• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ nhân Lê Thị Hà: Cần chắt lọc, gìn giữ giá trị đặc sắc của Đạo Mẫu

Văn hoá 10/10/2022 10:38

(Tổ Quốc) - Sinh ra trong gia đình giàu truyền thống thực hành tín ngưỡng, nghệ nhân Lê Thị Hà đã kế thừa giá trị đặc sắc của đạo Mẫu để không ngừng hoàn thiện và phát triển loại hình nghệ thuật này trong suốt hơn 20 năm qua.

Nghệ nhân Lê Thị Hà sinh ra và lớn lên ở Nam Định, nơi phát sinh, hội tụ, lan tỏa thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ/tứ phủ của người Việt, được UNESCO xét duyệt và ghi danh vào danh mục "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại". Toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến "Nghi lễ Chầu văn". Trong đó, quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn.

Nghệ nhân Lê Thị Hà: Cần chắt lọc, gìn giữ giá trị đặc sắc của Đạo Mẫu - Ảnh 1.

"Tín ngưỡng thờ Mẫu ngày nay chịu tác động nhiều của đời sống văn hoá, xã hội nên nghi thức hầu đồng cũng có nhiều biến đổi. Chúng ta tiếp nhận cái mới nhưng phải có chắt lọc, lựa chọn để không làm mất đi bản sắc vốn có"- nghệ nhân Lê Thị Hà

Sống trong cái nôi ấy, nghệ nhân Lê Thị Hà là một trong số ít gia đình với ba thế hệ có căn duyên đạo Mẫu, góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ, bảo tồn tín ngưỡng độc đáo này.

Chia sẻ với chúng tôi, nghệ nhân Lê Thị Hà cho biết: "Từ khi còn nhỏ, tôi đã được nghe những làn điệu hát chầu văn và nghi thức diễn xướng hầu đồng từ bà ngoại, mẹ và rất nhiều những nghệ nhân khác ở mảnh đất Nam Định. Ngày đó, tín ngưỡng thờ Mẫu chưa được công nhận rộng rãi như bây giờ, thậm chí có giai đoạn còn bị liệt kê vào diện "mê tín dị đoan" nên thực hành tín ngưỡng có phần hạn chế hơn. Dù có "căn đồng" từ nhỏ nhưng tôi lại không muốn theo nên nhiều lần "trốn đồng", "khất đồng". Mãi đến khi trưởng thành, biết không thể trốn được nữa, tôi mới ra trình đồng, trở thành thế hệ thứ 3 trong gia đình tiếp tục kế thừa và gìn giữ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu".

Nghệ nhân Lê Thị Hà cho biết, hiện nay, cùng với sự phát triển của đời sống văn hóa xã hội, quan niệm và nhìn nhận của ngành văn hóa cũng như người dân được nhìn nhận tích cực hơn, đưa giá trị của tín ngưỡng vào dòng chảy chung của văn hoá. Đặc biệt, kể từ khi tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ trở thành di sản thứ 11 của Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thì hầu đồng đường hoàng bước ra các sân khấu lớn, bên cạnh hoạt động diễn xướng trong không gian tâm linh, thờ tự.

Chia sẻ về loại hình nghệ thuật này, nghệ nhân Lê Thị Hà cho rằng diễn xướng chầu văn chính là nghệ thuật hiển Thánh với mục đích ca ngợi, kể lại công lao các nhân vật lịch sử hoặc những nhân vật mang quý danh tượng trưng như ông quan, bà chúa. Khi một nghệ nhân trình tấu giá đồng là do các vị thần linh hóa thân vào, người nghệ nhân phải có sự tín tâm và hiểu biết về cốt cách nhân vật lịch sử cũng như nắm vững các điệu thức chầu văn trên cả khía cạnh âm nhạc, lời văn.

Nghệ nhân Lê Thị Hà: Cần chắt lọc, gìn giữ giá trị đặc sắc của Đạo Mẫu - Ảnh 2.

Nghệ nhân Lê Thị Hà

"Tín ngưỡng thờ Mẫu là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về thần linh, được thần thánh hóa từ các nhân vật anh hùng có công với đất nước. Đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các hình thức trang trí, kiến trúc dân gian phong phú, hấp dẫn. Thông qua việc tôn vinh các bậc tiền nhân, người dân gửi gắm trong đó ước mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, vạn vật nảy nở sinh sôi. Ở góc độ tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu còn thể hiện nguyện vọng rất chân chính của con người là cầu mong sức khoẻ, bình an, công việc được thuận lợi, suôn sẻ", nghệ nhân Lê Thị Hà nói.

Trong suốt hơn 20 thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, nghệ nhân Lê Thị Hà luôn tâm niệm rằng vì được sinh ra trong cái nôi của đạo Mẫu, lại là "truyền nhân" đời thứ 3 trong gia đình giàu truyền thống tín ngưỡng nên bản thân chị luôn cố gắng, nỗ lực để xứng đáng với sự kế thừa này. Hiện chị đang đảm nhiệm vai trò Chi hội phó Chi hội bảo vệ di sản tín ngưỡng thờ Mẫu huyện Giao Thuỷ, Nam Định, đồng thời là thủ nhang Phúc Linh từ (xóm 11 xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định). Không chỉ góp phần trong việc gìn giữ giá trị di sản phi vật thể ở Nam Định, nghệ nhân Lê Thị Hà còn tham gia tích cực các chương trình vinh danh, liên hoan nghi lễ chầu văn tại các tỉnh thành trong cả nước. Rất nhiều bằng khen, bằng chứng nhận được trao nhằm ghi nhận những đóng góp không mệt mỏi của nghệ nhân Lê Thị Hà vì đã có công gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu dân gian.

Năm 2020, nghệ nhân Lê Thị Hà được Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam chứng nhận là nghệ nhân quốc gia, vì đã góp phần vào sự nghiệp phát triển của đạo Mẫu Việt Nam; Chương trình Thương hiệu tiêu biểu bền vững châu Á – Thái Bình Dương 2021 chứng nhận nghệ nhân Lê Thu Hà nằm trong top 10 nghệ nhân văn hóa cống hiến tiêu biểu vì sự phát triển châu Á – Thái Bình Dương; Bảng vàng lưu danh Nghệ nhân văn hóa tiêu biểu Đông Nam Á – Việt Nam do chương trình Vì một Việt Nam thịnh vượng và bền vững trao tặng năm 2021; Chương trình Cộng đồng ASEAN thịnh vượng và phát triển bền vững trao tặng nghệ nhân văn hóa tiêu biểu Việt Nam – ASEAN; Năm 2019 trao tặng bằng chứng nhận danh hiệu nghệ nhân văn hóa tâm linh dân tộc Việt Nam; Viện nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam tặng bảng vàng vinh danh thủ nhang tiêu biểu toàn quốc…và rất nhiều bằng khen, giấy khen khác của tỉnh Nam Định, các chương trình, tổ chức khác.

Năm 2019, nghệ nhân Lê Thị Hà đoạt giải A Liên hoan hát văn, hát chầu văn Hà Nam (do Cục Văn hóa cơ sở- Bộ VHTTDL, Sở VHTTDL Hà Nam -UBND tỉnh Hà Nam phối hợp tổ chức).

Với hơn 20 năm theo nghiệp đồng, nghệ nhân Lê Thị Hà không chỉ phụng sự tín ngưỡng mà còn kết nối đạo với đời, làm nhiều việc thiện ích cho cộng đồng.

Nhiều năm qua, nghệ nhân Lê Thị Hà thường xuyên làm thiện nguyện, khi thì đến trao quà cho đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt ở các tỉnh miền Trung, lúc hỗ trợ trẻ em, các gia đình gặp khó khăn trong cuộc sống; hay chăm lo đời sống cho các cụ cao niên… Với những đóng góp này, năm 2020 chị nhận bằng khen tại diễn đàn Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và tuyên dương thủ nhang, đồng đền tiêu biểu toàn quốc, nhà hoạt động xã hội tiêu biểu toàn quốc 2020 do Viện nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam tổ chức.

Nghệ nhân Lê Thị Hà: Cần chắt lọc, gìn giữ giá trị đặc sắc của Đạo Mẫu - Ảnh 3.

Nghệ nhân Lê Thị Hà

Nghệ nhân Lê Thị Hà cho biết: "Thông qua các chương trình từ thiện, điều tôi hướng đến không đơn thuần là tặng quà mà thông qua đó để nuôi dưỡng, lan tỏa cái thiện đến đông đảo mọi người. Một người làm việc thiện sẽ truyền cảm hứng cho nhiều người, làm cho xã hội ngày càng có nhiều hành động sẻ chia hơn".

Hiện nay, một trong những trăn trở, mong mỏi của thanh đồng Lê Thị Hà là làm sao để các thanh đồng trẻ tiếp cận và lĩnh hội được những kiến thức của nghi lễ hầu đồng. Dù đạo Mẫu không có giáo trình cụ thể nhưng mỗi thanh đồng cần phải có sự nghiên cứu, tìm tòi để tự chắt lọc trong quá trình thực hành nghi thức hầu đồng.

"Tín ngưỡng thờ Mẫu ngày nay chịu tác động nhiều của đời sống văn hoá, xã hội nên nghi thức hầu đồng cũng có nhiều biến đổi. Chúng ta tiếp nhận cái mới nhưng phải có chắt lọc, lựa chọn để không làm mất đi bản sắc vốn có", nghệ nhân Lê Thị Hà nói.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ