(Tổ Quốc) - Bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật (sau đây gọi tắt là Bộ Quy tắc) đã được Bộ VHTTDL ban hành gần 3 năm qua và thực tiễn đang chứng minh, Bộ Quy tắc góp phần ngăn chặn những người lấy danh nghệ sĩ làm điều sai trái, người nghệ sĩ phải tự khắt khe với bản thân vì nghệ sĩ chính là biểu tượng của cái đẹp. Bộ quy tắc là quy chuẩn mang tính nền tảng, như kim chỉ nam để người nghệ sĩ không vướng vào những điều ảnh hưởng đến lợi ích của quốc gia cũng như uy tín, thương hiệu nghệ thuật của bản thân.
Nghệ sĩ là người của công chúng, mỗi hành động, hình ảnh đời thường của họ cũng nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả đồng thời có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến cộng đồng. Người nghệ sĩ có hành động đẹp, lối sống tích cực sẽ là đại sứ lan tỏa những năng lượng tích cực đến cộng đồng và ngược lại. Bởi vậy, cùng với việc rèn luyện, trau dồi nghề nghiệp, trách nhiệm của người nghệ sĩ là nâng cao nhận thức, ý thức về văn hóa, lịch sử, tình yêu với đất nước để thực sự xứng đáng với tình cảm mà công chúng dành cho họ.
Năm 2021, Bộ VHTTDL đã ban hành bộ Quy tắc ứng xử của những người hoạt động nghệ thuật, theo đó, ngoài những quy tắc riêng trong hoạt động nghệ thuật thì quy tắc ứng xử chung được đặt ra là đặt lợi ích của dân tộc, quốc gia lên trên hết, trước hết, trọng danh dự, đề cao trách nhiệm công dân, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật; thượng tôn pháp luật... Đây là những quy tắc cơ bản, đầu tiên đối với mỗi công dân và càng là quy tắc đầu tiên mà mỗi người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cần đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, trên thực tế, dường như nhiều nghệ sĩ chưa nhận thức và ý thức về quy tắc cơ bản này. Gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp các nghệ sĩ vướng phải những sai sót không đáng có, gây bức xúc trong cộng đồng khán giả, đồng thời thể hiện sự cẩu thả, thiếu chuyên nghiệp trong ứng xử cũng như trong biên tập, thẩm định các sản phẩm của mình trước khi đưa đến công chúng.
Mạng xã hội đang "nóng" câu chuyện vợ chồng NSƯT Quốc Nghiệp- ca sĩ Ngọc Mai đang vui đùa cùng các con trong một căn phòng. Đáng nói, trên đầu giường kê trong căn phòng này có cắm hai lá cờ, một trong số này là cờ biểu tượng của chế độ Sài Gòn cũ. Đoạn video clip này ngay khi xuất hiện đã lập tức làm dậy sóng dư luận, nhất là sau đó, cộng đồng mạng lại "khai quật" được hình ảnh này còn xuất hiện trong nhiều khung hình hai nghệ sĩ tham gia các hoạt động. Có câu: "Sai một lần có thể cho là tai nạn, nhưng lặp lại lỗi sai đó lần nữa thì chính bạn đã lựa chọn". Khán giả có quyền hoài nghi và khó lòng tha thứ cho người nghệ sĩ.
Trong bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cũng quy định, nghệ sĩ phải gìn giữ danh hiệu, hình ảnh, sử dụng trang phục, hóa trang phù hợp với mục đích, nội dung hoạt động nghệ thuật, góp phần quảng bá văn hóa đất nước con người Việt Nam… Tuy nhiên, dường như các nghệ sĩ chưa "thuộc bài".
Đầu tháng 5, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng xuất hiện trên sân khấu với trang phục và phụ kiện "lạ" đã vấp phải ý kiến từ dư luận. Sau phản ánh của người dân và báo chí, Sở VHTT TP.HCM đã tổ chức buổi họp lấy ý kiến các cơ quan chuyên môn về vấn đề trên, căn cứ Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động biểu diễn.
Theo Sở VHTT TP.HCM: "Đại diện các cơ quan, đơn vị đã nhận định việc sử dụng trang phục cách điệu theo phong cách quân đội nước ngoài và các phụ kiện với hình tượng huân, huy chương của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng không phù hợp nội dung các tiết mục và tổng thể chương trình. Bộ trang phục này cũng không phù hợp với giá trị văn hóa Việt Nam, dễ liên tưởng đến các vấn đề nhạy cảm liên quan đến chính trị, gây phản cảm và đã tạo nên dư luận xấu...".
Được biết, Bộ VHTTDL đang yêu cầu Sở VHTT TP.HCM xác minh vụ việc của Quốc Nghiệp và Ngọc Mai. Đồng thời, Sở VHTT TP.HCM cũng sẽ đề xuất cấp thẩm quyền xử lý phù hợp đối với trường hợp ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng.
Gần đây, cũng xuất hiện một số ca sĩ thực hiện quay hình MV các ca khúc bolero gây chú ý khi diện trang phục "lạ" với bối cảnh quay hình có xe tăng, cảnh thời chiến... Trang phục là một thành tố trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn, việc sử dụng trang phục đúng mục đích, đúng hoàn cảnh trong không gian nghệ thuật sẽ mang lại cảm xúc cho khán giả, góp phần định hướng cảm thụ của người xem. Việc sử dụng trang phục không đúng, không phù hợp có thể đem lại sự phản cảm, thậm chí vi phạm các quy định về nghệ thuật biểu diễn.
Rõ ràng, vi phạm Quy tắc sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, những sai phạm của một bộ phận nghệ sĩ khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng, người nghệ sĩ chưa nâng cao nhận thức và ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình?
Nhìn sang một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, họ rất nghiêm khắc đối với các nghệ sĩ vi phạm đạo đức, không những cấm chiếu phim ảnh, các chương trình có hình ảnh nghệ sĩ đó, mà nhiều trường hợp còn cấm vĩnh viễn không được biểu diễn, không còn đường quay trở lại làm nghệ thuật. Trong hai năm 2021-2022, hàng chục nghệ sĩ trong làng giải trí Hoa ngữ chính thức bị "cấm sóng" vì vướng vào các bê bối.
Còn ở Hàn Quốc, công chúng rất khắt khe với người nổi tiếng. Họ cho rằng, nghệ sĩ phải sống khuôn phép, làm gương cho khán giả trẻ. Nếu vướng bê bối, nghệ sĩ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc. Các nghệ sĩ Hàn Quốc vi phạm pháp luật như dùng chất cấm, lái xe trong tình trạng say rượu, trốn thuế, trốn nghĩa vụ quân sự, dính bê bối tình dục hoặc có vết nhơ về đạo đức trong cuộc sống cá nhân… đều không có cơ hội trở lại hoạt động nghệ thuật tại Hàn Quốc.
Họ không chỉ bị các đài truyền hình trung ương của Hàn Quốc xóa mặt, gạch tên, hạn chế lên hình mà người hâm mộ cũng có những thái độ kiên quyết tẩy chay dành cho họ.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, những cá nhân hoạt động nghệ thuật có hành vi "lệch chuẩn" chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong số hàng nghìn, hàng vạn người đang ngày đêm miệt mài cống hiến, lao động sáng tạo. Nhưng đây cũng là hiện tượng rất đáng buồn, bởi đã làm ảnh hưởng xấu tới hình ảnh chung của giới làm nghệ thuật.
"Đã là nghệ sĩ, là người của công chúng và là người có ảnh hưởng với xã hội thì sẽ luôn là tâm điểm, chỉ một hành động, cử chỉ sai lệch cũng sẽ có thể gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng. Công chúng không bao giờ chấp nhận người làm văn hóa, nghệ thuật mà lại có những hành xử, phát ngôn thiếu văn hóa. Bởi vậy, không chỉ cần nâng cao ý thức trau dồi nghề nghiệp, kỹ năng, người nghệ sĩ cần có ý thức nâng cao nhận thức, hiểu biết về lịch sử, văn hóa của đất nước, dân tộc. Những quy định tưởng như ngắn gọn của Bộ Quy tắc lại hàm chứa rất đầy đủ các quy định mà nếu người nghệ sĩ coi đó là kim chỉ nam cho hành động của mình thì sẽ không bao giờ xảy ra những sai sót như vừa qua"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ./.