(Tổ Quốc) - Ông Đào Minh Tuấn - Phó TGĐ Vietcombank nhìn nhận, tâm lý khách hàng hiện vẫn quen dùng tiền mặt. Việc ngân hàng thu phí thời gian qua cũng tạo tâm lý, cản trở khách hàng chuyển sang thanh toán mobile payment.
Tại Diễn đàn “Mobile Payment – Nhân tố thúc đẩy nền kinh tế không tiền mặt” diễn ra sáng nay (6/11), Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, thời gian qua, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, đặc biệt có sự đột phá trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử hiện đại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng lên của xã hội và thích ứng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
(Nguồn: Internet) |
Tỷ lệ tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán tiếp tục có xu hướng giảm, từ 14,02% năm 2010 xuống còn 11,45% vào tháng 8/2017.
Ngân hàng Nhà nước đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử; các giải pháp để tăng cường quản lý, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn và sự tin cậy đối với các hệ thống thanh toán theo các nguyên tắc giám sát quốc tế.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo về lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) để tham mưu, đề xuất hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hệ sinh thái trong lĩnh vực Fintech nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Fintech tại Việt Nam phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng của Chính phủ.
Tại Diễn đàn, ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó TGĐ VietinBank cho rằng, dù đã có những phát triển vượt bậc trong việc hỗ trợ thanh toán nhanh, góp phần thúc đẩy lộ trình thanh toán không dùng tiền mặt nhưng thanh toán qua Mobile Banking hiện chưa thực sự phổ biến tới người dân. Ngoài tokenization, VietinBank hiện cũng triển khai mobile payment thông qua QR code (thanh toán bằng mã vạch).
Theo ông Lân, tại Việt Nam tiềm năng thanh toán qua QR code cũng là rất lớn khi dân số trẻ, thích ứng nhanh với công nghệ và đặc biệt quá nửa dân số Việt Nam đang sử dụng smartphone. Từ đầu năm 2017 tới hết tháng 9/2017, thanh toán qua QR code tăng trưởng 120%, số lượng các điểm giao dịch chấp nhận thanh toán QR code tăng lên tới gần 5.000 điểm. Dự báo đến hết năm 2018 số lượng này là 50.000 điểm và hiện đã có tới 12 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR code.
"Hiện vẫn có sự manh mún trong phát triển QR code tại Việt Nam", ông nhận xét.
Về vấn đề này, ông Đào Minh Tuấn - Phó TGĐ Vietcombank nhìn nhận, tâm lý khách hàng hiện vẫn quen "giao hàng dùng tiền mặt". Việc ngân hàng thu phí thời gian qua cũng tạo tâm lý, cản trở khách hàng chuyển sang thanh toán mobile payment.
"Cơ bản khách hàng ủng hộ sử dụng, nhưng trong vài trường hợp chúng tôi cũng gặp khó khăn trong phát triển dịch vụ này. Chúng tôi mong Chính phủ, các Bộ, ngành sẽ có những giải pháp về chính sách giúp dịch vụ này phát triển nhanh, tiện lợi ở Việt Nam", ông Tuấn kỳ vọng.
Chia sẻ điều này, ông Trần Công Quỳnh Lân bổ sung, để phát triển thanh toán ngân hàng không thể đứng một mình, mà cần có hệ sinh thái kết nối giữa ngân hàng với các đơn vị cung cấp dịch vụ: du lịch, y tế, viễn thông... như Lazada, Adayroi...
"Thanh toán cần lồng ghép vào nhu cầu này như hành động cuối cùng. Chúng tôi muốn kết hợp với các đơn vị cung cấp dịch vụ để phát triển dịch vụ thanh toán", ông Lân nói.
Ông Trần Công Quỳnh Lân – Phó TGĐ VietinBank tại Diễn đàn. (Nguồn: vnepxress.vn) |
Phó TGĐ VietinBank cũng cho rằng, để QR Pay thực sự phát triển và trở thành kênh thanh toán tiện dụng tại Việt Nam, thay thế thanh toán bằng tiền mặt, trước tiên cần sớm nghiên cứu và đưa ra một tiêu chuẩn thống nhất về định dạng QR code trong thanh toán di động cho thị trường Việt Nam.
“Đây là tiền đề đầu tiên, đặt nền móng cho việc thực hiện thanh toán liên thông trong toàn thị trường. Tránh việc mỗi một hoặc một nhóm các Ngân hàng, tổ chức/trung gian thanh toán phát hành một định dạng QR code riêng, gây khó khăn cho người mua và người bán”, ông Trần Công Quỳnh Lân nói.
Bên cạnh đó, cần có các chương trình hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp áp dụng phương thức thanh toán QR code.
Đại diện Vietinbank cũng khuyến cáo, người dân cần chuyển dịch thói quen tiêu dùng bằng tiền mặt sang phương thức thanh toán mới tiện dụng hơn bởi việc dùng thanh toán di động tiện lợi, bảo mật hơn nhiều so với dùng tiền mặt./.
Hà Giang