(Tổ Quốc) - Hiện nay, ngành TDTT đang quản lý một lượng hồ sơ giấy tờ lớn gây khó khăn trong công tác bảo quản, lưu trữ cũng như khai thác. Để thuận tiện cho công tác quản lý, tất cả những hồ sơ này cần được số hoá một cách hệ thống, đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật.
- 02.10.2024 Đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành VHTTDL, đóng góp tích cực vào quá trình chuyển đổi số quốc gia
- 01.10.2024 Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương: Dữ liệu đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất
- 01.10.2024 Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình
Trong thời gian qua Ngành TDTT đã ưu tiên đầu tư triển khai xây dựng, phát triển và ứng dụng CNTT trong công tác quản lý huấn luyện, đào tạo VĐV các đội tuyển. Hệ thống này bao gồm các thành phần cơ bản: Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp thi đấu thể thao; hệ thống thông tin quản lý đào tạo VĐV; hệ thống thông tin, CSDL hồ sơ VĐV các đội tuyển.
Ngoài ra còn các hệ thống thông tin, các ứng dụng phục vụ công tác quản lý hành chính nhà nước khác như: Hệ thống CSDL về TDTT quần chúng, hệ thống thông tin, CSDL về quản lý hồ sơ nhân sự, CSDL về tài chính…
Các hệ thống thông tin, CSDL trên được tích hợp tạo ra một hệ thống thông tin, CSDL chung phục vụ cho việc hỗ trợ công tác tổ chức, quản lý đào tạo và huấn luyện VĐV các đội tuyển. Hệ thống này được xây dựng, triển khai trên phạm vi toàn quốc nhằm phục vụ cho công tác tra cứu, tổng hợp thống kê trên phạm vi rộng về tất cả các thông tin trong đó, gồm: cơ sở dữ liệu VĐV trên toàn quốc, cơ sở dữ liệu thành tích thi đấu thể thao, cơ sở dữ liệu về phương pháp, chương trình, kế hoạch huấn luyện.
Theo ông Lý Đức Thùy, Giám đốc Trung tâm Thông tin Truyền thông TDTT (Cục TDTT), các hệ thống thông tin quản lý, điều hành tác nghiệp được xây dựng nhằm hỗ trợ cho quá trình tương tác giữa VĐV, HLV và nhà quản lý trong quá trình huấn luyện. Các hệ thống này có phạm vi diện rộng tại các đơn vị và cơ sở huấn luyện phục vụ trực tiếp cho quá trình huấn luyện và tổ chức huấn luyện.
"Ngoài ra, các thông tin, CSDL trong quá trình đào tạo, huấn luyện VĐV sẽ còn phục vụ cho công tác tuyển chọn VĐV, quản lý huấn luyện theo từng giai đoạn, hỗ trợ kiểm tra, đánh giá kết quả… Các đối tượng như HLV, VĐV, cán bộ quản lý có thể tổng hợp và xử lý các thông tin liên quan trong hệ thống dữ liệu này với nhiều mục đích: tìm hiểu về VĐV, thành tích VĐV, lập báo cáo, thống kê tổng hợp… từ đó giúp các nhà quản lý có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng và chính xác" - Ông Lý Đức Thùy nói.
Với nền tảng là hệ thống Khung cơ sở dữ liệu đã được xây dựng từ tháng 01/2005, cho đến nay, ngành TDTT đã triển khai được một số hệ thống cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý và hệ thống thông tin tác nghiệp cơ bản phục vụ cho công tác quản lý hành chính nhà nước của ngành như: Hệ thống thư tín điện tử công vụ nội bộ của ngành; Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp thi đấu thể thao; Hệ thống CSDL hồ sơ VĐV, HLV đội tuyển các môn thể thao trên phạm vi toàn quốc; Hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp chuyên môn nghiệp vụ; Hệ thống thông tin quản lý huấn luyện VĐV các đội tuyển; Hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước; Hệ thống CSDL văn bản quy phạm pháp luật...
Chua khai thác triệt để các lợi thế
Theo ông Lý Đức Thùy, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại để xây dựng thư viện số thực hiện đáp ứng các yêu cầu quản lý các tài liệu số hóa sau khi được tạo lập có thể truy cập, tìm kiếm và sử dụng dễ dàng trên một giao diện đồng nhất; có đủ độ tin cậy cho người quản trị để bảo quản và cung cấp dữ liệu; đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuẩn nghiệp vụ thông tin – thư viện; dễ dàng trao đổi dữ liệu với các chuẩn khác, có công cụ sao lưu; bảo đảm an ninh an toàn dữ liệu.
Tuy nhiên, việc khai thác hệ thống CSDL hiện có (gồm cả văn bản quy phạm pháp luật, VĐV, thành tích thi đấu) còn hạn chế, thậm chí không mang lại hiệu quả do vừa thừa lại vừa thiếu, không có tính thống kê, phân loại qua từng năm.
Hệ thống CSDL thành tích thi đấu và VĐV tạm coi là có số lượng nhiều nhất, nhưng lại không được chuẩn hóa và cập nhật đầy đủ do nhiều nguyên nhân, nên gần như không thể khai thác. Ngoài ra, các hệ thống cơ sở dữ liệu khác (trên Website thể thao cho mọi người) thì chưa được đầu tư xây dựng một cách đúng mức. Hầu hết các dữ liệu này đều phân tán và chưa được quy hoạch.
"Về cơ bản hệ thống CSDL của Trung tâm Thông tin – Truyền thông Thể dục thể thao hiện có mới chỉ dừng ở mức độ thu thập, cập nhật một cách bị động mà chưa có định hướng phát triển rõ ràng, chưa có kế hoạch hay lộ trình cụ thể cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu dẫn đến hiệu quả công tác sử dụng, khai thác CSDL còn rất hạn chế" - Ông Lý Đức Thùy nhận định.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Thực trạng trên cho thấy hiện ngành TDTT vẫn chưa có "lời giải triệt để" cho bài toán chuyển đổi số của ngành. Theo ông Lý Đức Thùy, trong giai đoạn 5 năm tới đây, ngành TDTT cần đặt ra các mục tiêu bám sát với chỉ đạo để đẩy mạnh hơn việc ứng dụng công nghệ thông tin.
"Mục tiêu từ nay tới 2030 cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý VĐV nói riêng. Trước mắt, trong năm 2025 cần thực hiện xây dựng thành công hệ thống thông tin quản lý VĐV là mũi nhọn đột phá của đề án chuyển đổi số theo đúng tinh thần chỉ đạo Chỉ thị số 34/CT-VPCP ngày 16/9/2024 của Chính phủ về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương" - Ông Lý Đức Thùy nói.
Trong thời gian từ nay tới 2030, cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống CSDL VĐV thể thao theo quy chuẩn thống nhất trong toàn ngành TDTT theo hướng tích hợp CSDL VĐV với CSDL dân cư Việt Nam.
Các hệ thống thông tin quản lý, điều hành, tác nghiệp trong các lĩnh vực Thể dục thể thao cần có sự kết nối, đồng thời tích hợp các hệ thống thông tin điều hành thi đấu thể thao, hệ thống thông tin quản lý điều hành tác nghiệp với hệ thống CSDL VĐV nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý.
Đối với hệ thống thông tin quản lý và thông tin tác nghiệp của ngành, cần hoàn chỉnh, nâng cấp và tích hợp với khung cơ sở dữ liệu của ngành cùng các phần mềm ứng dụng hiện có.
"Bên cạnh đó, ngành TDTT cũng cần xây dựng ngân hàng dữ liệu trung tâm phục vụ cho việc tích hợp và quản lý các dữ liệu quản lý nhà nước và chuyên ngành. Việc điều chỉnh xây dựng mới các cơ sở dữ liệu thành phần phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, tiêu chuẩn về cấu trúc mô hình của Chính phủ và Khung cơ sở dữ liệu ngành đã được xây dựng" - Ông Lý Đức Thùy nhận định.