• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nếu không có sự chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư thì những vụ việc tầy trời ấy thật khó bị phanh phui

Thời sự 24/04/2018 10:18

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phòng, chống tham nhũng chúng ta làm từ lâu, nhưng chưa bao giờ quyết liệt và có những chuyển biến đồng bộ, tích cực như hiện nay. Kết quả ấy tạo một luồng gió mới, niềm tin mới và khí thế mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Ðảng và đất nước.

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phát biểu chỉ đạo Phiên họp thứ 12 

Muốn thật sự trong sạch, vững mạnh, Ðảng phải tự gột rửa những "vết chàm" trên chính "cơ thể" mình. Ðó là quy luật và cũng là mong đợi của nhân dân. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần cảnh báo, nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang bên cho người khác làm.

Quyết liệt hành động

Những ngày gần đây, dư luận xã hội bàn nhiều về việc một số cán bộ từng là cấp tướng, lãnh đạo tổng cục, cục của ngành công an, như: Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Hữu Tuấn, bị khởi tố, bắt tạm giam, vì liên quan đến vụ đánh bạc trên mạng xuyên quốc gia với hàng nghìn tỷ đồng, hoặc làm lộ bí mật nhà nước. Ðiều đáng lo ngại là, những người đại diện pháp luật, ở trong lực lượng phòng, chống tội phạm lại bị chính đối tượng phạm tội trong lĩnh vực mình quản lý thao túng. Song, qua việc bắt giữ những cán bộ đó cho thấy ngành công an đã tích cực trong cuộc chiến chống tham nhũng để lấy lại niềm tin của nhân dân với Ðảng, Nhà nước.

Liên quan đến vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), ngoài hai đối tượng từng là công an bị khởi tố, bắt tạm giam, còn năm cán bộ TP Ðà Nẵng, trong đó có hai nguyên Chủ tịch UBND thành phố là: Trần Văn Minh, bị khởi tố, bắt tạm giam; Văn Hữu Chiến bị khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú (cùng các tội danh, vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, về quản lý đất đai). Cần nói rằng, nếu không có sự chỉ đạo kiên trì, quyết liệt của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư thì những vụ việc tầy trời ấy thật khó bị phanh phui.

Khi Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) đề ra quyết tâm đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; nhiều ý kiến lo ngại còn "vùng cấm" thì không thể làm được. Thực tế đang minh chứng không còn bất cứ "vùng cấm" nào. Mỗi kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đều kết luận, công khai danh tính từng cán bộ vi phạm, đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý và xử lý một cách nghiêm minh, kịp thời. Năm 2017, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, cơ quan này đã thi hành kỷ luật 18 đảng viên; đề nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cảnh cáo ba tổ chức đảng, cách chức bảy đảng viên, cảnh cáo ba đảng viên. Ủy ban kiểm tra các cấp, qua kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, đã thi hành kỷ luật 150 tổ chức đảng, 3.368 đảng viên.

Chưa bao giờ có nhiều cán bộ, cả cán bộ cấp cao, bị xử lý nghiêm minh như thời gian sau Ðại hội XII của Ðảng đến nay, từ lãnh đạo Bộ Công thương đến lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Nam, Ðà Nẵng, lãnh đạo các tập đoàn: Hóa chất, Dầu khí Việt Nam... Một trường hợp cho thôi chức Ủy viên Bộ Chính trị, sau đó bị khởi tố, đưa ra xét xử; nhiều cán bộ, trong đó có cả Ủy viên Trung ương Ðảng đương chức hoặc về hưu bị kỷ luật; nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng tưởng "chìm xuồng" bị đưa ra xét xử đúng người, đúng tội trước sự anh minh của pháp luật.

Theo thông tin tại Phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng (ngày 22-1-2018), năm 2017, đã kết thúc chỉ đạo xử lý 16 vụ án, 10 vụ việc; kết luận điều tra, đề nghị truy tố 16 vụ/126 bị can; truy tố 12 vụ/172 bị can; xét xử sơ thẩm 5 vụ/73 bị cáo (tuyên phạt ba bị cáo án tử hình, ba bị cáo tù chung thân, 62 bị cáo tù dưới 30 năm); xét xử phúc thẩm 6 vụ/80 bị cáo (tuyên phạt hai bị cáo án tử hình, bốn bị cáo tù chung thân, ba bị cáo tù 30 năm),…

"Xây" là cơ bản, "chống" cũng quyết liệt

Có được kết quả như nêu trên, trước hết là do sự chỉ đạo đồng bộ, bài bản của Trung ương, đã đặt công tác xây dựng Ðảng trong mối quan hệ hữu cơ với các nhiệm vụ trọng tâm mà Ðại hội XII đề ra; gắn phát triển kinh tế với tăng cường xây dựng Ðảng, hoàn toàn không có chuyện "đóng cửa để chỉnh đốn Ðảng". Cùng với nghị quyết về xây dựng Ðảng, Hội nghị T.Ư 4 (khóa XII) có nghị quyết về chủ trương, chính sách lớn, nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Các Hội nghị T.Ư 5, T.Ư 6 ban hành nhiều nghị quyết về cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng; đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập; công tác dân số; chăm sóc sức khỏe nhân dân,...

Trong xây dựng Ðảng, tư tưởng xuyên suốt là "xây" đi liền với "chống"; lấy "xây" làm cơ bản, "chống" cũng quyết liệt; đó là xây dựng, nâng cao toàn diện chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp; là chống suy thoái, chống tham nhũng, tiêu cực. Nét mới nổi bật trong thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 lần này là tiến hành đồng thời, hài hòa giữa các mặt, vừa tăng cường xử lý vụ việc, cán bộ vi phạm; vừa tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, ban hành các quy định, quy chế, cảnh báo, ngăn ngừa vi phạm, tạo hành lang cho việc xử lý vi phạm; đồng thời chăm lo giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, nhất là nhận diện cho được các biểu hiện suy thoái trong Ðảng. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hàng loạt quy định về tăng cường vai trò nêu gương; tiêu chuẩn khung đánh giá cán bộ; phân cấp quản lý cán bộ; giám sát trong Ðảng; kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản; xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm theo tinh thần nghiêm minh, công tâm, không còn chuyện "hạ cánh an toàn",...

Trên thực tế, các tổ chức đảng đã gắn thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, tạo những chuyển biến quan trọng trong nhận diện và ngăn chặn suy thoái. Ðiểm lại như vậy để thấy, công tác xây dựng Ðảng được tiến hành một cách đồng bộ, chứ không phải "chỉ có đi xử lý cán bộ vi phạm, làm cho không ai muốn làm" như có ý kiến hoài nghi.

Ai nhụt chí dẹp sang bên cho người khác làm

Tham nhũng, tiêu cực được Ðảng xác định là một trong bốn nguy cơ từ Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ Ðại hội VII (năm 1994) và hiện nay đang trở thành một vấn nạn. Việc quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là yêu cầu bức thiết và những kết quả đạt được trong hai năm qua đã mang lại niềm tin vững chắc của nhân dân đối với Ðảng. Vậy mà có ý kiến cho rằng, giờ chỉ thấy "chống" mà không lo "xây"; làm như thế, ai còn muốn làm việc? Chỉ ai đó né tránh, hoặc tay trót "nhúng chàm", mà không chịu gột rửa mới nghĩ như vậy. Những kết quả đáng mừng mà đất nước đã đạt được trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, đối ngoại,… cho thấy rõ sự lỗi nhịp của ý kiến nêu trên.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, triển khai nhiệm vụ năm 2018, lần đầu tiên có sự tham dự đầy đủ của các đồng chí lãnh đạo cấp cao là: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo tại đây nêu rất rõ những thành tích mà nhiều năm chưa có được. Về kinh tế, lần đầu sau nhiều năm, chúng ta hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả 13 chỉ tiêu đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,81%, vượt kế hoạch; lạm phát được kiểm soát ở mức 3,53%; bội chi ngân sách ở mức thấp, khoảng 3,5% so với GDP; dự trữ ngoại hối đạt mức kỷ lục: 51,5 tỷ USD; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 425 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay.

So với năm 2016, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc (từ 82 lên vị trí 68 trong số 190 nền kinh tế); chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc (từ 60 lên 55 trong số 137 nền kinh tế). Theo Tổng cục Thống kê, quý I-2018, tốc độ tăng GDP đạt 7,38%, cao nhất trong 10 năm trở lại đây, tăng trưởng đồng đều trên cả ba khu vực, nông, lâm nghiệp và thủy sản; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, gấp hai lần so với cùng kỳ.

Tại buổi họp mới đây của Ban Bí thư nghe báo cáo kết quả kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XII) và Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị tại 15 địa phương và cơ quan Trung ương, tổng hợp ý kiến từ các nơi được kiểm tra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, thực tế cho thấy, không phải như một số người lo ngại, chỉ lo xây dựng Ðảng, lo chống tham nhũng sẽ làm nhụt chí, mà ngược lại, chính làm tốt công tác xây dựng Ðảng, phát huy ưu điểm, chống thoái hóa biến chất đã thúc đẩy các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tổng Bí thư cảnh báo: "Nếu ai cảm thấy cản trở, nhụt chí thì dẹp sang bên cho người khác làm". Ðây là một thông điệp thể hiện sự nhất quán và quyết tâm cao của Ðảng trong cuộc chiến chống tham nhũng.

 

 BẮC VĂN

Theo Báo Nhân Dân

* Tiêu đề do Báo điện tử Tổ Quốc đặt

NỔI BẬT TRANG CHỦ