• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Năng lượng Nga tìm kiếm sức bật LNG từ Bắc Cực

Kinh tế 10/04/2019 08:05

(Tổ Quốc) - Cách Moscow 1.500 dặm, cảng nhỏ Sabetta náu mình trong một bán đảo Bắc Cực vắng vẻ.

Theo Bloomberg, trước đây là tiền đồn dành cho các nhà địa chất Liên Xô, giờ đây nơi này là địa điểm của một dự án khí tự nhiên hóa lỏng LNG tham vọng nhất của Nga.

Vài lần một tuần, một tàu chở năng lượng khổng lồ rời khỏi nơi xa xôi này mang theo nhiên liệu cho người mua ở châu Âu và châu Á. Đây không phải là nhà máy LNG duy nhất ngoài Vòng Bắc Cực, nhưng cho đến nay là nhà máy lớn nhất.

Novatek PJSC, cổ đông chính của nhà máy Yamal LNG, cho biết kế hoạch cho các dự án tiếp theo sẽ biến Nga thành một trong những nhà xuất khẩu LNG lớn nhất trong vòng một thập kỷ.

Dù Nga trở thành nhà xuất khẩu khí đốt qua đường ống hàng đầu thế giới và là nhà vận chuyển dầu thô lớn thứ hai thế giới, xuất khẩu từ Sabetta đang mang lại cho Tổng thống Vladimir Putin thêm một con đường năng lượng mới.

Năng lượng Nga tìm kiếm sức bật LNG từ Bắc Cực - Ảnh 1.

LNG có thể mở thêm một con đường cho năng lượng Nga tiến sâu vào thị trường thế giới. (Nguồn: Bloomberg)

"Nga có thể nằm trong bốn nhà xuất khẩu LNG chính hàng đầu thế giới, Giám đốc tài chính của Novatek, ông Mark Gyetvay cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại London.

Sẵn sàng nắm bắt tiềm năng

Novatek đã chứng minh rằng họ có thể sản xuất và hóa lỏng LNG trong điều kiện khắc nghiệt như vậy với giá cả cạnh tranh và vận chuyển nó sang các thị trường hàng ngàn dặm ở châu Âu và châu Á. Điều đó phần nào được thúc đẩy từ việc băng Bắc Cực đang tan dần – điều cho phép đội tàu có thể vận chuyển nhiên liệu dọc theo bờ biển phía bắc của Nga.

Trong tuần này, ông Putin sẽ chào mời về tiềm năng phát triển năng lượng của Nga tại Diễn đàn quốc tế Bắc cực tại St. Petersburg. Nga từ lâu đã là một bên ủng hộ việc phát triển các nguồn tài nguyên năng lượng nằm dưới vùng băng vĩnh cửu tại Bắc Cực.

Khi vận hành dây chuyền sản xuất đầu của dự án Yamal LNG vào cuối năm 2017, ông Putin cho biết khu vực này mang đến cho Nga cơ hội chiếm lĩnh vị trí thích hợp trong thị trường năng lượng.

"Chúng tôi có thể mạnh dạn nói rằng trong thế kỷ này và thế kỷ tới", (năng lượng - PV) Nga sẽ mở rộng nhờ Bắc Cực, ông Putin nói vào thời điểm đó.

Novatek, trong đó cổ đông lớn nhất bao gồm các tỷ phú người Nga Leonid Mikhelson và Gennady Timchenko, cùng với tập đoàn năng lượng khổng lồ của Pháp Total SA, đang nắm giữ đa số cổ phần trong nhà máy Yamal LNG.

Bắt đầu vận hành gần hai năm trước, nhà máy này đã đạt công suất tối đa vào cuối năm 2018, vượt tiến độ và tăng gấp đôi thị phần của Nga trên thị trường LNG toàn cầu, lên 8%.

Gyetvay cho biết, Novatek có kế hoạch tham vọng sẽ chiếm lĩnh thị trường toàn cầu vào năm 2030 và đưa Nga trở thành một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về LNG cùng với Hoa Kỳ, Qatar và Australia. Bên cạnh nhà máy LNG Yamal, Novatek đang thu hút các đối tác tham gia xây dựng một nhà máy thứ hai, dự án được gọi là LNG 2 Bắc Cực, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2022.

Công ty cũng đang xem xét phát triển một nhà máy thứ ba và có thể tăng mục tiêu sản xuất LNG vào năm 2030 thêm khoảng 20%, lên tới 70 triệu tấn mỗi năm.

Đã chậm chân trong tiến trình bùng nổ LNG toàn cầu vì nước này tập trung đầu tư vào đường ống cung cấp khí đốt đến châu Âu, nay Moscow đang rất quan tâm đến LNG trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu về năng lượng này ngày càng tăng và quan hệ với các khách hàng của họ tại châu Âu EU ngày càng khó khăn hơn.

Lợi thế của LNG Nga

Bộ Năng lượng Nga cho rằng tổng lượng khí đốt tại Bắc Cực vào khoảng 210 nghìn tỷ m3. Còn dự trữ khí đốt ở Bắc Cực của Novatek có thể ước tính khoảng 3,3 nghìn tỷ m3, ông Gyetvay cho biết.

Karen Wesanian, nhà phân tích dầu khí tại Moscow cho biết, "chúng tôi tin rằng Nga có thể là người nắm giữ vị trí thứ tư hoặc thậm chí là thứ ba về công suất sản xuất LNG".

Các nguồn dự trữ này cách các thị trường chủ chốt ở châu Á hơn 5.000 km và trung tâm thương mại châu Âu tại cảng Rotterdam gần 4.000 km. Điều đó đòi hỏi năng lực vận chuyển lớn.

Môi trường đóng băng cũng có nghĩa là Novatek phải sản xuất khí đốt tự nhiên ở nhiệt độ thấp tới âm 56 độ C, theo dữ liệu của chính quyền khu vực. Điều này đòi hỏi các kỹ thuật đặc biệt ở các khu vực băng giá, bao gồm các thiết bị khai thác và định hướng các tàu vận chuyển tránh các tuyến đường bị đóng băng.

Tuy nhiên, Novatek không chỉ hoạt động trong môi trường khắc nghiệt mà còn xem vị trí Bắc Cực là một lợi thế cạnh tranh, ông Gyetvay cho biết, bởi vì nhiệt độ thấp hơn khiến chi phí sản xuất rẻ hơn vì cần ít năng lượng hơn để làm lạnh khí tự nhiên.

Chi phí sản xuất LNG ở Yamal chỉ khoảng 0,1 USD/BTU, trong khi các nhà sản xuất ở Mỹ thường mua LNG với giá hiện tại khoảng 2,60 USD/BTU.

Sau khi thực thi dự án Yamal LNG trị giá 27 tỷ USD, Novatek đang hoàn thiện cấu trúc hợp tác cho dự án LNG 2 theo kế hoạch.

Tiềm năng hoạt động của Novatek đã thu hút được đầu tư từ toàn cầu, như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Đây là một điểm sáng khi ngành năng lượng Nga phải chịu nhiều sức ép từ lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Trong khi Novatek nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ và Quốc hội Hoa Kỳ đang xem xét việc hạn chế đầu tư vào các nhà máy LNG của Nga ở nước ngoài, những động thái này không tác động đến dự án LNG 2 Bắc Cực và các kế hoạch mở rộng dài hạn của Novatek.

Total, một cổ đông trong dự án LNG Yamal, tháng trước đã ký một thỏa thuận mua 10% cổ phần của nhà máy thứ hai. Cam kết từ ông lớn năng lượng Pháp có thể thúc đẩy một loạt các đối tác tiềm năng khác tham gia vào dự án, theo ông Gyetvay.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ