• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ thuật là chính trị: Phía sau siêu dự án nghệ thuật bí ẩn nhất nước Mỹ

Văn hoá 16/10/2018 16:03

(Tổ Quốc)- Hơn 50 tấm biển quảng cáo khổng lồ ẩn chứa nhiều thông điệp chính trị và xã hội, đang được trưng bày trên khắp các bang của Mỹ.

Những người đi trên con đường cao tốc I-95 tại bang Philadelphia, Mỹ khó có thể bỏ qua một tấm bảng quảng cáo cỡ lớn, với dòng chữ sử dụng cùng loại font với các áp phích trong chiến dịch của Tổng thống Donald Trump, viết: "Pardon Me" (Xin lỗi).

Đây chỉ là một trong những bảng quảng cáo được các họa sỹ nổi tiếng thiết kế và đang xuất hiện trên khắp nước Mỹ trong tuần này. Tấm bảng thuộc về "Sáng kiến 50 bang" – hiện đang được coi là một dự án nghệ thuật cộng đồng lớn nhất của nước Mỹ. Theo đó, các nghệ sỹ tham gia có quyền nêu lên tiếng nói chính trị của mình – và có lẽ cả tầm ảnh hưởng – trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ sắp diễn ra tại Mỹ.

Nghệ thuật là chính trị: Phía sau siêu dự án nghệ thuật bí ẩn nhất nước Mỹ - Ảnh 1.

Biển quảng cáo do Zoë Buckman thiết kế tại Syracuse (ảnh: For Freedoms)

"Một người đàn ông viết cho tôi: Tôi nhìn thấy tấm biển 'Pardon Me' mỗi ngày khi đi làm, anh có thể nói cho tôi ý nghĩa của nó không? Anh ủng hộ hay phản đối ông Trump?", Wyatt Gallery, giám đốc của For Freedom, tổ chức New York đứng phía sau "Sáng kiến 50 bang", kể lại. "Mọi người không đoán được lập trường chính trị của chúng tôi là ở bên nào. Điều đó khiến họ phải suy nghĩ nhiều hơn".

Theo Eric Gottesman, đồng sáng lập For Freedoms, mục đích của dự án là đưa ra thông điệp "phi đảng phái" trên các tấm biển, cùng với loạt triển lãm, trưng bày và các chương trình cộng đồng… nhằm tăng cường sự tham gia của người dân vào các hoạt động thuộc về "quyền và nghĩa vụ công dân".

Nghệ thuật là chính trị: Phía sau siêu dự án nghệ thuật bí ẩn nhất nước Mỹ - Ảnh 2.

Biển quảng cáo do Jeffrey Gibson thiết kế tại Raleigh (ảnh: TianranQin)

"Không chỉ là bỏ phiếu, dự án kêu gọi mọi người nói lên những gì họ thực sự quan tâm", Gottesman cho biết. "Chúng tôi tin rằng tất cả nghệ thuật đều là chính trị, vì thế khi có sự tham gia của giới nghệ sỹ, các cuộc đối thoại sẽ được thay đổi… Điều quan trọng là tiếng nói của người nghệ sỹ xuất hiện ở vị trí trung tâm hơn trong cuộc sống cộng đồng".

Mỗi tấm biển đều được in kèm logo For Freedoms. "Mọi người tìm kiếm hoặc gọi điện để hỏi về ý nghĩa của các biển quảng cáo", Gallery nói. "Đó là tín hiệu thành công rất lớn, cho thấy người dân sẵn lòng tham gia".

Nghệ thuật là chính trị: Phía sau siêu dự án nghệ thuật bí ẩn nhất nước Mỹ - Ảnh 3.

Biển quảng cáo do Paula Crown thiết kế tại Los Angeles (ảnh: Paula Goldman)

Có hơn 50 biển quảng cáo do các nghệ sỹ thiết kế sẽ được dựng lên cho tới cuối tháng Mười một. Ngoài ra, hơn 200 đơn vị nghệ thuật và 400 nghệ sỹ trên khắp nước Mỹ cũng sẽ tổ chức các cuộc nói chuyện, dự án, triển lãm liên quan tới nghệ thuật, chính trị và nghệ thuật - chính trị.

Tất cả nghệ thuật đều là chính trị.

Eric Gottesman

Trên tấm biển quảng cáo tại Helena, Montana, nghệ sỹ Fred Tomaselli cho in hình tấm bản đồ nước Mỹ cùng câu nói "Tôi đã ngã và không thể đứng lên". Paula Crown lại thiết kế một tấm biển với dòng chữ "Làm tổn thương mọi người" tại Los Angeles. Trong khi đó, nhiếp ảnh gia đến từ New York Marilyn Minter lại chỉ để vỏn vẹn một từ "Sad!" (Đáng buồn) trên tấm biển dựng ở Little Rock, Arkansas. "Sad!" cũng chính là một trong những từ thường được Tổng thống Donald Trump sử dụng nhiều nhất trên các đăng Twitter của mình, mỗi khi ông muốn thể hiện thái độ không hài lòng hay coi thường.

Một số nghệ sỹ lại chọn cách tiếp cận khác, như William Scott và David Byrne với tấm biển in hình người Mỹ gốc Phi cùng dòng chữ "Nước Mỹ Hòa bình" tại Newark, New Jersey. Còn tại Las Cruces, New Mexico, tấm biển do Richard Misrach thiết kế lại là hình ảnh mờ ảo của bức tường biên giới Mexico, kèm theo cụm từ "Romans 13:10" (đề cập tới một câu nói trong kinh thánh là: "Tình yêu không gây hại cho một người hàng xóm").

Tất cả các nghệ sỹ tham gia sáng tạo biển quảng cáo trong dự án đều được lựa chọn cẩn thận bởi một đội ngũ giám tuyển. "Chủ trương là phi đảng phái", Gottesman chia sẻ. "Dự án không phải là về ủng hộ bên nào mà là đặt ra câu hỏi, ngay cả khi nó không kết thúc bằng dấu chấm hỏi".

"Thông thường, phản ứng đối với các biển quảng cáo là một câu hỏi: 'Nó có ý nghĩa gì'", Gottesman cho biết. "Chúng tôi trả lời: 'Bạn nghĩ nó có ý gì? Chúng tôi không biết, hãy cùng chúng tôi tìm ra ý nghĩa của nó'".

Một số biển quảng cáo được làm riêng cho một số thành phố nhất định. "Có nghệ sỹ thích một nơi nhất định của nước Mỹ, trong khi người khác lại muốn càng gần với biên giới Mexico càng tốt… Chúng tôi cố gắng tôn trọng ý kiến của họ ở mức tối đa để có thể tạo ra được một cuộc đối thoại phong phú", Gottesman kể lại.

Ví dụ điển hình là trường hợp của nghệ sỹ Jamila El Sahili. Biển quảng cáo của cô được đặt ở Michigan và ghi dòng chữ "Nhân quyền" bằng tiếng Arab (và không dịch sang tiếng Anh). "Chúng tôi đặt tấm biển tại Michigan bởi vì nơi đây có một ứng cử viên chạy đua vào Quốc hội là người Hồi giáo, và cộng đồng Hồi giáo ở Michigan rất lớn", Gallery tiết lộ. "Chúng tôi luôn cố gắng để kết nối các thành phố với những vấn đề nó sở hữu và nghệ thuật".

Khi được hỏi họ đã nhận được bất kỳ lời chỉ trích nào hay chưa, Gottesman trả lời: "vẫn chưa, nhưng thời gian vẫn còn nhiều".

Nghệ thuật là chính trị: Phía sau siêu dự án nghệ thuật bí ẩn nhất nước Mỹ - Ảnh 6.

Biển quảng cáo do For Freedoms thiết kế tại New Orleans (ảnh: John Ludlam)

Hầu hết các tấm biển quảng cáo đều được đặt ở trên đường cao tốc hoặc khu vực nông thôn. Mặc dù có thể phân tán sự chú ý của tài xế, những sự hiện diện của các tấm biển cố tình được chọn đúng vào thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ. Các nhà tổ chức mong muốn, dự án của họ sẽ góp phần thay đổi cách người dân Mỹ nhìn nhận nghệ thuật, chính trị, và vai trò của quảng cáo trong không gian công cộng.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ