• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Sẽ rất nguy hiểm nếu gian lận điểm thi để vào trường công an'

Giáo dục 27/07/2018 19:15

Theo thiếu tướng Lê Văn Cương, Bộ GDĐT và Bộ Công an cần mời các chuyên gia công nghệ thông tin để lấy lại điểm thi thực chất cho thí sinh sau gian lận nghiêm trọng ở Sơn La.

So với gian lận điểm thi ở Hà Giang, sai phạm ở Sơn La được cho là phức tạp và nghiêm trọng hơn khi đối tượng can thiệp trực tiếp trên bài thi gốc. Việc khó khôi phục lại điểm thực chất của thí sinh có thể kéo theo hậu quả khôn lường khi người trượt tốt nghiệp (vì bị điểm liệt) có thể đỗ đại học.

Trả lời Zing.vn sáng 26/7, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Chiến lược, Bộ Công an, cho rằng Bộ GDĐT cần mời chuyên gia công nghệ thông tin của Bộ Công an và các tổ chức khác làm việc, quyết tâm tìm ra kết quả, trả lại sự công bằng cho thí sinh.

'Con công an hay quan chức, nếu sai cũng phải xử lý' - Thiếu tướng Lê Văn Cương cho rằng nếu con của bí thư, chủ tịch hay giám đốc công an tỉnh liên quan sai phạm điểm thi, cũng đều phải xư lý theo pháp luật.

Phải làm đến cùng để trả lại công bằng cho thí sinh

- Thưa thiếu tướng Lê Văn Cương, tổ công tác của Bộ GDĐT, sau khi làm việc tại Sơn La, đã khẳng định bài thi có dấu hiệu tẩy xóa, chỉnh sửa nhưng chưa có kết luận cụ thể. Nhiều chuyên gia cho rằng đây là việc làm rất khó bởi đối tượng sửa trực tiếp trên bài thi. Quan điểm của ông như thế nào?

- Kỳ thi năm nay, phần lớn các môn (trừ Ngữ văn) thi dưới hình thức trắc nghiệm. Vấn đề bảo mật, lưu giữ thông tin trong không gian mạng sẽ khó hơn với bài thi giấy.

Khi cơ quan công an đang điều tra, tôi không vội đưa ra kết luận gì cả. Tuy nhiên, theo tôi, Bộ GD&ĐT phải xem lại quy định thực hiện đề thi trắc nghiệm gắn với quá trình lưu trữ thông tin như thế nào để xảy ra kẽ hở. Nếu quá trình chặt chẽ, chắc chắn, không có người ngoài can thiệp được vào kết quả bài thi.

Để điều tra việc này, Bộ GDĐT cần mời chuyên gia công nghệ thông tin của Bộ Công an và các tổ chức bên ngoài làm việc, quyết tâm tìm ra kết quả trả lại sự công bằng cho thí sinh, cũng như tìm ra căn nguyên để khắc phục, tránh lặp lại sai lầm.

- Ông có tin rằng việc điều tra sẽ mang lại kết quả, trả lại được điểm thi thực chất cho thí sinh?

- Việc điều tra là khó nhưng không thể vượt qua được các chuyên gia công nghệ thông tin, chắc chắn họ làm được. Ví dụ giữa vết tô trắc nghiệm cũ và mới, mắt thường không nhìn được, nhưng khi dùng hệ thống phóng đại thì sẽ tìm ra. Thậm chí, hệ trung cấp của công an có thể cho ra kết quả chứ không cần đến cao cấp. Nhiều vụ án còn khó hơn nhiều, chúng ta đều làm được.

Tôi hoàn toàn tin việc điều tra này sẽ cho ra kết quả, vấn đề các bộ ngành liên quan có quyết tâm hay không? Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói có quyết tâm thì tôi tin tưởng.

Hơn nữa, sự việc được đặt trong bối cảnh năm 2018, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng “Lò đã nóng, củi tươi cho vào cũng phải cháy”, tôi càng có niềm tin hơn.

Theo tôi, các bộ ngành liên quan nên sớm vào cuộc với sự việc ở Sơn La để sớm có kết quả, thời gian muộn nhất là sau khi trường đại học cho thí sinh nhập học 2 tuần.

- Cũng có ý kiến cho rằng những học sinh được nâng điểm ngang nhiên vào đại học sẽ tước đi cơ hội của các bạn khác. Điều này dẫn đến sự không công bằng. Ông có nghĩ đến phương án tổ chức thi lại ở Sơn La?

- Không nên sử dụng phương án đó. Chúng ta phải sử dụng tất cả lực lượng trong và ngoài ngành giáo dục, ngành công an để giải quyết bài toán ở Sơn La, dù mất một tháng cũng phải làm để trả lại điểm thật cho thí sinh.

Việc tổ chức thi lại khi chưa có kết quả điều tra, nhận thức sự việc còn chưa rõ ràng, là hoàn toàn không nên.

Nếu thí sinh chạy điểm vào ngành công an sẽ rất nguy hiểm

 - Các vụ việc tiêu cực thi cử ở Hà Giang, Sơn La thời gian qua có khiến ông bất ngờ không?

-  Tôi không bất ngờ bởi nền giáo dục của chúng ta đang chạy theo thành tích. Tôi biết có những chủ tịch tỉnh chỉ đạo Sở GD&ĐT làm mọi cách để ít nhất 90% đỗ tốt nghiệp. Chừng nào hệ thống công quyền còn có suy nghĩ này, hiện tượng gian lận thi cử như ở Hà Giang hay Sơn La vẫn còn.

Tôi chỉ buồn vì tất cả điều chúng ta đang làm sẽ gieo vào tâm hồn những đứa trẻ lối sống giả dối. Khi vào đại học, sinh viên liên quan mua điểm dễ dùng tiền để "mua thầy", thậm chí ra trường đạt danh hiệu cử nhân xuất sắc, sau này đi làm lại được giao vị trí quan trọng.

Đáng buồn nhất là một bộ phận thế hệ trẻ sẽ có lối sống không lành mạnh, thực dụng, thậm chí chà đạp lên sự thật, đạo lý.

- Theo nghi vấn từ dư luận và nhà trường, tại Hà Giang, Sơn La, nhiều thí sinh liên quan việc sửa điểm thi có nguyện vọng vào ngành công an và là con cháu lãnh đạo. Nếu đúng như vậy, điều này sẽ dẫn đến hậu quả như thế nào, thưa ông?

- Về nguyên tắc, sai ở đâu thì phải xử lý ở đó, bất kể là người của ai. Hiến pháp đã quy định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Nếu điều tra ra đó là con của bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh hay giám đốc công an tỉnh thì cũng vậy thôi.

Nếu con em trong ngành công an mà có dấu hiệu vi phạm thì cũng phải xử lý nghiêm theo quy định, tuyệt đối không có vùng cấm. Vấn đề chính bây giờ là cơ quan chức năng có làm rõ được những thí sinh được cho là con em cán bộ của lãnh đạo địa phương, ngành hay không? Nếu sai thì phải xử lý theo quy định của pháp luật chứ đừng có vì giữ uy tín cho lãnh đạo, cho ngành mà xử lý thiếu nghiêm minh.

Sự thật nhiều thí sinh muốn chạy vào công an, quân đội là có. Khoảng 15 năm nay, các ngành học ra trường rất khó xin việc. Thực tế sinh viên cứ vào được ngành công an, quân đội là được hỗ trợ học phí, tâm lý môi trường an toàn nên phụ huynh yên tâm, tạo việc làm sau khi ra trường. Bởi vậy, nhu cầu sinh viên vào ngành công an, quân đội rất lớn.

Nếu thí sinh sửa điểm thi để vào ngành công an, quân đội sẽ cực kỳ nguy hiểm. Bởi sinh viên ra trường là sĩ quan, hoạt động gắn liền sinh mệnh chính trị của Đảng và Nhà nước, gắn liền đời sống nhân dân.

Ngoài ra, thí sinh chạy vào ngành sư phạm sẽ tạo ra một thế hệ học sinh lừa dối, vào ngành bác sĩ với trình độ yếu sẽ liên quan trực tiếp sinh mệnh con người. Vì vậy, chúng ta càng phải làm chặt chẽ tiêu cực thi cử.

- Trước gian lận được cho là một trong những vụ bê bối nhất từ trước đến nay, ông có trăn trở gì với ngành giáo dục?

- Tôi nghĩ vấn đề cần nghĩ đến là giáo dục đạo đức và trách nhiệm công dân, cần phải đưa nội dung này ngay từ lớp 1, nuôi dưỡng ý thức trung thực, lòng tự trọng của con người, từ đó họ không chấp nhận điều xấu. Nếu bị can thiệp, họ sẽ cảm thấy xúc phạm.

Chúng ta cần giáo dục cho con trẻ thấy tự trọng và trung thực là hai giá trị lớn nhất của cuộc đời mỗi con người. Một thế hệ trẻ bản lĩnh thì đất nước mới phát triển.

Quyên Quyên

(Nguồn: zing.vn)

NỔI BẬT TRANG CHỦ