• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu ban hành, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có Luật hộ kinh doanh

Thời sự 21/05/2020 14:02

(Tổ Quốc) - Tại phiên họp trực tuyến sáng 21/5, các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Cân nhắc hai luồng ý kiến

Đầu giờ sáng 21/5, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, vấn đề phạm vi điều chỉnh, quy định đối tượng hộ kinh doanh vào dự thảo Luật hiện nổi lên hai luồng ý kiến.

Nếu ban hành, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có Luật hộ kinh doanh - Ảnh 1.

Ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

Luồng ý kiến thứ nhất đó là, nhất trí đưa nội dung quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo luật như phương án Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 vì 3 lý do.

Lý do thứ nhất là nội dung quy định về hộ kinh doanh tại dự thảo Luật dựa trên cơ sở luật hóa tối đa các quy định đã được áp dụng ổn định trong thực tiễn của Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.

Thứ hai là Luật Doanh nghiệp năm 1999, 2005 và năm 2014 đã có điều khoản quy định về hộ kinh doanh và giao Chính phủ quy định chi tiết. Do đó, xét về bản chất thì việc quy định một Chương về hộ kinh doanh trong dự thảo luật chỉ là việc bổ sung, hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định chung đã có về hộ kinh doanh.

Lý do cuối cùng đó là việc quy định hộ kinh doanh trong dự thảo luật sẽ có tác động tích cực, xóa bỏ hạn chế về thương quyền và nâng cao địa vị pháp lý của hộ kinh doanh.

Về luồng ý kiến thứ hai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, đó là đề nghị không quy định nội dung về hộ kinh doanh vào dự thảo luật, mà xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh. Vì xét về bản chất, hộ kinh doanh là một loại hình kinh doanh nên quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh cần phải được điều chỉnh bởi luật, chứ không thể quy định bằng Nghị định.

“Việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp” - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Vũ Hồng Thanh số lượng về đối tượng chịu tác động là hộ kinh doanh rất lớn. Vì vậy, cần có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá thực tiễn và tham vấn để hoàn thiện khung khổ pháp luật tốt nhất điều chỉnh và áp dụng cho chủ thể hộ kinh doanh, tránh những tác động bất lợi tới hoạt động của các hộ kinh doanh.

“Qua nghiên cứu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất lựa chọn loại ý kiến thứ 2”, ông Vũ Hồng Thanh cho biết.

Không nên đưa vào hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp mà xây dựng Luật mới

Thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) bày tỏ đồng tình với ý kiến thứ 2 mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất. Theo đó, đại biểu này đề nghị không quy định hộ kinh doanh vào dự thảo Luật. Bởi, việc đưa hộ kinh doanh vào dự thảo Luật là không phù hợp vì hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp.

Nếu ban hành, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có Luật hộ kinh doanh - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang).

“Hộ kinh doanh hiện nay hầu hết là bán buôn nhỏ lẻ khác biệt với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh công ty cổ phần và TNHH. Vì vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp manh mún, siêu nhỏ thì cần cân nhắc và không nên đưa hộ kinh doanh vào đối tượng của Luật Doanh nghiệp. Cần xây dựng một Luật riêng để điều chỉnh đối tượng này cho phù hợp hơn” - đại biểu Nguyễn Thanh Thủy nhấn mạnh.

Bày tỏ quan điểm của mình, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta trong xu thế, tình hình phát triển kinh tế tư nhân ngày càng mở rộng khắp.

Về phạm vi điều chỉnh, vị đại biểu đoàn Đồng Tháp đồng tình ý kiến thứ 2, không quy định hộ kinh doanh vào Luật. Bởi, xét về bản chất, hộ kinh doanh là hộ sản xuất, mua bán sản phẩm phục vụ người tiêu dùng, lưu thông ra thị trường nhưng quy mô nhỏ lẻ, người lao động chủ ý là gia đình, về pháp lý chỉ có một người đứng ra làm chủ đại diện của cơ sở. Như vậy, không rõ ràng, không có tính ràng buộc cho mỗi người làm đại diện.

Mặt khác, hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp nên không thuộc phạm vi điều chỉnh và là đối tượng áp dụng theo Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, vị đại biểu này cho rằng, hiện nay chúng ta quy định hộ kinh doanh có người lao động dưới 10 người là quá rộng. Trong khi đó doanh nghiệp tư nhân có lao động từ 5 người trở lên là có thể thành lập doanh nghiệp.

“Nên chăng cần phải quy định hộ kinh doanh có lao động ít hơn như hiện nay, như vậy sẽ giảm đáng kể hộ kinh doanh, dễ hơn cho công tác quản lý. Thực tế đã có không ít hộ kinh doanh quy mô lớn, không thua kém doanh nghiệp vừa, như vậy là không hợp lý, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh” - đại biểu Hòa nói.

Nếu ban hành, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có Luật hộ kinh doanh - Ảnh 3.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa)

Theo đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa), Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định hộ kinh doanh sử dụng 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều năm qua việc vận động các hộ kinh doanh đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp là chưa hiệu quả. Theo thống kê, có 5 triệu kinh doanh nhưng chỉ có 1,7 triệu hộ đang nộp thuế.

“Vấn đề tạo điều kiện cho 5 triệu hộ kinh doanh cho hiệu quả này là một việc lớn mà cần phải có Luật riêng để điều chỉnh. Nếu đặt mục tiêu đưa hộ kinh doanh vào quản lý theo Luật để tăng cường quản lý thuế thì phải cân nhắc ký để khi ban hành phải tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển” - đại biểu Mai Sỹ Diễn nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) nêu quan điểm, Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đã khắc phục được nhiều điểm tồn tại của Luật năm 2014. Đại biểu này bày tỏ nhất trí với việc ban hành Luật riêng về hộ kinh doanh. Bởi, hiện nay, theo thống kê thì hộ kinh doanh số lượng rất lớn, 5 triệu hộ nhưng thực tế hơn nhiều vì chúng ta chưa có đánh giá, tổng kết. Chính vì vậy, ban hành Luật cần phải tổng kết, đánh giá để khi ra đời tất cả các hộ kinh doanh sẽ phát triển, thực hiện theo Luật.

Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn áp dụng quy định đặc thù

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình), hộ kinh doanh là “chiếc nôi” trong làn sóng khởi nghiệp đầu tiên cho nền kinh tế của nước ta, là “cứu tinh” cho những người kinh doanh nhỏ, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng, đảm bảo công ăn việc làm, an sinh xã hội.

Nếu ban hành, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có Luật hộ kinh doanh - Ảnh 4.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình).

Ông Vũ Tiến Lộc bày tỏ quan điểm, các hộ kinh doanh có thể được đưa vào Luật Doanh nghiệp. Bản chất pháp lý, kinh tế của hộ kinh doanh là doanh nghiệp cho nên phương án đột phá là Luật Doanh nghiệp cần quy định hộ kinh doanh là doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp tư nhân đăng ký bởi cá nhân, không có tư cách pháp nhân nên có thể giữ nguyên tên gọi là hộ kinh doanh và chủ hộ kinh doanh thì không phải sau một đêm bừng tỉnh trở thành giám đốc.

Cũng theo vị đại biểu đoàn Thái Bình, đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp nhưng vẫn được áp dụng theo quy định đặc thù, về cơ bản giữ nguyên mức sơ khai như hiện nay: nộp thuế, kê khai, quản lý nhà nước và không phát sinh thêm chi phí, thủ tục hành chính phiền hà mà vẫn tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động kinh doanh của các hộ. Nếu thận trọng hơn, cần quy định hộ kinh doanh thành một chương của Luật Doanh nghiệp để có điều kiện trở thành bước đệm cho một bộ Luật Doanh nghiệp hướng tới chuẩn mực chung của thế giới.

“Đưa hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp dù cho phương án nào thì cũng không phải đưa ra quy định để trói buộc hộ kinh doanh mà chỉ có thể là đưa ra các điều kiện thuận lợi để hộ kinh doanh phát triển. Đưa ra một Luật riêng về hộ kinh doanh là không nên, bởi nếu đưa ra Luật này thì Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới có Luật về hộ kinh doanh” - đại biểu Vũ Tiến Lộc nói.

Cần ít nhất 3 năm mới xây dựng được Luật

Nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc đưa đối tượng hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp sẽ có lợi cho hộ kinh doanh, chứ không hề cản trở hoạt động của loại hình này.

Nếu ban hành, Việt Nam sẽ là nước đầu tiên trên thế giới có Luật hộ kinh doanh - Ảnh 5.

Bộ trưởng Bộ Ké hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

"Việc đưa vào luật cũng khẳng định tính định danh cho loại hình hộ kinh doanh, tạo cơ chế bảo vệ quyền lợi, áp dụng các chương trình hỗ trợ, gỡ bỏ rào cản, vướng mắc trong quản lý các hộ kinh doanh" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề này không làm phát sinh các thủ tục hành chính, đồng thời thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi mô hình hoạt động thành doanh nghiệp.

Theo vị Bộ trưởng này, nếu đưa đối tượng hộ kinh doanh vào luật riêng thì sẽ cần ít nhất 3 năm nữa mới xây dựng xong được luật. Do đó, khi nào cần thiết sẽ xây dựng luật trên cơ sở chuyển toàn bộ nội dung được quy định trong Luật Doanh nghiệp sang luật mới.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ