• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngành Nông nghiệp Thủ đô luôn khẳng định được vai trò quan trọng

Kinh tế 12/05/2023 15:07

(Tổ Quốc) - Trong giai đoạn 2012-2021, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành 9 nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để cụ thể hóa một số nội dung hỗ trợ của Trung ương. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách chậm trễ, chưa kịp thời, vì vậy chưa có nhiều kết quả rõ nét và chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô...

Ngành Nông nghiệp Thủ đô luôn khẳng định được vai trò quan trọng - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên chất vấn.

Phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sinh thái

Theo báo cáo, Hà Nội có 58,9% diện tích đất nông nghiệp, nông thôn gắn với các vùng “xanh”. Trong các quy hoạch lớn của Thủ đô đang được triển khai đều xác định trọng tâm, trọng điểm đầu tư, phát triển ngành Nông nghiệp theo hướng sinh thái, xây dựng nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Trong giai đoạn 2012-2021, HĐND thành phố đã ban hành 9 nghị quyết về các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn để cụ thể hóa một số nội dung hỗ trợ của trung ương giao cấp tỉnh quy định chi tiết và quy định một số cơ chế hỗ trợ đặc thù của Thủ đô trong phát triển nông nghiệp.

Các chính sách khuyến khích, hỗ trợ của trung ương và thành phố Hà Nội cho phát triển nông nghiệp chủ yếu tập trung vào các nội dung: Tư vấn, hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý; hỗ trợ xây dựng hạ tầng vùng sản xuất, dự án sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ trực tiếp cho một số khâu trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (chi phí cho máy móc thiết bị, giống, phòng chống dịch bệnh, chi phí giết mổ gia súc, gia cầm tập trung…); hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ phát triển thị trường và liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Với việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của trung ương và thành phố đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội trung bình trong giai đoạn 2016-2020 đạt 2,53%; từ năm 2021-2022 đạt trên 3%, trước mắt bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 2,5-3%/năm trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Đến nay, thành phố có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (100% số xã) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Việc khai thác kinh tế, dịch vụ, cảnh quan môi trường từ rừng còn nhiều hạn chế

Toàn thành phố có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 2.167 sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, đứng đầu cả nước; hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp được quan tâm, dần đi vào hiệu quả…

Sở NN&PTNT Hà Nội đang triển khai 11 quy hoạch chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Quy hoạch hệ thống giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm; Quy hoạch phát triển chăn nuôi; Quy hoạch thủy sản; Quy hoạch phát triển sản xuất lúa... Tuy nhiên, theo khảo sát của HĐND thành phố Hà Nội, do tốc độ đô thị hóa nhanh nên phần lớn các quy hoạch này đều đã bị biến đổi, điều chỉnh, chồng lấn, có quy hoạch chưa thực hiện được.

Năm 2012, Hà Nội phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở giết mổ và chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố đến năm 2020 với mục tiêu đạt 85-90% nhu cầu giết mổ trên địa bàn, bảo đảm lượng thịt gia súc, gia cầm được giết mổ, bảo quản, chế biến tại các cơ sở giết mổ, chế biến tập trung công nghiệp đạt 60-65% vào năm 2020; tiến tới chấm dứt hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ.

Tuy nhiên, quy hoạch này đã được điều chỉnh 3 lần vào các năm 2013, 2014, 2017 nhưng đến năm 2020, vẫn không thể hoàn thành chỉ tiêu. Toàn bộ các quyết định trên được thay thế bằng Quyết định 761/QĐ-UBND ngày 17-2-2020 của UBND thành phố về phê duyệt “Mạng lưới giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố” với 29 cơ sở. Tuy nhiên, đến nay mới có 11/29 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung đang hoạt động, đạt 37,93% theo quy hoạch. Còn lại 18/29 cơ sở chưa được đầu tư xây dựng hoặc chưa có nhà đầu tư.

Trong khi đó, nhiều cơ sở giết mổ công nghiệp, bán công nghiệp, thủ công tập trung đa số hoạt động chưa hết công suất. Đơn cử, cơ sở giết mổ Vinh Anh (huyện Thường Tín) đầu tư dây chuyền giết mổ hiện đại nhưng chỉ hoạt động được 15-30% công suất thiết kế; cơ sở Foodex (huyện Đan Phượng) phải tạm ngừng hoạt động giết mổ; cơ sở giết mổ Minh Hiền (huyện Thanh Oai) phải chuyển sang giết mổ bán công nghiệp để duy trì hoạt động.

Không chỉ có quy hoạch trong giết mổ, thành phố cũng đã ban hành danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố, song cũng còn nhiều bất cập. Chẳng hạn như huyện Gia Lâm được quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả, trồng ổi tại xã Đông Dư và trồng cam tại xã Kiêu Kỵ, nhưng đến nay đã có nhiều thay đổi, cần điều chỉnh, cập nhật, bổ sung nhằm phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và bảo đảm phù hợp tình hình thực tiễn về phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố. 

Tại xã Kim Sơn cũng của huyện Gia Lâm, hiện nay có tới 243 ha trồng cây ăn quả, nhưng toàn bộ khu đất bãi trồng chuối này lại chưa được cập nhật vào danh mục các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Vì thế, người dân sản xuất tại khu vực này không được hưởng các chính sách hỗ trợ của thành phố...

Ngoài ra, trong lĩnh vực lâm nghiệp, việc khai thác kinh tế, dịch vụ, cảnh quan môi trường từ rừng còn nhiều hạn chế, như: Thiếu những quy hoạch, định hướng rõ ràng về tầm nhìn phát triển rừng... Đối với quy hoạch đê điều, thủy lợi, hiện chưa được trung ương phê duyệt gây ảnh hưởng lớn đến công tác quản lý của thành phố. '

Ngành Nông nghiệp Thủ đô luôn khẳng định được vai trò quan trọng

Tại phiên chất vấn diễn ra sáng 12/5 về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đánh giá, việc tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp Hà Nội của trung ương và thành phố còn chậm trễ, một số nội dung chưa triển khai.

Qua khảo sát, HĐND thành phố phát hiện, thành phố chưa có hướng dẫn triển khai nông nghiệp sinh thái kết hợp trải nghiệm. Đây lại là xu hướng được thị trường rất ưa chuộng hiện nay. 

Nguyên nhân của việc chậm trễ trên là do công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, người dân tiếp cận chính sách còn hạn chế. Nhiều quy định liên quan đến phương thức tổ chức triển khai, thủ tục hành chính để tiếp cận chính sách còn rườm rà nên các đối tượng thụ hưởng không muốn tham gia. Việc thực hiện các thủ tục vay vốn, thế chấp tài sản để đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trong thực tế vẫn rất khó khăn.

Trong khi đó, việc phát triển mô hình liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội vẫn còn vướng mắc. Cụ thể là trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định 98 năm 2018 của Chính phủ, thì có 46 liên kết theo hình thức “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy kiểu liên kết này không bền vững, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ.

Cụ thể là lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường; lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Từ năm 2020 đến cuối 2021, đã có 13 liên kết bị ngừng hoạt động đều rơi vào hình thức liên kết này…

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà cho biết, ngành Nông nghiệp Thủ đô luôn khẳng định được vai trò quan trọng, vừa tăng cường nguồn nông sản cho thị trường, bảo đảm ổn định giá cả, vừa thúc đẩy sản xuất, duy trì tăng trưởng, đóng góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế Thủ đô. 

Tuy nhiên cần sớm hoàn thiện quy hoạch; xây dựng được các vùng, sản phẩm chủ lực cùng với những chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn rất cần được thực hiện kịp thời, bài bản, hiệu quả hơn, để có những bước đột phá trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Các cơ chế, chính sách cần hướng về cơ sở, hướng về người dân, đi vào thực tiễn, hướng tới gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ