(Tổ Quốc) - Công tác xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động, Bộ VHTTDL phối hợp chặt chẽ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) và đạt được nhiều thành tựu tích cự. Nếp sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động ngày một được nâng lên văn minh, tiến bộ hơn.
Nhiều thành tựu từ chương trình hợp tác
Ngay sau khi Chương trình phối hợp được ký kết, hai bên đã có văn bản chỉ đạo 100% Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh, thành phố ký Chương trình phối hợp hoạt động với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hướng dẫn các cấp công đoàn, ngành văn hóa ở các địa phương trên cơ sở chương trình phối hợp giữa hai ngành ở Trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch công tác hàng năm về hoạt động xây dựng đời sống văn hóa trong công chức, viên chức, công nhân lao động (CC,VC,CNLĐ). Định kỳ, tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ và đề ra chương trình cho năm sau.
Hàng năm Tổng Liên đoàn phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành các kế hoạch hướng dẫn chỉ đạo, định hướng nội dung tuyên truyền, phổ biến về vai trò, trách nhiệm của các cấp công đoàn đối với công tác xây dựng đời sống văn hóa và phát triển phong trào thể dục, thể thao và du lịch cho CC, VC, CNLĐ. Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ ngành văn hóa, thể thao và du lịch về xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam và phát triển tổ chức công đoàn trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; hướng dẫn triển khai phong trào xây dựng "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa".
Trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến việc làm, thu nhập của người lao động và phát triển kinh tế, xã hội, tổ chức Công đoàn xác định trọng tâm công tác xây dựng đời sống văn hóa là tuyên truyền, vận động CC, VC, CNLĐ tham gia học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề, kiến thức pháp luật, kỹ năng sống, tác phong lao động công nghiệp, giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống nhằm xây dựng hình ảnh người lao động mới phát triển toàn diện, khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, có nếp sống, lao động lành mạnh, văn minh hiện đại.
Hai bên phối hợp cùng xây dựng kế hoạch tuyên truyền xây dựng đời sống văn hóa CC, VC, CNLĐ theo từng chủ đề, hình thức chuyển tải khác nhau: "Ứng xử văn hóa – Chìa khóa vạn năng"; "Sống thử - Hậu quả thật", "Sách - Vitamin tâm hồn", "Tiêu chí tác phong lao động công nghiệp", "Mạng xã hội - Thế giới ảo - Cảm xúc thật", "Khỏe để góp phần nâng cao năng suất lao động"; biên soạn và phát hành trên 3 triệu tài liệu nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa, tổ chức 3.676 cuộc nói chuyện chuyên đề "Xây dựng đời sống văn hóa" tới hàng triệu lượt CC, VC, CNLĐ trong cả nước lồng ghép với việc triển khai phong trào thi đua "Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở" do Thủ tướng Chính phủ phát động. Tổ chức 43 cuộc tập huấn cho 3.550 cán bộ công đoàn (CBCĐ) từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, trong đó 10 cuộc tập huấn về kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa cho 1.170 CBCĐ; 10 cuộc tập huấn về kiến thức pháp luật cho 1.160 CBCĐ; 3 cuộc tập huấn kiến thức về giới cho 220 CBCĐ; 20 cuộc tập huấn về đời sống văn hóa cho trên 2.000 CBCĐ, các cấp công đoàn đã tổ chức tập huấn cho 45.165 CBCĐ cơ sở.
Mở chuyên mục về Lao động và Công đoàn, xây dựng chương trình "Phát thanh, truyền hình công nhân", kịch truyền thanh "Câu chuyện văn hóa" trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên hệ thống truyền thanh nội bộ với thời lượng ngắn gọn từ 3-5 phút, nhằm tuyên truyền cách ứng xử có văn hóa, đúng pháp luật tới công nhân lao động. Phản ánh về những hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, những cách làm hay, tấm gương tốt, điển hình về công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân thu hút hàng vạn lượt xem, tương tác tạo hiệu ứng tuyên truyền mạnh mẽ.
Kết quả nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội của đội ngũ công chức, viên chức, công nhân lao động được nâng lên văn minh, tiến bộ hơn. Về việc cưới, cơ bản CC, VC, CNLĐ chấp hành tốt Luật Hôn nhân và gia đình trong việc tổ chức kết hôn bản thân, tổ chức kết hôn cho con theo đúng quy định pháp luật. Nhiều hoạt động, mô hình, giải pháp hay đã được nhân rộng như: Lễ cưới tập thể cho thanh niên công nhân, người lao động, người chịu thiệt thòi trong xã hội với hình thức văn minh, lành mạnh, tiết kiệm theo phương thức xã hội hóa.
Đối với việc tang: Hầu hết CC, VC, CNLĐ thực hiện nếp sống mới thực hiện theo quy định của Chính phủ, phong tục, truyền thống và quy ước, hương ước của thôn, bản, khối phố, địa phương, các hủ tục lạc hậu trong việc tang cơ bản được xóa bỏ, tình làng nghĩa xóm, sự giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể, cộng đồng dân cư được thể hiện rất tận tình, chu đáo, trang nghiêm, tiết kiệm phù hợp với điều kiện của gia đình.
Tiếp tục phối hợp hiệu quả
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, việc hợp tác giữa hai cơ quan đã đạt hiệu quả thiết thực, trong đó có 3 điểm sáng là, từ quá trình thực hiện chương trình phối hợp, cả hai bên đã phát hiện nhiều vấn đề nhằm hoàn hiện thể chế chính sách giúp 2 ngành triển khai toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Nhìn lại 5 năm qua, cả 2 ngành đã kịp thời tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư để ban hành nhiều Nghị quyết quan trọng của Đảng về công nhân, công đoàn cũng như của ngành VHTTDL. Từ những chủ trương đó, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành các bộ luật, quyết định mang tính đặc biệt.
Điểm sáng thứ hai mà Bộ trưởng nhấn mạnh đó là, trong xây dựng đời sống văn hóa đã đúng trọng tâm, trọng điểm. Qua đó xuất hiện nhiều mô hình, cách làm mới như vấn đề xây dựng gia đình công nhân viên chức, người lao động ấm no, hạnh phúc; công nhân thực hiện việc cưới, việc tang; phong trào liên hoan tiếng hát công nhân…
Thống kê cho thấy, trước sự phát triển của giai cấp công nhân, người lao động cũng đặt ra vấn đề đòi hỏi phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, nâng cao đời sống. Thời gian qua, Tổ chức công đoàn đã thể hiện được vai trò trong vấn đề này. Ngành Văn hóa cũng đã phối hợp hiệu quả đã tạo ra các thiết chế văn hóa tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp để công nhân có điều kiện hưởng thụ.
Điểm sáng tiếp theo đó là làm tốt sự lãnh đạo về mặt chính trị, nhất quán tư tưởng văn hóa thực sự nền tảng tinh thần, động lực phát triển. Minh chứng cho việc này được thể hiện qua các đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát thời gian qua, những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách lại được phát huy, lan rộng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức công đoàn đã thể hiện được vai trò là "ngôi nhà chung" cho công nhân lao động.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, những điểm sáng nêu trên đã khẳng định chương trình phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam là đúng hướng, kết quả mang lại tích cực. Qua đó góp phần xây dựng đời sống văn hóa nói chung và công nhân nói riêng.
Trong thời gian tới, với sự nỗ lực cao, quyết liệt hành động, sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương, công đoàn, ngành VHTTDL, công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục phối hợp về tuyên truyền, vận động công chức, viên chức, công nhân lao động xây dựng đời sống văn hoá, luyện tập TDTT trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021-2026 theo 6 nội dung:
Trong đó đáng chú ý là việc nâng cao hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; sửa đổi, bổ sung tiêu chí xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa; triển khai hiệu quả giải thưởng "Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động", xây dựng Bộ tiêu chí về "Văn hóa doanh nghiệp". Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT; xây dựng tủ sách, thư viện tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; khuyến khích thói quen đọc sách, rèn luyện TDTT nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, phát triển các câu lạc bộ sở thích đáp ứng nhu cầu và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần trong CC, VC, CNLĐ.
Triển khai nhân rộng các mô hình điểm về văn hóa, thể thao và gia đình trong CC, VC, CNLĐ như bài tập thể dục giữa giờ, điểm sinh hoạt văn hóa, đám cưới tập thể, gia đình công nhân văn hóa, văn hóa đọc và các hoạt động văn hóa trực tuyến; đề xuất giải pháp phát huy các nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống Cung văn hóa, Nhà văn hóa lao động; kiến nghị các cơ chế chính sách nhằm tạo điều kiện về thời gian, kinh phí, địa điểm để công chức, viên chức, công nhân lao động được tham gia các hoạt động VHTTDL./.