc trong gia đình... Đây đều là những công việc thường ngày nên tổng thời gian trung bình người phụ nữ ở các gia đình DTTS phải làm việc nhà nhiều hơn so với nam giới gấp gần 1,5 lần.

GS. TS Nguyễn Hữu Minh nhận định, đối với các DTTS theo chế độ mẫu hệ, trách nhiệm của phụ nữ sẽ bao gồm cả hoạt động kinh tế tạo thu nhập và công việc nội trợ, chăm sóc của hộ gia đình. 

Nguyên nhân là do nhận thức của phụ nữ DTTS và cộng đồng người DTTS bị ảnh hưởng nặng nề của định kiến và khuôn mẫu giới về phân công công việc trong gia đình, áp đặt công việc nội trợ, chăm sóc trẻ em, người già, người ốm trong gia đình là trách nhiệm, nghĩa vụ của phụ nữ.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước cùng các Bộ, ngành nước ta đã có nhiều nỗ lực để thực hiện các biện pháp nhằm tăng cường bình đẳng giới trong đời sống gia đình các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.

Trong đó, các quy định luật pháp, chính sách về bình đẳng giới kết hợp với tác động của công tác tuyên truyền vận động, nâng cao trình độ học vấn cho phụ nữ DTTS… đã được ban hành và mang tới những thay đổi tích cực trong việc huy động sự tham gia đồng đều của hai giới vào các công việc gia đình, nhất là với giới trẻ trong vấn đề nuôi dạy con và thay mặt gia đình trong quan hệ với bên ngoài.

Dù vậy, để đạt được được chỉ tiêu Giảm số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ còn 1,7 lần vào năm 2025 và 1,4 lần vào năm 2030 so với nam giới trong mục tiêu 3 (Trong đời sống gia đình và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới) của Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 thì sẽ cần thêm rất nhiều sự nỗ lực và chung tay từ các cấp, ngành và người dân.

Đối tượng truyền thông và thay đổi nhận thức, hành vi bao gồm cả phụ nữ và nam giới, cả trẻ em trai và trẻ em gái DTTS. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động nâng cao năng lực thông qua đào tạo/tập huấn kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ DTTS/tổ chức đại diện) để tham gia vào các quyết định về phát triển cơ sở hạ tầng.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng cơ sở ở vùng DTTS; Nghiên cứu phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả ở vùng DTTS và miền núi về chăm sóc người già, trẻ nhỏ và người ốm; dịch vụ cung cấp nước sạch tới các cụm dân cư ở vùng DTTS để giải phóng sức lao động của hộ gia đình DTTS về công việc chăm sóc không được trả công./.

Bạch Dương


*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện


NỔI BẬT TRANG CHỦ