(Tổ Quốc) - Olympic Paris 2024 được đánh giá là đấu trường thể thao lớn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành TDTT trong năm 2024.
Năm 2024, một số đội tuyển thể thao Việt Nam sẽ tiếp tục tham dự các giải đấu giành vé đến Olympic Paris 2024. Ở thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam đang có 3 suất tham dự Thế vận hội là: Nguyễn Huy Hoàng (Bơi), Nguyễn Thị Thật (Xe đạp) và Trịnh Thu Vinh (Bắn súng).
Hướng tới mục tiêu đặt ra là giành 15 suất tham dự Olympic, hai phòng thể thao thành tích cao 1 và thể thao thành tích cao 2 đang tích cực chỉ đạo các bộ môn, phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm.
Trong đó, hai phòng sẽ tập trung tối đa cho công tác rà soát, kiểm tra, giám sát công tác huấn luyện, chế độ dinh dưỡng, phục hồi của từng VĐV, từng bộ môn nhằm nắm được chính xác, cụ thể về điểm mạnh, điểm yếu, những vấn đề liên quan đến tập luyện, dinh dưỡng và điều trị chấn thương... Tất cả sẽ được cập nhật kịp thời, theo từng ngày, từng tuần. Từ đó, hình thành cơ sở để lãnh đạo Cục, giới chuyên môn đưa ra các giải pháp giải quyết phù hợp nhất.
Hiện, ngành TDTT đang trình phê duyệt việc tăng chế độ chính sách dành cho những VĐV trọng điểm – làm nhiệm vụ thi đấu, giành vé Olympic 2024.
Ông Hoàng Quốc Vinh, Trưởng phòng thể thao thành tích cao 1 nhận định, nếu việc tăng chế độ, chính sách dành cho những VĐV trọng điểm được phê duyệt, vấn đề dinh dưỡng sẽ được nâng cao, góp phần giúp đẩy mạnh hơn nữa về công tác chăm sóc thể lực, sức khỏe cho VĐV trọng điểm. Ngoài ra, các VĐV giành vé Olympic cũng cần được ưu tiên đặc thù về trang thiết bị, dụng cụ tập luyện, cơ chế phục hồi thể lực, HLV, chuyên gia riêng...
"Đây là sự vào cuộc sâu sát, quyết liệt và dám đầu tư mạnh tay của ngành TDTT đối với những môn thể thao trọng điểm trong hành trình từng bước cải tổ lại nền thể thao nước nhà; đồng thời cũng thực hiện mục tiêu giành nhiều hơn những tấm vé đến Olympic Paris 2024" - ông Hoàng Quốc Vinh nói.
Còn theo Trưởng phòng thể thao thành tích cao 2 Ngô Ích Quân, về bản chất hoạt động thể thao thành tích cao sẽ phải thay đổi và điều chỉnh rất nhiều để có được những yếu tố tốt nhất phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn là Olympic 2024 và xa hơn là các đấu trường thể thao quốc tế lớn như ASIAD 20, SEA Games 33...
Trong đó bao gồm các yếu tố từ tiêu chí, tiêu chuẩn đối với công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ từ cấp cơ sở đến cấp độ đội tuyển quốc gia. Trong đó, công tác tuyển chọn, đào tạo cần phải có sự đồng nhất, chuẩn hóa trong các phương pháp huấn luyện để đảm bảo không lãng phí tài năng, công sức đào tạo cũng như phát huy được hết khả năng trình độ chuyên môn của VĐV.
Cũng theo ông Quân, hiện các Trung tâm HLTTQG đang bám sát theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Cục TDTT, gấp rút hoàn tất việc quy hoạch, tổ chức sắp xếp thêm các phòng tập thể lực với dụng cụ, trang thiết bị tập luyện hiện đại, đạt chuẩn. Với điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất, VĐV có thể phát huy được tối đa trình độ chuyên môn của mình.
Olympic Paris 2024 được đánh giá là đấu trường thể thao lớn, là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành TDTT trong năm 2024. Xác định nhiệm vụ quan trọng, ngành TDTT đang dồn toàn lực, tạo mọi điều kiện tốt nhất trên mọi phương diện lấy VĐV làm trọng tâm để đầu tư trọng điểm.
Mới đây, của Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt đã đề nghị các Trung tâm HLTTQG cần cân đối, vận dụng nguồn kinh phí tốt nhất để mua sắm, cung cấp đủ trang thiết bị tập luyện, phục hồi chức năng cho VĐV trong quá trình tập luyện.
Đặc biệt, Cục trưởng Đặng Hà Việt lưu ý các Trung tâm phân tách khu ăn, tập riêng với nhóm VĐV trọng điểm, đồng thời ưu tiên tăng cường đội ngũ y, bác sĩ thường xuyên hỗ trợ, chăm sóc VĐV trước, trong và sau khi tập luyện, thi đấu.