• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bộ GDĐT: Đã đủ khung pháp lý để xử lý gian lận thi cử và đề nghị không nói lại vấn đề này!

Giáo dục 26/03/2019 21:38

(Tổ Quốc) - Sau 9 tháng điều tra, xử lý các gian lận trong Kỳ thi THPTQG 2018 tại các tỉnh Hòa Bình và Sơn La, trong tháng 3/2019 Bộ GDĐT đã công bố kết quả điều tra, xác minh tại hai tỉnh này. Đã có 108 thí sinh đã được sửa điểm, nâng điểm trong Kỳ thi THPTQG 2018. Tuy nhiên từ sau khi Bộ GDĐT công bố kết quả chấm thẩm định, thông báo kết luận về số lượng bài thi, thí sinh được nâng điểm của từng tỉnh, tới giờ danh tính các thí sinh này vẫn được 'giấu kín'.

Việc xử lý sai phạm, công khai danh sách thí sinh, danh tính thí sinh cũng như các phụ huynh liên quan tới gian lận điểm thi, Bộ GDĐT có xử lý đến cùng hay không... tiếp tục làm nóng nghị trường buổi họp báo định kỳ Quý I/2019 của Bộ GDĐT được tổ chức sáng 26/3 tại Hà Nội.

Trước những câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GDĐT đã đưa ra quan điểm xử lý và thông tin về tình hình xử lý của Bộ với những sai phạm này. Chúng tôi xin đăng tải phần trả lời tại buổi họp báo sáng nay.

Bộ GDĐT: Đã đủ khung pháp lý để xử lý gian lận thi cử và đề nghị không nói lại vấn đề này! - Ảnh 1.

Trong 9 tháng xử lý vụ việc, tới nay những gì Bộ hứa thì đã thành hiện thực, là kết quả đáng ghi nhận và nỗ lực lớn của Bộ GDĐT, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ GDĐT, Bộ Công an từ trước tới giờ và sau này cũng vậy đều thống nhất quan điểm sẽ không dung túng cho sai phạm và xử lý nghiêm, xử lý tới cùng trong khuôn khổ của quy chế và pháp luật hiện hành, những gì đã làm được trong thời gian qua là minh chứng rõ ràng nhất cho quan điểm này.

Việc có kết quả thẩm định dựa trên cơ sở giám định của cơ quan điều tra Bộ Công an là nỗ lực, quyết tâm lớn của công an, với trang thiết bị, kỹ thuật… để có được kết quả như vậy.

Việc xử lý cũng theo quan điểm chỉ đạo này. Theo quy định của quy chế, kết quả chấm thẩm định là kết quả chính thức của kỳ thi, được dùng thay thế cho kết quả điểm thi đã công bố trước đó và đương nhiên sẽ được dùng để xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh và để xét tuyển đại học, giáo dục nghề nghiệp…

Bộ GDĐT cũng đã có công văn hướng dẫn sở GDĐT Hòa Bình, Sơn La, các trường ĐH, CĐ, TCCĐSP… Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có sự liên thông thông tin để xử lý.

Cho tới sáng nay (26/3), mặc dù trong công văn chỉ đạo Bộ đã yêu cầu Sở GDĐT Hòa Bình đến ngày 25/3 phải xử lý xong nhưng tới giờ vẫn chưa nhận được báo cáo nào. Tuy nhiên, theo dõi quá trình thực hiện thì thấy tỉnh này làm rất nghiêm túc. Bộ sẽ căn cứ vào kết quả báo cáo của tỉnh để thông tin tới báo chí.

Về việc có công khai danh sách thí sinh, danh tính thí sinh, danh tính phụ huynh hay không, ông Trinh cho biết, việc công bố danh tính các thí sinh phải tuân thủ Hiến pháp 2013, Luật Dân sự 2016 và căn cứ tình hình thực tiễn của cơ quan chức năng trong quá trình tiếp tục điều tra, xử lý sự việc này. Cho nên, việc công bố danh tính vào thời điểm nào, công bố đến đâu là thẩm quyền của cơ quan điều tra, cơ quan chức năng.

Việc công bố cũng phải tính đến nhiều yếu tố tác động tới quá trình điều tra của cơ quan chức năng, trong khuôn khổ các quy định của Hiến pháp và Pháp luật và không thể không tính đến các tác động rất cực đoan của các thí sinh. Ông Trinh nhấn mạnh, "Đây là câu trả lời chính thức về vấn đề này và đề nghị không nên hỏi thêm về vấn đề này nữa!".

Đồng tình với quan điểm cần phải có các chế tài, hướng dẫn rõ ràng để các trường xử lý những trường hợp được nâng điểm thi sau khi có kết quả chấm thẩm định. Đại diện Bộ GDĐT cho biết, cơ quan quản lý nhà nước thông qua các công cụ pháp lý, các văn bản pháp luật để xử lý các vụ việc thực tế, tuy nhiên các sự việc thực tế rất đa dạng, phong phú và luật thì điều phối chung, Bộ luôn cố gắng bao phủ hết để các văn bản đó phải dự báo được các khả năng vụ việc để xử lý. Ông Trinh cũng cho rằng, với các văn bản các năm 2017, 2018 đã đủ khung pháp lý để xử lý các vụ việc này.

Trước thềm Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, bắt đầu từ ngày 01/4 tới, ông Trinh cho hay, công tác chuẩn bị cho Kỳ thi năm nay được thực hiện rất tích cực, các giải pháp căn bản đã được triển khai trên thực tế, với 2 cuộc tập huấn tại Nha Trang và Đẵng. Ngoài lực lượng trong Bộ GDĐT còn có các lực lượng liên quan như PA03 (Bộ Công an, Sở Công an 63 tỉnh thành) vào cuộc, lực lượng thanh tra… triển khai nghiêm túc, làm liên thống, kết nối. Mọi thành phần tham gia Kỳ thi THPTQG 2019 làm đúng phận sự, đúng vai, đúng việc.

Về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, hiện đã được hoàn thiện và Bộ cũng đã tổ chức tập huấn cho những người sẽ đi chấm thi, thực hiện theo hướng bảo mật, có gian lận cũng không thực hiện được. Mọi dữ liệu chấm thi trắc nghiệm đều được mã hóa với công nghệ cao nhất hiện nay. Việc tiến hành đánh phách điện tử các bài thi trắc nghiệm của thí sinh, phân vai, phân nhiệm, quản lý tác nghiệp… được tổ chức theo quy trình rất chặt chẽ.

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ