(Tổ Quốc) - "Ai cũng có thể cẩm mic để hát, nhưng hát phải lôi cuốn, phải có hồn thì mới là người nghệ sĩ đích thực, được công chúng đánh giá cao" – nghệ sĩ Trinh Trinh chia sẻ.
Sau một thời gian vắng bóng để lo cho gia đình, mới đây, nghệ sĩ cải lương Trinh Trinh đã chính thức trở lại sóng truyền hình với vai trò huấn luyện viên chương trình Tài danh tân cổ.
Nghệ sĩ Trinh Trinh đã chia sẻ với chúng tôi đôi điều về quan điểm nghề nghiệp và làm huấn luyện viên của mình.
Việc nhận xét thí sinh quá thẳng thắn là không nên
Lý do nào khiến chị quyết định ngồi ghế huấn luyện viên chương trình Tài danh tân cổ?
Thực tế thì tôi cũng đã huấn luyện cho một số chương trình rồi, nhưng chỉ là ẩn danh thôi. Cũng có một số thí sinh tôi nhận lời huấn luyện riêng, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được làm huấn luyện viên của chương trình Tài danh tân cổ và được lộ diện ra trước khán giả truyền hình.
Quan điểm của chị khi làm huấn luyện viên là gì? Chị đặt ra những yêu cầu nào cho học trò của mình? Chị có ngại đưa ra nhận xét thẳng thắn không?
Khi các bạn thí sinh đến với tôi và chương trình tức là các bạn đều đam mê và đang học hỏi, tìm tòi.
Bản thân tôi khi đã nhận lời làm huấn luyện viên cho một chương trình là phải nghiêm túc. Trong quan điểm của tôi, khi thí sinh đã đến và trao đam mê cho tôi thì tôi sẽ trao lại cho họ sự nhiệt huyết, tận tâm, nhiệt tình. Có như vậy, thí sinh mới trao lại cho tôi lòng đam mê của các bạn.
Trên thực tế, các bạn thí sinh trong đội của tôi đều mới mẻ, nên tôi cũng hơi khó khăn trong việc huấn luyện. Nhưng bù lại, các bạn sẽ học được một chút kinh nghiệm nào đó hoặc một sự vấp ngã để thấy được con đường đi trước. Từ đó mà đứng vững hơn trong nghề các bạn chọn. Biết đâu sau cuộc thi này sẽ có bạn chọn cho mình con đường làm nghệ sĩ.
Tất nhiên, khi ngồi ghế huấn luyện viên, tôi cần thẳng thắn nhưng cũng phải biết lựa lời mà nói để thí sinh không hụt hẫng. Tôi cần thể hiện sự trân quý của mình với thí sinh.
Tôi muốn dang tay đón các bạn vào chứ không muốn dùng chính đôi tay của mình đẩy các bạn ra xa hơn. Bởi vậy, việc nhận xét thí sinh quá thẳng thắn tôi nghĩ là không nên. Tôi rất ít khi nhận xét thí sinh.
Tôi không ngại khi cạnh tranh
Chị hãy chia sẻ cảm xúc khi ngồi chung ghế nóng với nghệ sĩ Thanh Hằng và NSƯT Vũ Luân, cùng cặp MC Vũ Mạnh Cường - Bình Tinh?
Chương trình chia thí sinh làm ba đội với ba huấn luyện viên, gồm có tôi, chị Thanh Hằng và anh Vũ Luân. Tôi thấy đội mình là mềm, mỏng, đáng yêu nhất vì các bạn trong đội chưa biết gì cả. Có bạn nhỏ còn đang học, có bạn mới tập tành vào ca hát, hát theo bản năng, giống như xem karaoke và ca theo, đó là theo trực quan của các bạn thôi.
Trong khi đó, thí sinh 2 đội còn lại lúc nào cũng cứng cáp, mạnh mẽ. Tôi nhìn lại càng thương yêu đội mình hơn.
Nhưng tôi cũng nhận ra 2 huấn luyện viên của 2 đội còn lại sẽ giúp mình học hỏi nhiều về cách nhận xét, hướng dẫn cho học trò. Tôi không ngại khi cạnh tranh với họ vì nghề này càng không ngại càng học được nhiều. Tôi rất yêu quý và trân trọng anh Vũ Luân, chị Thanh Hằng.
Về hai em MC Mạnh Cường và Bình Tinh, tôi cũng rất quý trọng. Với Bình Tinh, đây là bước đệm mới của em ấy khi trở thành người dẫn chương trình truyền hình.
Công việc này tôi nghĩ là khá dễ dàng với Bình Tinh vì em ấy từ trong cái nôi nghệ thuật bước ra nên sẽ hiểu hơn, thông cảm hơn cho các thí sinh.
Mạnh Cường thì là MC chuyên nghiệp, đã dẫn khá nhiều chương trình cải lương nên cũng đã có cơ hội tiếp xúc nhiều với các nghệ sĩ. Vì thế, bạn ấy chắc chắn hiểu rõ về bộ môn nghệ thuật này.
Ai cũng có thể cầm mic để hát, nhưng hát phải lôi cuốn
Cảm xúc của chị thế nào khi cải lương đang trở lại mạnh mẽ với nhiều cuộc thi, chương trình truyền hình? Theo chị, có cách nào để cải lương tiếp cận được giới trẻ nhiều hơn nữa không?
Cải lương quay trở lại là một điều đáng mừng, và nó đang dần dần tiếp cận với công chúng, nhất là các bạn trẻ.
Nhưng tôi tôi nghĩ, đừng nên ép giới trẻ nghe cải lương vì họ cũng có lựa chọn riêng cho mình. Bản thân chúng ta khi ăn một món ăn gì hay lựa một bộ phim để xem thì cũng phải hợp nhãn, hợp khẩu vị của mình, thì cũng nên để giới trẻ tự lựa chọn.
Chỉ cần giới trẻ biết được rằng, nghệ thuật cải lương đã trường tồn mãi trong đất nước Việt Nam. Sau đó phải dần dần, từ từ để cho các em tiếp cận và được thuyết phục, không nên ép.
Có một số người nghĩ rằng ca vọng cổ dễ. Điều đó sai lầm, ca vọng cổ hoàn toàn không dễ. Muốn làm nghệ sĩ cũng không dễ như các bạn nghĩ.
Ai cũng có thể cầm mic để hát, nhưng hát phải lôi cuốn, phải có hồn thì mới là người nghệ sĩ đích thực, được công chúng đánh giá cao. Người trẻ muốn theo cải lương cần học hỏi nhiều.
Muốn cải lương tiếp cận được giới trẻ thì phải thực hiện một cách dễ nghe, dễ hiểu và thuyết phục. Ví dụ, có thể lồng cải lương vào các bài lý, bài nhạc cho các bạn dễ nghe hơn.