• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sĩ Quang Khải: Chưa hiểu hết thì không nên áp đặt cải lương là "sầu"

Giải trí 07/11/2017 09:46

(Tổ Quốc) – Nghệ sĩ Cải lương Quang Khải chia sẻ, nếu có tài năng thì chắc chắn sẽ đến lúc tỏa sáng. Và khi các bạn chưa hiểu được hết thì không nên áp đặt Cải lương là ‘sầu’

- Mới đây, khán giả rất bất ngờ khi thấy anh sẵn sàng xuống tóc cho một vai diễn trong vở Cải lương ‘Ni sư Hương Tràng’, vậy anh có thể chia sẻ về vai diễn này?

+ Trong vở cải lương ‘Ni sư Hương Tràng’ mới ra mắt, tôi đóng vai Phật hoàng Trần Nhân Tông. Đây là một vở diễn mới của Nhà hát Cải lương Việt Nam nhưng lại không phải là vai diễn mới đối với tôi. Trước đó, năm 2015, tôi đã từng đảm nhận Phật hoàng Trần  Nhân Tông trong vở diễn ‘Vua Phật’.

 Nghệ sĩ Quang Khải

Trong vở ‘Vua Phật’ tôi may mắn đảm nhận giai đoạn thái tử đến khi trở thành Thái thượng hoàng, sau đó là đi tu. Còn trong vở ‘Ni sư Hương Tràng’ là phần cuối đời của Trần Nhân Tông, sau khi Huyền Trân công chúa đi tu được một thời gian thì ông trở về với cõi Phật.

Đây là vai diễn tương đối khó đối với một nghệ sĩ trẻ tuổi như tôi. Chính vì sự lệch nhau về độ tuổi giữa tôi và nhân vật nên phải tập trung, nghiên cứu cũng như dồn hết mọi sức lực. Tôi phải tạo ra vóc dáng, hình thái, cảm xúc nội tâm phải đầy đặn mới khắc họa được nhân vật Trần Nhân Tông.

- Sự chênh lệch về độ tuổi với nhân vật là một trong những trở ngại với người diễn viên, vậy anh đã làm thế nào để tìm ra được sự hòa hợp giữa người diễn viên và vai diễn?

+ Để chạm được cảm xúc người xem đó chính là cảm xúc của nhân vật được thẩm thấu, khắc họa trên con người mình.

 Nghệ sĩ Quang Khải gây ấn tượng đến khán giả yêu Cải lương qua nhân vật Phật hoàng Trần Nhân Tông

Sự hiểu biết, khi tu hành đã đắc đạo, hơn nữa Trần Nhân Tông là một người cao siêu, vì thế bản thân người nghệ sĩ đạt được cái ngưỡng như Trần Nhân Tông thì không thể.

Mỗi người có một cách cảm riêng, nghệ sĩ hay khán giả cũng vậy. Để tìm được cái cảm chung nhất, phải làm sao để khán giả tin đó là Phật hoàng Trần Nhân Tông đang hiện diện trong tác phẩm. 

Trong vở ‘ni sư Hương Tràng’ tôi chỉ xuất hiện ba cảnh nhưng phải toát ra tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông bao trùm trong suốt vở diễn. Trước đó, tôi đã có một chút kinh nghiệm trong vở diễn “Vua Phật” nên có một chút tự tin.

-  Anh có thể hé lộ cách anh hoàn thành vai diễn và chinh phục khán giả ?

+ Mỗi nghệ sĩ chọn cho mình một con đường để tiếp cận nhân vật, bản thân tôi thì chọn cách cảm nhận sâu sắc nhất nhưng đưa về đơn giản nhất.

 Vở diễn 'Ni sư Hương Trang' của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã gây xúc động đến người xem

Đầu tiên, tôi tạo hình dáng Phật hoàng Trần Nhân Tông sao cho thật nhất. Mình có thể đội mũ len nhưng tôi đã quyết định xuống tóc. Tôi nghĩ, không phải tôi hay bất kỳ một ai khi được giao vai Phật hoàng Trần Nhân Tông sẽ chọn cách này.

Để có được khoảnh khắc đứng trên sân khấu khắc họa nhân vật Trần Nhân Tông sẽ không nhiều đối với nghệ sĩ. Có thể cả đời nghệ sĩ tôi chỉ được đứng trên sân khấu hai lần trong hai vở diễn đó thì đây chính là sự tự hào, niềm hạnh phúc. Tôi nghĩ, có thể mai mình không tồn tại trên thế giới, không còn cơ hội để vào vai nên tôi đã diễn với tâm thế thư thái, để cái tầm, tư tưởng nhân vật được truyền tải thông qua người nghệ sĩ.

- Nghệ sĩ Cải lương cần phải giữ gìn cho giọng ca của mình, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, có nhiều người phải đi hát sang nhiều dòng nhạc khác để kiếm sống. Vì thế sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất giọng, cá nhân anh có e ngại điều này?

+ Tôi không biết các nghệ sĩ khác thế nào. Quan điểm của tôi, chúng ta có đủ khả năng làm nhiều nghề nhưng chúng ta phải lựa chọn nghề nào mà mình yêu thích, đắm đuối. Tôi cũng làm thêm nhiều nghề để có cuộc sống tốt hơn. Nhưng khi bước chân lên sàn diễn, đặt chân lên thánh đường nghệ thuật thì mình sẽ bớt dần công việc.

Một năm nhà hát chỉ dựng hai vở diễn thì chỉ có một khoảnh khắc trên sân khấu, cũng chỉ một lần huy hoàng nhất thì không có lý do gì mình không làm tốt vai diễn.

- Như anh chia sẻ, một năm nhà hát chỉ dựng hai vở diễn, điều nay sẽ rất khó khăn với những bạn trẻ khi bước chân vào nghề, vì cơ hội được đứng trên sân khấu là rất hiếm. Điều này dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ hờ hững với nghề, anh có nhận xét gì?

+ Với các đơn vị nghệ thuật khác tôi không rõ nhưng với riêng Nhà hát Cải lương Việt Nam thì các bạn trẻ được tạo điều kiện hết mức với nghề. Tôi năm nay đã chuyển sang ‘dàn hai’, đóng những vai lớn tuổi để cho các bạn trẻ được đứng trên sân khấu nhiều hơn.

Khi mới vào nhà hát, các bạn thường sẽ mất ba đến bốn năm để học phong cách nghệ thuật của nhà hát, cũng là để rèn luyện thêm cho các bạn thêm kinh nghiệm.

Nhà hát đã có lộ trình để đào tạo các bạn, để các bạn đứng trên sân khấu sẽ được tỏa sáng đúng thời điểm. Bởi nghệ thuật không cho phép sai lầm và cần có thời gian để trau dồi. Các bạn có hoài bão, có tài năng, có người ra trường là có thể làm được nhiều vai nhưng chắc chắn kinh nghiệm về nghề vẫn chưa có độ chín. Vì thế, nhà hát sẽ đào tạo để khi lên sân khấu các bạn hoàn toàn tự tin với vai diễn được giao.

Tôi làm nghề từ năm 2000 nhưng sau 12 năm mới tham gia vài cuộc thi và có giải thưởng. Năm 2012, có một dàn nghệ sĩ trẻ tham gia hội diễn tại Đồng Nai, trong vở ‘Mê cung’ như Minh Hải, Như Quỳnh. Dường như việc họ lần đầu tiên có mặt trong hội diễn đã khiến khán giả phương Nam rất bất ngờ.

Tuổi thanh xuân, sức trẻ được Nhà hát mài dũa, được trang bị đẩy đủ từ thẩm mỹ nghệ thuật đến kỹ năng, để khán giả nhìn vào và đánh giá, các bạn trẻ tuổi nhưng không non nghề.

- Khán giả trẻ ngày nay thường nói nghệ thuật Cải lương nghe rất ‘sầu’ vì thế không mặn mà, là một nghệ sĩ lâu năm anh có điều gì muốn chia sẻ?

+ Khán giả có quyền lựa chọn một loại hình nghệ thuật các bạn yêu mến. Nhưng khi các bạn bước ra thế giới, các bạn có thể hát tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếp thu văn hóa châu Âu mới mẻ.

Tôi khích lệ việc chọn loại hình nghệ thuật để mình yêu thích nhưng mong các bạn hãy bình tĩnh để tiếp nhận, học tập, hiểu được từng loại hình nghệ thuật. Khi hiểu được lại có nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam, điều này sẽ nâng tầm trình độ, văn hóa hiểu biết tuyệt vời hơn rất nhiều.

Trong Cải lương, chiều sâu tâm lý của nhân vật được bộc lộ qua cảm xúc, giai điệu êm ái. Các vở diễn Cải lương thường nói đến những nhân vật lịch sử hào hùng, những vị vua xuất phát từ nông dân…Khi các bạn chưa hiểu được hết thì không nên áp đặt Cải lương là ‘sầu’, các bạn hãy đến để xem và hiểu hơn về loại nghệ thuật truyền thống này. Khi hiểu được, tôi tin các bạn sẽ thấy hay và yêu thích Cải lương./.

+ Xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ Quang Khải!

Ngọc Hà Lê (thực hiện)

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ