(Tổ Quốc) - Sau sai phạm thi cử ở tỉnh Sơn La, trong danh sách Thống kê các bài thi có thay đổi sau khi chấm thẩm định môn Ngữ văn mới được Sở GDĐT Sơn La công bố chiều 24/7 có 4 thí sinh là con cán bộ, lãnh đạo ở Sơn La.
- 23.07.2018 Những “lỗ hổng” trong phần mềm chấm thi THPT mà Bộ GD-ĐT đang sử dụng
- 25.07.2018 Bê bối thi cử: Xử lý cán bộ làm sai lệch điểm thi ra sao?
- 25.07.2018 Có nên xem xét lại tính chất kỳ thi THPT quốc gia?
- 25.07.2018 “Cần một cuộc đại phẫu thuật đối với toàn ngành giáo dục”
- 25.07.2018 Công bố điểm mới của 42 bài thi Ngữ văn sau chấm thẩm định ở Sơn La
Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn |
Trong danh sách Thống kê các bài thi có thay đổi sau khi chấm thẩm định môn Ngữ văn của Sở GDĐT Sơn La, tờ Vov cho hay có thí sinh B.N, nằm trong top 15 thí sinh có điểm cao nhất cả nước, điểm công bố bị giảm 1,25 điểm (từ 8,75 xuống còn 7,5 điểm); thí sinh Đ.C.H.T là con một chuyên viên Sở GDĐT Sơn La giảm 2 điểm (từ 9 xuống còn 7 điểm); thí sinh N.Y.K là con một cán bộ Sở GDĐT Sơn La giảm 1,25 điểm (từ 9 xuống còn 7,75 điểm); ngoài ra còn có 2 thí sinh là con lãnh đạo UBND huyện, thành phố ở Sơn La cũng bị giảm 1,25 điểm và 0,5 điểm; còn trường hợp thí sinh L.V.H có điểm chấm thẩm định chênh nhiều nhất (4,5 điểm) so với điểm đã công bố hôm 11/7 là thí sinh tự do, và điểm hai môn thi khác của thí sinh này cũng khá cao với Toán 8,8 điểm và Lịch sử 9,5 điểm.
Trước hiện trạng bê bối thi cử của giáo dục Việt Nam, đặc biệt là những sai phạm nghiêm trọng quy chế thi cử lại xảy ra với nhiều con cháu lãnh đạo, ông Dương Trung Quốc- Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, trao đổi với Phóng viên báo Giáo dục Việt Nam cho rằng, nguyên nhân của những sai phạm nghiêm trọng trong thi cử chính là “vì bộ máy chính quyền quản lý không tốt đã tạo ra những hiện tượng gian lận, điều này sẽ là nguy hại rất lớn cho đất nước. Việc gian lận không chỉ lấy mất cơ hội của nhiều người có tài mà còn gây nguy hại lâu dài cho đất nước khi bộ máy có những thành viên được dựng lên nhờ sự gian dối, năng lực yếu kém. Rõ ràng nếu như sự gian dối ấy không bị phát hiện thì sẽ còn gây ra phản ứng tiêu cực dây chuyền từ đời này qua đời khác. Những yếu tố tiêu cực ấy nó làm mục ruỗng bộ máy của chúng ta”.
Còn ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khi trả lời phỏng vấn báo điện tử Tổ Quốc thì cho rằng những người thực thi luôn là yếu tố quan trọng, bởi “dù có quy chế chặt chẽ dường nào thì yếu tố quan trọng vẫn là con người. Ngành giáo dục phải tuyển chọn người vừa có tâm, vừa có năng lực, vừa có đạo đức nghề nghiệp để từ đó tạo nên nguồn nhân lực cho xã hội. Qua nhiều sự việc, đặc biệt là vụ gian lận điểm thi gây sửng sốt dư luận tại Hà Giang… cho thấy cần phải cải tổ yếu tố con người trong ngành giáo dục để tạo ra những người đủ tâm, đủ tầm”.
Q.N