• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghề làm hương đen xứ Bắc

Văn hoá 10/04/2023 14:13

(Tổ Quốc) - Từ xa xưa, làng Chóa (thôn Lạc Trung, xã Dũng Liệt, huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được nhiều người biết đến nhờ có nghề thủ công nổi tiếng là làm hương đen. Với sản phẩm được làm bằng hương liệu tự nhiên, người dân nơi đây không chỉ coi nghề làm hương là nghiệp làm ăn, mà còn coi đây là tình yêu và nét đẹp của một làng nghề văn hóa lâu đời.​

Trước đây, hương đen thông thường là loại hương được thắp trong dịp Tết Nguyên đán, nhưng hiện nay hương đen được nhiều người tin dùng và sử dụng quanh năm. Sản phẩm hương không thể thiếu trong đời sống, sinh hoạt hằng ngày của mỗi gia đình và trong văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Bởi vậy sản phẩm hương đen truyền thống của người làng Chóa vẫn tồn tại với thời gian, giữ được sự tinh túy, thanh khiết.

Nghề làm hương đen xứ Bắc - Ảnh 1.

Bà Ngô Thị Bẩy (ở giữa) thực hiện làm hương đen

Bước đi vào giữa làng Choá, người ta có thể ngửi thấy mùi nhựa trám thoang thoảng đó đây từ những nhà làm nghề. Khi được hỏi nghề làm hương đen có từ bao giờ, bà Ngô Thị Bẩy cho biết: "Nghề làm hương ở làng Chóa có từ rất lâu đời rồi, không ai có thể nhớ chính xác được, không ai biết tổ nghề làm hương là ai, chỉ biết nó là cái nghề cha truyền con nối trong làng".

"Tôi cũng vậy, từ khi tôi còn nhỏ đã được tiếp xúc với nghề làm hương, nhưng sau khi đi bộ đội về tôi lấy chồng và bén duyên với nghề làm hương này cũng được hơn 40 năm rồi"- bà Bẩy cho biết.

Để tạo ra những cây hương hoàn chỉnh chất lượng cần phải trải qua rất nhiều công đoạn. Bà Bẩy chia sẻ: "Làm hương đen tuy không đòi hỏi quá nhiều sức lực, nhưng lại khá cầu kỳ, nhiều công đoạn, lại cần có không gian để phơi khô nguyên liệu và thành phẩm. Đặc biệt, nguyên liệu phải cẩn thận, kĩ càng và sử dụng hoàn toàn bằng các nguyên liệu tự nhiên như: nhựa trám, than hoa, cây nứa, cật tre… Trong đó, nhựa trám phải được lấy từ Cao Bằng, than hoa không được bị bẩn hay lẫn tạp chất. Hơn nữa, nứa phải được ngâm khoảng 3 tháng rồi mới được vót thành que hương và đem phơi khô dưới nắng".

Nghề làm hương đen xứ Bắc - Ảnh 2.

Que hương được người dân đem phơi khô dưới nắng

Tiếp đến, khâu trộn nguyên liệu cũng không kém phần quan trọng, công đoạn này quyết định một phần lớn việc tạo nên hương thơm khác biệt cho loại hương đen đặc trưng của làng Chóa. Theo đó, nhựa trám được đun sôi trộn cùng với than hoa, se với cốt hương bằng tre nứa, giúp hương khi thắp lên có mùi thơm đậm đà hơn. Sau đó cho hỗn hợp nhựa trám với than hoa vào máy nghiền tạo độ mịn dẻo, gọi là "nến"".

Nghề làm hương đen xứ Bắc - Ảnh 3.

Hỗn hợp nhựa trám với than hoa sau khi cho vào máy nghiền tạo độ mịn dẻo, còn được gọi là "nến

Se hương là khâu cuối cùng. Đây là công đoạn đòi hỏi người thợ phải kiên trì và tỉ mỉ. Nếu như trước đây, làm theo cách thủ công se tay thì người dân sẽ kéo thành miếng mỏng dài, cắt nhỏ để se vào từng que hương. Nếu không tự trộn bột hương mà mua "nến" làm sẵn, các hộ sản xuất sẽ phải đem hấp cách thủy cho khối nguyên liệu mềm lại mới se được. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều gia đình đã đầu tư một số máy móc giúp hoạt động sản xuất dễ dàng hơn nhưng không làm thay đổi chất lượng của hương, đồng thời giúp người làm tăng năng suất, thêm thu nhập.

Là người làm hương lâu năm và tiên phong trong việc ứng dụng máy móc vào sản xuất hương, bà Bẩy cho biết: "Từ năm 2005, chồng và con tôi đã chế tạo được ra máy móc làm hương nên công việc đỡ vất vả hơn, đồng thời năng suất được cao hơn, nhưng nhiều người vẫn ưa chuộng hương được se bằng tay, không chỉ bởi mùi hương mà còn vì que hương xe tay thể hiện cho những giá trị truyền thống".

Nghề làm hương đen xứ Bắc - Ảnh 4.

Sau khi làm được cây hương hoàn chỉnh, người dân sẽ đem đi phơi khô

Bên cạnh những người dân chuyển sang làm hương đen theo hướng công nghiệp vừa cho sản lượng cao, mẫu mã lại đa dạng thì đâu đó vẫn còn có những người cố níu giữ lại truyền thống của cha ông. Là người duy trì nghề se hương truyền thống, bà Hải Văn (48 tuổi) chia sẻ: "Hiện nay, gia đình tôi vẫn quyết gắn bó với nghề se hương bằng tay, bởi vì nguyên liệu để se hương luôn phải mềm dẻo, mới mang lại độ mịn, đàn hồi. Đặc biệt, hương được làm từ máy công nghiệp khâu bảo quản không được cao hơn so với việc se bằng tay vì 2 độ kết hợp nguyên liệu se khác nhau, hương se tay có thể giữ được cả năm trời và mùi hương cũng sẽ thơm tự nhiên hơn nhiều. Chính vì thế, không chỉ gia đình tôi, mà nhiều hộ sản xuất ở đây vẫn giữ cách làm truyền thống".

Hơn thế nữa, điều làm nên nét đặc trưng riêng biệt của hương đen làng Chóa chính là hương thơm khi đốt lên. Mùi thơm của hương đen khi đốt lên có mùi thơm đặc trưng của nhựa trám, khói rất nhiều nhưng không cay mắt, đen nhà. "Hương đen xếp trong nhà khoảng 7-10 ngày thì có thể sử dụng được. Điều đặc biệt là hương đen dù có bị thấm nước cũng vẫn cháy được" – bà Hải Văn cho biết thêm.

Nghề làm hương đen xứ Bắc - Ảnh 5.

Bà Hải Văn (48 tuổi) vẫn duy trì nghề se hương truyền thống bằng tay

Với người dân làng Chóa khi còn cảm nhận mùi trám phảng phất xung quanh thì mới cảm thấy bầu không khí của quê hương mình thân thương và quen thuộc, nhưng giờ đây chỉ còn một vài hộ gia đình còn gắn bó với nghề làm hương đen truyền thống. Bởi trào lưu người người, nhà nhà đi làm tại khu công nghiệp mong có thu nhập cao hơn. Chính vì vậy chỉ còn những người già ở trong làng vẫn miệt mài gắn bó với nghề hương đen truyền thống do ông cha để lại.

Trăn trở với người giữ nghề, bà Bẩy mong muốn: "Các bạn trẻ cố gắng học hỏi, hãy nghĩ đến cha ông, đến nghề truyền thống của quê hương để duy trì, bảo tồn và phát triển hơn nữa. Đưa hương đen truyền thống của làng Chóa đến với người dân ở khắp nơi mọi miền Tổ quốc và thậm chí xuất khẩu sang nước ngoài. Vì các bạn trẻ bây giờ tiếp xúc với nhiều thứ hiện đại, có tư duy sáng tạo tốt nên chắc chắn sẽ làm được nhiều điều lớn lao hơn thế hệ chúng tôi".

Nghề làm hương đen xứ Bắc - Ảnh 6.

Que hương xe tay thể hiện cho những giá trị truyền thống

Xưa kia chủ yếu là nghề trồng lúa nước, nghề làm hương đen chỉ là nghề phụ nhưng bây giờ, xã hội phát triển nhu cầu tiêu thụ của người dân ngày một tăng lên, từ một năm chỉ làm vài vụ, hiện giờ các hộ gia đình ở làng Chóa làm quanh năm mới đáp ứng đủ cho khách hàng, đặc biệt vào dịp cuối năm, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ càng tăng cao. Hương đen làng Chóa có 5 loại theo kích cỡ khác nhau: từ 30cm đến 1m2, giá thành giao động từ 25.000 – 300.000 nghìn đồng/100 cây. Thị trường tiêu thụ loại hương này nhiều nhất là Hà Nội, Hải Phòng, Tuyên Quang và các khu vực phía Nam…

Nghề làm hương không mang lại sự giàu có như nhiều nghề khác, nhưng người làng Chóa vẫn trân trọng và giữ nghề cho đến ngày nay bởi đó là một nghề mà cha ông họ đã tìm tòi, sáng tạo, gắn liền với đời sống tinh thần của con người./.

Thương Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ