(Tổ Quốc) - Từ chạy điểm của phụ huynh rất có thể sau đó sẽ là những chuỗi "chạy chọt" ngầm tiếp theo: chạy thầy, chạy việc, chạy chức, chạy quyền…
Trong không ít câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta từng nghe rằng tiền không thể mua được tri thức nếu chính bản thân không nỗ lực. Tiền bạc là thứ không tỉ lệ thuận với tri thức. Từ tri thức con người có thể làm ra tiền bạc chứ không có sự ngược lại là tiền bạc có thể tạo ra tri thức.
Tuy nhiên từ sau vụ gian lận điểm thi ở Hòa Bình, Sơn La… vừa rồi, không ít người đã đặt câu hỏi, phải chăng giờ đây khi người ta có thể dùng tiền để mua được cả thứ để định lượng được tri thức như điểm số bài thi trong kỳ thi quan trọng của 12 năm đèn sách học sinh, có thể biến mọi giá trị đảo lộn?.
Từ 0 điểm – mức thấp nhất và là điểm liệt trong bất cứ cuộc thi lớn nhỏ nào có thành 9 điểm – mức cao nhất, yên tâm nhất để có thể đàng hoàng được chào đón vào bất cứ trường đại học nào. Có những em được nâng tới 26, 55 điểm, tiếp đến là 17,75; 12 điểm…. Những con số vô tri vô giác nhưng tự thân nó đã nói lên thật nhiều điều đắng cay, giả dối trơ tráo bởi có nằm mơ cũng ít ai tưởng tượng sự thật lại đi quá xa như vậy.
Ảnh minh họa/ Ngọc Diệp - Dân trí
Theo thông tin báo chí đăng tải thì những học sinh được nâng điểm phần lớn đều thuộc những gia đình khá giả, có điều kiện hoặc con em cán bộ, hay trong ngành giáo dục, công an… tại Sơn La. Người có tiền đã có thể mua cho mình bất kỳ điểm số nào cho con em. Thế nhưng ngay cả phụ huynh được coi là cán bộ cũng nằm trong cuộc chạy đua điểm số thần tốc và bất minh này. Hơn ai hết, họ là người hiểu rõ giá trị của tri thức, trí tuệ nhưng vẫn sẵn sàng dùng quyền uy hoặc tiền bạc để có những thỏa hiệp ngầm nhằm giành giật cho con em mình một cái "chỗ" không thuộc về mình. Vì nếu công bằng, không bằng những mối quan hệ bất minh thì chỗ đó đã dành cho người xứng đáng hơn, có thực lực hơn.
Với một học sinh có tổng điểm thi 3 môn chưa đủ 01 điểm, chỉ 0-0,25-0,2 thì khi theo học rồi ra trường sẽ như thế nào?. Không lẽ chỉ cần qua cửa ải thi cử với điểm số cao ngất ngưởng là có thể yên vị mà hưởng thành quả trọn đời, như một lần vung tiền "đầu tư" để để hưởng lâu dài?. Chắc chắn là không. Bởi người không có năng lực thực sự thì không thể theo kịp trong một tập thể, môi trường đòi hỏi gắt gao về thực lực. Thế nên "đã trót đâm lao phải theo lao", từ chạy điểm của phụ huynh rất có thể sau đó sẽ là những chuỗi "chạy chọt" ngầm tiếp theo: chạy thầy, chạy việc, chạy chức, chạy quyền… Các em học sinh ngay khi rời ghế nhà trường đã nhận ra một bài học từ chính cha mẹ chúng rằng hành trang vào đời không phải là kiến thức, là nghị lực vươn lên… mà bằng tiền, hay các mối quan hệ. Hệ quả này sẽ ăn sâu vào các em và vô hình trở thành một thứ luật ngầm sẽ theo các em trên chặng đường đời dài phía trước mà không ai dám chắc nó sẽ dừng lại. Cũng như không ai dám chắc điều này sẽ không tiếp tục cho các thế hệ sau.
Đây là điều rất nguy hại cho nguồn lực đất nước trong tương lai. Một người ngồi "nhầm chỗ" ở ngành nào sẽ ảnh hưởng cho ngành đó.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng con người có đến 8 loại trí thông minh. Mỗi con người có một thế mạnh riêng và xã hội cũng có rất nhiều loại hình lao động khác nhau để phù hợp với tất cả mọi người nếu có sức khỏe và sự chăm chỉ. Vậy nên việc cha mẹ quyết định chạy điểm cho con trong cuộc đua trí tuệ để được vào học những trường đại học danh giá là sai lầm nghiêm trọng. Chính họ đã tước mất đi mơ ước, thế mạnh của chính mỗi con em mình.
Trong khi có nhiều học sinh miệt mài học tập, cống hiến, phấn đấu trở thành những công dân toàn cầu, tự tin với kiến thức của mình, có thể đi đâu, làm gì cũng sống được bằng năng lực của mình thì những thí sinh được cha mẹ chạy chọt nâng điểm, chạy điểm ỉ lại, trở thành người thụ động, phải nhờ cậy cha mẹ dắt tay đặt chỗ tương lai. Các em không thể quyết định tương lai của mình mà chỉ làm theo những gì đã được cha mẹ sắp đặt. Thậm chí các em không cần cố gắng, không cần cầu tiến thì mọi thứ nếu cần vẫn có thể thuộc về mình. Vì vậy việc gian lận thi cử bằng cách nâng điểm mà đứng đằng sau không ai khác chính là các bậc phụ huynh vì hư danh, vì sự ăn sẵn, vì đạo đức thấp kém, ích kỷ, chỉ muốn giành giật cái có lợi cho con mình đã làm hỏng tương lai của những người trẻ.
Nâng điểm từ 0 thành 9 là "cú tát" đau đớn mà biết bao học sinh nỗ lực bị gạt ra, bị bỏ lại. Ảnh minh họa
Việc không ít học sinh trong kỳ thi quốc gia năm vừa qua bị phát hiện nâng điểm với sự hậu thuẫn của cha mẹ giàu có, có chức quyền đằng sau đã cho thấy những suy nghĩ lệch lạc, coi thường luật pháp, coi trọng vật chất, hư danh… sẽ gây ra những tác động tiêu cực, để lại hậu quả khó lường cho tương lai. Các phụ huynh đó không thể làm gương cho chính con em mình và rất trở thành tiền lệ xấu, hành động thiếu đạo đức mà nếu lan truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ nhà này sang nhà khác thì vô cùng nguy hiểm.
Gian lận thi cử không đơn thuần là một sự gian lận của kẻ chen chân khi xếp hàng, hay bất chấp sự kiên nhẫn để giành một món đồ khuyến mại. Gian lận thi cử sẽ để lại hậu quả nặng nề, lâu dài ngành giáo dục, cho đất nước nếu không được phát hiện, xử lý ngăn chặn kịp thời và có tính răn đe.
Người lợi dụng quyền hạn chức vụ của mình để sửa điểm, nâng điểm bị khởi tố, nhưng người mua điểm mà trực tiếp ở đây là phụ huynh học sinh cũng cần xử lý nghiêm khắc, có tính răn đe, không thể "giơ cao đánh khẽ" để ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra trong tương lai. Vì nếu không xử lý nghiêm rất dễ có tâm lý, cứ chạy điểm, nếu được thì ăn cả, còn nếu bị phát hiện cùng lắm chỉ là… mất tiền!.