(Tổ Quốc) - Sáng nay, 30/10, tại buổi chất vấn đầu tiên của Quốc hội, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã trình bày Báo cáo tóm tắt tổng hợp việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
- 30.10.2018 Trực tiếp chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 6: Chất vấn tất cả các thành viên Chính phủ
- 29.10.2018 Chất vấn Kỳ họp thứ 6: Hỏi – đáp ngay thể hiện sự sắc sảo, nắm vững việc của tư lệnh ngành
- 27.10.2018 Tùy vào diễn biến phiên chất vấn, các Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan sẽ trả lời trực tiếp
- 18.10.2018 Họp báo Quốc hội: Lấy phiếu tín nhiệm trước hoạt động chất vấn
Chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức lối sống, nhân cách
Trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, Phó Thủ tướng cho hay, việc thực hiện các giải pháp về xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo triển khai sâu rộng ở cơ sở, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đã ban hành và triển khai thực hiện thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với những nguyên tắc chung.
Chú trọng nêu gương người tốt, việc tốt, giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức tôn trọng pháp luật, tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức, lối sống, xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học với mục tiêu tác động tích cực, nâng cao ý thức trách nhiệm thanh niên, trách nhiệm công dân, kết hợp công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày báo cáo. Ảnh: Nam Nguyễn
Ngoài ra, Chính phủ cũng tập trung thực hiện quy hoạch tổng thể, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, chú trọng các thiết chế tại các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Về đổi mới cơ chế, chính sách, phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, dự kiến tháng 11 năm 2018 sẽ trình Ban Bí thư dự thảo Chỉ thị "Nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao"…
Trong định hướng phát triển du lịch tại các Quy hoạch, Đề án của ngành văn hóa, thể thao và du lịch luôn xác định việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa là cần thiết để góp phần tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo đặc thù hấp dẫn khách du lịch nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý thức tự hào và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, về tính cố kết cộng đồng, đồng thời ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền của các di sản văn hóa. Chính phủ cũng tổ chức một hội nghị về vấn đề này.
Công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, ý thức tự hào và tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, về tính cố kết cộng đồng, đồng thời ngăn chặn nguy cơ mai một, thất truyền của các di sản văn hóa, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Mở các lớp tập huấn, truyền dạy văn hóa phi vật thể cho cán bộ, đồng bào các dân tộc thiểu số…
Biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm
Về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, vì vậy, việc tổ chức lễ hội đã tuân thủ nghiêm các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Các biểu hiện thương mại hóa lễ hội, lợi dụng lễ hội để trục lợi đã giảm.
Đối với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Tổ chức các cuộc thi, liên hoan nghệ thuật truyền thống không chỉ để bảo tồn và phát huy các giá trị, tinh hoa của nghệ thuật truyền thống dân tộc mà còn tạo ra một sân chơi lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển của nghệ thuật truyền thống và tình yêu nghệ thuật đối với các nghệ sĩ, diễn viên.
"Các vi phạm đã được chấn chỉnh và xử lý kịp thời; các cá nhân, tổ chức đều nghiêm túc thực hiện và khắc phục những vi phạm"- Báo cáo của Chính phủ nêu.
Liên quan tới việc rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn, Thủ tướng đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về nghệ thuật biểu diễn để thay thế Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP, tập trung sửa đổi, thay thế những nội dung phát sinh vướng mắc, không còn phù hợp với thực tiễn.
Công tác cán bộ, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, tiếp nhận và điều động cán bộ đã được quan tâm chỉ đạo, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa nghệ thuật.
Khách quốc tế hàng năm tới Việt Nam tăng trưởng từ 25-30%
Về lĩnh vực du lịch, báo cáo cho hay, sau khi Luật Du lịch năm 2017 được Quốc hội thông qua, Chính phủ đã tập trung xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật, ngày 31 tháng 12 năm 2017, đã ban hành Nghị định số 168/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển du lịch luôn được bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Luật Du lịch và pháp luật liên quan, quá trình xây dựng dự thảo Đồ án quy hoạch được lấy ý kiến rộng rãi của các Bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Trên cơ sở Chiến lược và các quy hoạch đã được phê duyệt, ngành Du lịch đã tập trung khai thác, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dựa trên 4 sản phẩm chủ đạo mà Việt Nam có nhiều tiềm năng, thế mạnh (Du lịch văn hóa, di sản; Du lịch sinh thái; Du lịch nghỉ dưỡng biển và Du lịch đô thị).
Việc đầu tư phát triển sản phẩm, phát triển hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật theo định hướng tập trung, đồng bộ, góp phần hình thành rõ nét các vùng động lực phát triển của du lịch Việt Nam gồm: Hà Nội - Quảng Ninh - Hải Phòng; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Khánh Hòa - Lâm Đồng; Bình Thuận - Bà Rịa, Vũng Tàu - Thành phố Hồ Chí Minh; Long An - Tiền Giang - Cần Thơ - Kiên Giang.
"Việc liên kết hỗ trợ phát triển giữa các địa phương đã được quan tâm hơn, triển khai đồng bộ và thiết thực hơn; góp phần tạo hiệu ứng lan tỏa đối với các địa phương lân cận. Hiện khách quốc tế tới Việt Nam hàng năm tăng từ 25-30%"- Phó Thủ tướng nêu./.