(Tổ Quốc) - Theo tin từ AFP, Chủ tịch sắp mãn nhiệm của Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass cho biết hôm thứ Tư (12/4), các quốc gia thành viên của Ngân hàng Thế giới đã thông qua các biện pháp cho phép cho vay thêm 50 tỷ USD trong thập kỷ tới.
Động thái này đã được công bố trong kỳ họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington. Đây cũng là một trong nhiều nỗ lực cải tổ của WB trước sức ép giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu. Tháng 3 vừa qua, WB đã trình một kế hoạch cải tổ sâu rộng để đưa ra thảo luận tại Ủy ban Phát triển vào ngày 12/4 trong khuôn khổ kỳ họp thường niên mùa xuân với IMF.
Ông Malpass, người đã tuyên bố từ chức vào tháng Hai, cho biết trong một tuyên bố vào cuối ngày 12/4 rằng các cuộc thảo luận với các cổ đông trong tuần này cho thấy nhiều dấu hiệu tiến bộ về các vấn đề lớn như: minh bạch hơn về các khoản nợ, gia tăng thêm số vốn của ngân hàng và hành động khí hậu có tác động lớn hơn.
"Các quốc gia thành viên của chúng tôi đã tán thành các biện pháp có thể cho vay thêm 50 tỷ USD trong 10 năm tới thông qua Ngân hàng tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD)", ông nói thêm. IBRD là một nhánh của WB phụ trách cấp khoản vay cho các nước có thu nhập trung bình.
Ông Malpass cho hay các thành viên đã công nhận đầy đủ tầm quan trọng của việc bổ sung nguồn lực và nguồn đầu tư của khu vực tư nhân. Do khả năng tài chính đang "thiếu rất nhiều so với nhu cầu tài nguyên cần cho phát triển và khí hậu", ông Malpass nhấn mạnh rằng việc giải quyết những vấn đề này sẽ đòi hỏi nỗ lực toàn cầu.
Thúc đẩy cải tổ các tổ chức cho vay đa phương
Trước đó, cũng trong ngày 12/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen kêu gọi Ngân hàng Thế giới tiếp tục thực hiện các biện pháp cải cách bổ sung khác trong năm nay.
Bà Yellen phát biểu tại một cuộc thảo luận bàn tròn về sự phát triển của các ngân hàng phát triển đa phương: "Chúng ta nên sử dụng thời gian còn lại của năm để thực hiện các cải cách bổ sung thông qua cách tiếp cận theo từng giai đoạn". Mỹ là thành viên cấp vốn lớn nhất cho Ngân hàng Thế giới.
Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, người đã tham dự các cuộc hội đàm với bà Yellen và ông Malpass hôm thứ Tư, cũng nói rằng đang có một "cơ hội lịch sử" để mang lại nguồn tài chính cần thiết cho các nước đang phát triển thông qua cải cách các tổ chức cho vay.
Ông lưu ý rằng cần phải thu hẹp khoảng cách ngày càng tăng giữa các nước phát triển và đang phát triển, đồng thời nói thêm rằng "sự khác biệt hiện nay đã thực sự nghiêm trọng".
Bà Yellen cũng nhấn mạnh rằng các tổ chức cho vay đa phương cần phải nỗ lực để đạt được nhiều tiến bộ hơn nữa. Bộ trưởng tài chính Mỹ cũng khẳng định các nhà lãnh đạo toàn cầu có thể tận dụng các sự kiện quốc tế sắp tới như Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo G20 vào tháng 9 để "duy trì động lực cải tổ mạnh mẽ".
Trong một cuộc phỏng vấn với AFP trước cuộc họp mùa xuân, bà Yellen cũng nói thêm rằng ông Malpass, người sẽ rời vị trí của mình vào cuối tháng 6, đã đặt "nền tảng vững chắc" cho nỗ lực cải cách đang diễn ra. Và bà cũng hi vọng tân Chủ tịch WB sắp tới – ông Ajay Banga được Mỹ đề cử - sẽ nối tiếp ông Malpass và tiếp tục thực hiện nhiều cải tổ.
Đẩy nhanh tái cấu trúc nợ
Một vấn đề quan trọng khác trong chương trình nghị sự tại kỳ họp mùa xuân của IMF và WB bao gồm tái cơ cấu nợ. Hội nghị bàn tròn về nợ do IMF, WB và Ấn Độ, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch G20, đồng chủ trì ngày 12/4. Tại cuộc họp này, các chủ nợ toàn cầu, các quốc gia đi vay và các định chế tài chính quốc tế đã nhất trí nỗ lực tái cơ cấu các khoản nợ bị đình trệ từ lâu thông qua việc chia sẻ dữ liệu và xây dựng thời gian biểu chi trả rõ ràng hơn.
Sau cuộc họp, một tuyên bố chung đã được đưa ra. Theo đó, các bên tham gia đã "tập trung vào các hành động có thể được thực hiện ngay bây giờ để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nợ và thực hiện chúng một cách hiệu quả hơn, bao gồm cả việc dựa vào Khuôn khổ chung của G20." Các bên tham gia cũng đã đồng ý rằng cần khẩn trương cải thiện việc chia sẻ dữ liệu về các dự báo kinh tế vĩ mô và đánh giá tính bền vững của nợ trong các trường hợp phải xóa nợ.
Tuyên bố chung cũng cho biết IMF và WB sẽ nhanh chóng ban hành hướng dẫn để đảm bảo chia sẻ dữ liệu kịp thời hơn.