(Tổ Quốc) - Đó là đề xuất của ĐBQH Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam) khi phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ngày 7/1.
Giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong năm 2021 lên 70%
Theo ĐBQH Lê Văn Dũng (Đoàn Quảng Nam), trước ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 đến sản xuất, kinh doanh, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, trong đó chính sách giảm 30% tiền thuê đất năm 2021 theo Quyết định 27 ngày 25/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn.
Tuy nhiên, việc giảm tiền thuê đất theo Quyết định 27 được thực hiện đến hết năm 2021, trong khi đại dịch COVID-19 vẫn đang tác động nặng nề, sâu rộng với nhiều ngành nghề, khó khăn nhất vẫn là lĩnh vực du lịch, dịch vụ.
"Ngành du lịch được dự báo chưa thể phục hồi trong năm tới, nếu không có những chính sách kịp thời, lâu dài và đủ mạnh thì doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực du lịch khó tồn tại, duy trì để vượt qua khó khăn này" - ĐBQH này nêu quan điểm.
Từ những vấn đề trên, ĐB Dũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm xem xét tiếp tục có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Theo đó, cần nâng tỷ lệ giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp dịch vụ du lịch trong năm 2021 lên 70% và thực hiện đến hết năm 2023, thay vì giảm 30% đến hết năm 2021 như hiện nay, đồng thời gia hạn thời gian nộp tiền thuê đất còn lại thêm 12 tháng nữa.
"Riêng đối với các doanh nghiệp đến hết kỳ cần điều chỉnh đơn giá thuê đất theo chu kỳ 5 năm giai đoạn 2021-2025 được giảm thêm phần tăng cho bảng giá thuê đất của địa phương giai đoạn 2021-2025 tăng cao hơn so với giai đoạn 2016-2020" - ĐB Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên Huế) đánh giá cao việc xây dựng hồ sơ chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và tán thành với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội.
Về chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, ĐB Nguyễn Thị Sửu kiến nghị bổ sung miễn, giảm tiền thuê đất đối với lĩnh vực du lịch, dịch vụ để kích cầu phục hồi một cách thiết thực và hiệu quả. Vì đây là một trong những ngành, lĩnh vực chịu sự tác động lớn từ dịch COVID-19 thời gian qua.
Cần xây dựng hạ tầng giao thông phát triển du lịch
Theo ĐBQH Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng), đây là thời điểm vàng cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng thiết yếu như giao thông vận tải, tận dụng lưu lượng đi lại của khách du lịch và người dân ít nên tạo đột phá trong kết cấu hạ tầng.
"Với định hướng đó, cần xác định tăng cho đầu tư công, tập trung cho phát triển kết cấu hạ tầng, từ đó có thể tạo ra công ăn việc làm, tạo ra dịch vụ cho xã hội, cuối cùng sẽ đáp ứng yêu cầu kích cầu" - ĐB Văn nêu quan điểm.
Theo ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định), hiện tại Khu vực phía Đông các tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình có nhiều tuyến đi theo hướng Đông - Tây nhưng chưa có tuyến nối theo hướng Đông - Bắc, Tây - Nam, chưa có một tuyến đường ven biển nối liền các trung tâm kinh tế, công nghiệp, cảng biển, du lịch với nhau để khai thác hết tiềm năng kinh tế du lịch ven biển.
Vì vậy, vị ĐBQH đoàn Nam Định đề nghị cấp thiết phải đầu tư xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Theo Đề án chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, danh mục dự án dự kiến đầu tư thuộc chương trình có đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng có tổng mức đầu tư dự kiến là 19.080 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 9.540 tỷ đồng, dự án chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn được dự kiến số vốn bố trí trong 2 năm 2022-2023 là 1.100 tỷ đồng./.