• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Trung "lưỡng nan" trước thế trận đối kháng đồng bạc xanh

Kinh tế 16/01/2019 22:42

(Tổ Quốc) - Nga và Trung Quốc có kế hoạch từ bỏ đồng đô la Mỹ và chuyển sang đồng nội tệ trong thương mại quốc tế.

Nhưng những trì hoãn đối với một hệ thống giao dịch đồng NDT- Rúp Nga đang cho thấy mức độ phức tạp của việc thay thế đồng bạc xanh, theo SCMP.

Nga, Trung Quốc và một số quốc gia khác đang nhắm đến việc giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, khi Washington sử dụng quyền tiếp cận vào hệ thống thanh toán bằng đô la như một vũ khí để trừng phạt các quốc gia và cá nhân vì vi phạm luật pháp Hoa Kỳ.

Nỗ lực quay lưng đồng bạc xanh

Vào tháng 11/2018, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói rằng Moscow và Bắc Kinh đang hoàn thiện một bản ghi nhớ để giải quyết thương mại song phương bằng đồng rúp và nhân dân tệ.

Hai nước cũng được cho là đang đàm phán để ra mắt một hệ thống xuyên biên giới mới nhằm cải thiện thanh toán trực tiếp trong thương mại và sử dụng thẻ tín dụng China UnionPay ở Nga và thẻ Mir của Nga ở Trung Quốc.

Nga – Trung lưỡng nan trước thế trận đối kháng đồng bạc xanh - Ảnh 1.

Việc Nga và Trung Quốc quay lưng với đồng bạc xanh không hề dễ dàng. (Nguồn: Reuters)

Nhưng cuối tháng trước, truyền thông Nga dẫn lời ông Siluanov nói rằng Moscow đã quyết định chưa tiến tới kế hoạch mà Bắc Kinh đề xuất.

Các cuộc thảo luận sẽ tiếp tục giữa hai Ngân hàng trung ương, cũng như giữa Bộ Tài chính Nga và Bộ Thương mại Trung Quốc, truyền thông cho biết, mà không cung cấp thêm chi tiết.

Các nhà phân tích cho biết, với sự tăng trưởng trong thương mại Nga - Trung và lập trường đối lập của họ đối với các lệnh trừng phạt của Mỹ về hệ thống thanh toán bằng đồng đô la, Bắc Kinh và Moscow có thể sẽ tiếp tục làm việc để hướng tới một hệ thống được cả hai bên chấp nhận.

Giống như một số quốc gia đang phát triển, Trung Quốc và Nga rất muốn đưa ra giải pháp thay thế để bảo vệ ngân hàng và nhân viên ngân hàng của họ khỏi các lệnh trừng phạt thứ cấp của Hoa Kỳ trong việc truy tố các thực thể có làm ăn với các công ty hoặc cá nhân bị trừng phạt từ Nga, Iran hoặc Venezuela.

Nhưng các quốc gia khác, chẳng hạn như Ấn Độ, cũng đặt mục tiêu hướng tới một thỏa thuận song phương để cắt giảm thâm hụt thương mại đang gia tăng với Trung Quốc. Điều đó không dễ dàng mặc dù - ngay trước khi thỏa thuận với Moscow bị đình trệ, Bắc Kinh đã từ chối một đề xuất của Ấn Độ về một hệ thống giao dịch bằng đồng rupee - NDT.

Không hề dễ dàng

Sự trì hoãn về cơ sở hạ tầng thanh toán mới cho thấy mức độ khó khăn khi chuyển khỏi hiện trạng do đồng tiền của Mỹ thống trị.

Đồng đô la Mỹ là loại tiền được ưa thích trong thương mại quốc tế vì đây là một trong những loại ít biến động nhất và do đó ít bị mất giá đột ngột. Đồng rúp Nga là một loại tiền tệ dễ biến động hơn, một phần do các lệnh trừng phạt hiện có của Mỹ và châu Âu và một phần vì xuất khẩu chính của Nga là năng lượng, điều khiến đồng rúp dễ bị tổn thương trước những thay đổi của giá xăng dầu.

Evghenia Sleptsova, chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi tại Oxford econom, cho rằng sự ổn định hơn của đồng nhân dân tệ so với đồng rúp là lợi thế cho các nhà xuất khẩu Nga và là nguy cơ cho các nhà xuất khẩu Trung Quốc- những người không muốn tăng thêm rủi ro về tiền tệ đối với những mặt hàng đã biến động.

Và trong khi Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc và Liên minh kinh tế Á-Âu đang củng cố mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, Trung Quốc đang nhanh chóng thay thế Nga trở thành một cường quốc kinh tế trong khu vực, điều có thể khiến Nga phải miễn cưỡng chấp nhận các dự án và tài chính của Trung Quốc, theo Otilia Dhand, phó chủ tịch cấp cao của công ty nghiên cứu Teneo Intelligence có trụ sở tại London.

"Nga và Trung Quốc đang phát triển hợp tác trong một số lĩnh vực và những sự hợp tác tăng cường này được thúc đẩy một phần bởi việc họ cùng phản đối sự thống trị của Mỹ trên thế giới, bà Dhand nói.

Nhưng lợi ích kinh tế đạt được rất khiêm tốn, dù một số khoản đầu tư của Trung Quốc rơi vào những lĩnh vực hứa hẹn nhất như ngành năng lượng, bà nói.

Trung Quốc cũng đã giảm các nỗ lực quốc tế hóa đồng tiền của mình trong ba năm qua vì những lo ngại về dòng vốn chảy ra trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bắc Kinh đang xem xét kỹ lưỡng và kiểm soát các khoản đầu tư ra nước ngoài của các cá nhân và doanh nghiệp Trung Quốc mặc dù họ lại đang khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào nước này.

Tuy nhiên, vai trò của đồng nhân dân tệ và đồng rúp trong các giao dịch tài chính và thương mại của Nga đã tăng lên trong vài năm qua và mối quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc sẽ tiếp tục sâu sắc, đặc biệt là nếu Mỹ vẫn ở vị thế đối nghịch với cả hai, theo Dolgin.

Sự tăng trưởng đó đã được hỗ trợ bởi việc Trung Quốc thiết lập hệ thống thanh toán (PVP) cho các giao dịch bằng đồng nhân dân tệ năm 2017, mở đường cho Trung Quốc sử dụng hệ thống PVP cho các giao dịch nhân dân tệ với các loại tiền tệ khác nằm trong Sáng kiến BRI. Hệ thống PVP giảm rủi ro trong thanh toán cũng như giảm rủi ro trong các giao dịch diễn ra ở các múi giờ khác nhau và cải thiện hiệu quả thị trường ngoại hối.

Năm 2014, Trung Quốc và Nga đã ký 38 thỏa thuận năng lượng, thương mại và tài chính và trao đổi tiền tệ trị giá 150 tỷ NDT (22 tỷ USD). Nga đã thúc đẩy các liên kết thương mại với Trung Quốc sau khi họ vấp phải trừng phạt từ Mỹ và EU sau khi sáp nhập Crimea năm 2014.

Trong thương mại song phương với Trung Quốc, khoảng 14% thanh toán đã được thực hiện bằng nhân dân tệ và khoảng 7 đến 8% bằng đồng rúp, theo Bộ Tài chính Nga. Ngân hàng trung ương Nga cũng đang mua nhân dân tệ để dự trữ ngoại hối, mua số lượng tiền NDT với trị giá khoảng 44 tỷ USD, trong khi bán hơn 100 tỷ USD. Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã trở thành thành phần lớn thứ tư trong dự trữ quốc tế của Nga, sau đồng euro (32%), đô la Mỹ (22%) và vàng (17%).

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ