(Tổ Quốc) - Nghệ thuật sân khấu truyền thống độc đáo của dân tộc Việt Nam như Tuồng, Chèo, Cải lương,… từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả đón xem. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội hiện nay, nhiều loại hình âm nhạc hiện đại từ các nước Mỹ, Hàn Quốc, Anh,… đã khiến cho nghệ thuật truyền thống chịu ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ mai một.
LTS: Với sự da dạng vùng miền, dân tộc, âm nhạc truyền thống Việt luôn phong phú và tồn tại như một thành tố quan trọng, không thể thiếu. Tuy nhiên hiện nay, xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ cùng với xu thế hội nhập, nước ta đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của những loại hình âm nhạc hiện đại từ các nước Âu, Mỹ, gần đây nhất là Hàn Quốc, đã khiến cho âm nhạc truyền thống đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng bị khán giả trẻ thờ ơ. Thậm chí, không ít các em học sinh ngồi trên ghế nhà trường còn thuộc tên ca sĩ, nhóm nhạc nước ngoài hơn cả những làn điệu dân ca của quê hương mình. Đây là một thực tế không khỏi chạnh lòng.
Và câu chuyện giữ gìn bản sắc hay cách tân âm nhạc cho phù hợp thị hiếu khán giả trong dòng chảy đương đại không phải chuyện mới, nhưng vẫn chưa bao giờ cũ và luôn là một bài toán khó với các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu, những người yêu nghệ thuật truyền thống. Báo Tổ Quốc thực hiện chuỗi bài phản ánh về thực trạng của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, với mong muốn tuyên truyền, đưa ra được những góc nhìn cũng như giải pháp góp phần phát huy giá trị di sản âm nhạc dân tộc, để việc bảo tồn di sản âm nhạc dân tộc hiệu quả cao hơn.
Thời hoàng kim
Nghệ thuật truyền thống là tinh hoa của các giá trị dân tộc, cội nguồn từ bao đời nay. Ở Việt Nam, mỗi nơi đều có cho mình một loại hình nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn vùng miền và bản sắc quê hương: Dân ca Quan họ Bắc Ninh, Nhã nhạc cung đình Huế hay Ca trù, Xẩm, Chầu văn, hát Chèo, Tuồng,... Đó là những loại hình nghệ thuật truyền thống được ra đời và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa cũng như nghệ thuật từ bao đời nay.
Đến nay, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã phát triển một cách hoàn chỉnh về mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Và trong quá trình hình thành và phát triển đó, nghệ thuật truyền thống đã có một giai đoạn phát triển cực thịnh, được coi như "thời hoàng kim" của những người nghệ sĩ.
Hơn 40 năm theo đuổi nghệ thuật Tuồng nói riêng, nghệ thuật truyền thống nói chung, NSND Ánh Dương cho biết: "Những năm bắt đầu xóa bỏ bao cấp là thời gian mà nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là nghệ thuật Tuồng phát triển mạnh mẽ nhất, thời đó, chúng tôi gần như ngày nào cũng đi diễn, về các vùng nông thôn đi đến đâu cũng được nhân dân cổ vũ rất nồng nhiệt. Mỗi đêm diễn, người dân ở nơi đó đều nô nức đi xem, chật kín hết chỗ ngồi, bây giờ nhớ lại tôi nghĩ đó là thời huy hoàng nhất trong quá trình làm nghề của mình.
Lúc bấy giờ tuy còn nhiều khó khăn nhưng tôi rất đam mê với nghề, tôi không làm bất cứ công việc nào khác ngoài biểu diễn nghệ thuật, tôi chăm lo từng tiếng hát, vai diễn của mình để làm sao có thể truyền tải được đến với khán giả những tinh hoa của nghệ thuật truyền thống. Và chính sự cổ vũ nhiệt tình của khán giả đã tạo được sự hưng phấn cho những người nghệ sĩ như chúng tôi để tiếp tục theo đuổi nghề đến bây giờ".
Cùng với nghệ thuật Tuồng, nghệ thuật Chèo cũng đã phát triển và được coi là thời "hoàng kim" với nhiều vở diễn có tiếng vang rất lớn trong xã hội. Theo Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội NSƯT Thu Huyền chia sẻ: "Nghệ thuật Chèo ngày xưa với bây giờ khác nhau nhiều. Ngày xưa các cụ không có điều kiện chỉ là một gánh hát Chèo có vài nghệ sĩ thôi khi diễn trải một manh chiếu ra ở sân đình, ánh sáng chỉ có những bóng điện, thậm chí là bằng đèn dầu và khán giả ngồi dưới tương tác với nghệ sĩ. Dù khó khăn là thế nhưng tất cả các buổi biểu diễn của Chèo vẫn luôn chật kín khán giả và nhiều người cũng coi việc đi xem Chèo như một món ăn tinh thần không thể thiếu. Tôi vẫn còn nhớ, thời đó, khi ở Hà Nội có vở diễn "Nàng Sita" khán giả còn xếp sổ hộ khẩu để mua vé xem. Và cũng nhờ vào sự ủng hộ của khán giả mà tôi theo đuổi nghề được đến hôm nay".
Nghệ thuật truyền thống của dân tộc Việt Nam không những người trong nước trân trọng mà cả những người nước ngoài cũng đánh giá cao. NSND Minh Thái chia sẻ: "Ngày xưa, khi nền văn hóa của Việt Nam chưa du nhập nhiều loại hình nghệ thuật mới, thời đó chỉ có Tuồng, Chèo, Cải lương… là nghệ thuật chính của dân tộc thì chúng tôi đi biểu diễn khắp các vùng của đất nước, gần như ngày nào chúng tôi cũng đi diễn, và đi đến đâu cũng được khán giả đón tiếp vô cùng nhiệt tình. Thậm chí, có những lúc chúng tôi phải đi diễn ở các vùng sâu vùng xa cả tháng mới trở về nhà nhưng vẫn vô cùng nhiệt huyết, anh em trong đoàn lúc nào cũng tràn đầy năng lượng vì biết khán giả đang mong chờ được xem chúng tôi biểu diễn.
Hơn thế nữa, khi tôi đi biểu diễn ở các nhiều nước trên thế giới, tuy khác tiếng nói nhưng người nước ngoài xem chúng tôi biểu diễn, họ vẫn cảm nhận được và tôi thấy họ rất yêu thích các loại hình nghệ thuật truyền thống của nước ta. Điều đó cũng khiến cho tôi vô cùng tự hào và hãnh diện về văn hóa đặc sắc của dân tộc mình" - NSND Minh Thải cho biết.
Qua đó, có thể khẳng định, mối quan hệ nghệ thuật truyền thống với người xem gần gũi, thân thiết, khán giả cùng giao lưu, tưởng tượng, khích lệ diễn viên sáng tạo làm cho buổi biểu diễn sẽ trở nên phong phú, hấp dẫn và hoàn chỉnh khung cảnh nghệ thuật. Và sân khấu nghệ thuật truyền thống biến không thành có, biến cái hạn chế thành cái vô hạn. Chình vì thế, nghệ thuật truyền thống luôn được xem là loại hình văn hóa giải trí lành mạnh cho quần chúng, xứng đáng là những viên ngọc sáng quý báu trong kho tàng văn hóa nghệ thuật truyền thống nước nhà.
Loay hoay tìm khán giả
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế ngày nay, thời hoàng kim của nghệ thuật truyền thống không còn nữa. Sự hội nhập và giao thoa trong bối cảnh thời đại mới đã thổi những làn gió văn hóa mới vào đời sống người Việt, đặc biệt về âm nhạc khiến cho loại hình nghệ thuật truyền thống khác như Chèo, Cải lương, Dân ca, Tuồng… đang bị khán giả, đặc biệt thế hệ trẻ ngày càng xa rời. Và trong những năm qua, nghệ thuật truyền thống cũng đang "chật vật" cố gắng tìm lại chỗ đứng cho mình trong lòng khán giả.
Du nhập nhiều loại hình giải trí, khiến khán giả, đặc biệt thế hệ trẻ ngày càng ít mặn mà với nghệ thuật truyền thống, NSND Minh Thái chia sẻ: "Nghệ thuật truyền thống bây giờ khác với ngày xưa rất nhiều, ngày nay, ở nước ta du nhập rất nhiều nền văn hóa từ các nước khác trên thế giới nên xuất hiện nhiều chương trình giải trí hấp dẫn như: phim, ca nhạc, gameshow,… mà giới trẻ Việt Nam luôn thích hướng ngoại. Chính vì thế, các loại hình nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo, Cải Lương… ngày càng trở nên "lép vế" trước các loại hình nghệ thuật hiện đại đó và đang đứng trước tình trạng thiếu vắng khán giả rất nhiều.
Hơn nữa, do cuộc sống ngày càng hiện đại, xã hội ngày càng xô bồ khiến chúng ta luôn phải chịu áp lực với công việc, gia đình nên những lúc mệt mỏi khán giả sẽ chỉ thích xem những chương trình hài hước giúp giảm căng thẳng còn với nghệ thuật truyền thống lại có nhiều loại hình kén người nghe. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn một số bạn trẻ khi được tìm hiểu và theo đuổi các loại hình nghệ thuật truyền thống thì lại vô cùng yêu thích, say mê với những làn điệu tinh hoa này".
NSND Ánh Dương cho biết: "Nghệ thuật truyền thống, đặc biệt nghệ thuật Tuồng rất kén khán giả, nó không như các loại nghệ thuật dân gian khác gần gũi với cuộc sống hằng ngày của người dân. Muốn hiểu và yêu thích được Tuồng, khán giả phải hiểu được những tích Tuồng thì khi đi xem tại sân khấu biểu diễn mới có thể hiểu được người nghệ sĩ biểu diễn, biểu đạt nhân vật đó như thế nào. Đối tượng yêu thích Tuồng tôi nghĩ chỉ là những người trung tuổi, còn với các bạn trẻ thì khó lắm. Tôi nghĩ không chỉ có Tuồng mà hiện nay tất cả các loại hình nghệ thuật truyền thống khác cũng đang rơi vào tình trạng nguy cơ bị mai một".
Bên cạnh đó, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam Phạm Ngọc Tuấn cho rằng: "Nếu để nói nghệ thuật truyền thống không có khán giả là không đúng. Nhưng hiện nay, khán giả Việt Nam vẫn chưa có thói quen bỏ tiền túi để thưởng thức các tác phẩm văn hóa nghệ thuật cổ truyền nói chung và Tuồng nói riêng. Điển hình như, rất nhiều khán giả tới dự các vở diễn tại rạp Hồng Hà, tuy nhiên họ đến xem nhờ vé mời của chương trình chứ không phải mua vé. Đây là rào cản lớn mà nhà hát cũng như những người nghệ sĩ đang gặp phải".
Đồng quan điểm trên, NSƯT Thu Huyền cho rằng: "Trong thời điểm hiện tại cũng có những ý kiến cho rằng, nghệ thuật truyền thống không còn phù hợp với giới trẻ, với đời sống hiện đại bây giờ nữa. Vì thị trường có những loại hình giải trí khác nhau, đặc biệt khi Việt Nam mở cửa thì du nhập rất nhiều loại hình nghệ thuật mới. Các bạn trẻ bao giờ cũng muốn những điều mới mẻ như: rap, rock, hiphop… Thế nhưng, khi chúng tôi mang nghệ thuật Chèo đến với các trường học, có những bạn chưa xem Chèo bao giờ nhưng sau khi xem xong bảo tôi "ôi Chèo hay thế cô nhỉ". Điều đó có nghĩa là các bạn chưa bao giờ được xem, chưa tiếp xúc với Chèo nên không thấy cái hay cái đẹp. Chính vì thế, có thể khẳng định không phải tất cả các bạn trẻ không yêu nghệ thuật truyền thống mà vẫn còn không ít khán giả trẻ say mê theo đuổi. Và tôi tin rằng những cái mới mẻ của thời đại sẽ không làm cho nghệ thuật truyền thống mất đi. Nghệ thuật truyền thống vẫn sẽ như một dòng chảy "lặng lẽ" và không bao giờ mất đi".
Vai trò của khán giả thực sự là một thành tố tạo nên tác phẩm nghệ thuật truyền thống chứ không đơn thuần là người tiêu thụ sản phẩm văn hóa đặc biệt. Đáng tiếc, đây lại là khâu yếu nhất của nghệ thuật truyền thống và là bài toán nhiều năm nay lãnh đạo cùng đội ngũ nghệ sĩ chưa thể giải quyết được. Có lẽ, để cuốn hút được người xem, chỉ có sự sáng tạo mới mẻ, hấp dẫn thì sân khấu mới đủ hấp lực kéo khán giả quay trở lại./.