(Tổ Quốc)- Từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc giảm lãi suất theo sự đồng thuận đã được công bố của các ngân hàng thương mại. Đồng thời chỉ đạo đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp.
- 09.08.2021 Dự báo lãi suất ngân hàng trong tháng 8 tiếp tục duy trì ở mức thấp do giãn cách xã hội
- 08.08.2021 HoREA kiến nghị ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp BĐS tiếp cận khoản vay mới, giảm lãi suất 2%/năm
- 07.08.2021 Lãi suất cho vay mua nhà biến động giữa làn sóng COVID-19
- 04.08.2021 Lãi suất huy động kỳ hạn dài giảm, dự báo không tăng từ nay đến cuối năm
Trung tuần tháng 7/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, đã có tổng cộng 16 ngân hàng thương mại đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua dịch Covid-19.
Đợt giảm lãi suất này sẽ tập trung vào các doanh nghiệp chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19.
16 ngân hàng thương mại đồng thuận giảm lãi suất gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB và HDBank.
Đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đang có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 63/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng gay gắt và diễn ra trên diện rộng tại 42 tỉnh gây ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp và người dân trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt, bám sát các diễn biến vĩ mô và tình hình thực tiễn để có những quyết sách kịp thời, phù hợp.
Một trong các giải pháp được đưa ra đó là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp tái cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
“Nếu chỉ tính riêng khoản nợ đã được các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay khoảng gần 800.000 khách hàng, kể cả doanh lớn, doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh tế gia đình với dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng, ở mức độ phù hợp với điều kiện thực tế mỗi loại hình doanh nghiệp, mỗi ngành nghề”, ông Đào Minh Tú nói.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng cường giám sát việc thực hiện các cam kết giảm lãi suất, giảm được bao nhiêu, giảm thế nào để có sự hỗ trợ thực chất.
Các ngân hàng sẽ phải thường xuyên báo cáo kết quả triển khai các biện pháp hỗ trợ như đã tự nguyện cam kết, để thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nền kinh tế trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Bên cạnh giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cũng đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai giảm các loại phí thanh toán, chuyển tiền, dịch vụ tiền tệ tín dụng khác cho doanh nghiệp.
Ước tính tổng số phí mà các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng trong thời gian vừa qua khoảng 1.100 tỷ đồng.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đã giảm các loại phí thanh toán và chỉ đạo các tổ chức trung gian thanh toán tiếp tục giảm phí tạo thuận lợi cho các ngân hàng thương mại giảm sâu các loại phí cho khách hàng.
Đây là những giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo điều kiện giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay.
“Trong năm 2020, NHNN đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất điều hành. Đến thời điểm hiện nay, nhìn chung mặt bằng lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn đang ổn định, lãi suất thị trường cũng cơ bản ổn định và phù hợp điều kiện chỉ số kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục nghiên cứu theo dõi rất chặt chẽ để khi nào công cụ lãi suất điều hành phát huy tác dụng thì Ngân hàng Nhà nước sẽ có điều chỉnh kịp thời.
Quan điểm xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất hợp lý theo hướng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn trước mắt, vừa có tính ổn định vĩ mô bền vững để nhanh chóng phục hồi sau khi kết thúc dịch.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn quan tâm, đề phòng, đảm bảo các giải pháp điều hành hài hòa, cảnh giác với yếu tố có nguy cơ lạm phát đã và đang xuất hiện”, ông Đào Minh Tú nói.