• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghi thức kéo co không phải là trò chơi mang tính thể thao, giải trí thông thường

Văn hoá 17/11/2023 16:43

(Tổ Quốc) - Sau 8 năm Nghi lễ và trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, dù còn nhiều khó khăn nhưng các địa phương có di sản vẫn tiếp tục gìn giữ và thực hành.

Tọa đàm quốc tế “Bảo vệ, phát huy nghi lễ và trò chơi kéo co trong đời sống đương đại” đã được tổ chức tại đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội) với sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế đã có nhiều ý kiến đóng góp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.

Độc đáo di sản kéo co

Kéo co là một tập quán xã hội có tính nghi lễ với ý nghĩa cầu mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của các hoạt động nông nghiệp. Người ta tin rằng, có thực hành và tuân thủ những luật lệ trong nghi lễ kéo co thì mùa màng mới tươi tốt, chăn nuôi, trồng trọt mới sinh sôi nảy nở. Vì vậy, không chỉ là một trò chơi dân gian thông thường, kéo co chứa đựng tầng sâu văn hóa thể hiện qua những tập tục và tín ngưỡng riêng của mỗi quốc gia.

Nghi thức kéo co không phải là trò chơi mang tính thể thao, giải trí thông thường - Ảnh 1.

Nghi lễ và trò chơi Kéo co được các địa phương gìn giữ và thực hành.

Ở Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co xuất hiện chủ yếu ở khu vực trung du Bắc bộ, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, vùng đất tụ cư lâu đời của người Việt, cái nôi của nền văn minh lúa nước. Ngoài ra, di sản này cũng được thực hành chủ yếu bởi cộng đồng dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc như người Tày, Giáy, Thái.

Kéo co thường được tổ chức trong các lễ hội xuân, đánh dấu sự khởi đầu của một vụ mùa mới trong nông nghiệp và thể hiện mong muốn mùa màng bội thu. Kéo co thu hút sự tham gia của gần như tất cả các thành viên trong cộng đồng, mỗi thành viên đóng vai trò khác nhau như người trực tiếp tham gia kéo co, trọng tài, người hướng dẫn, người cổ vũ... Trong đó, những người lớn tuổi, đặc biệt là người am hiểu về các nghi lễ kéo co đóng vai trò quan trọng trong việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên, hướng dẫn người tham gia kéo co các quy tắc của trò chơi và thực hiện một số nghi lễ có liên quan.

Nghi lễ và trò chơi kéo co thường được tổ chức ở sân đình. Dây kéo sử dụng trong kéo co có thể được làm bằng song tre, dây mây, hoặc gai dầu phản ánh đặc điểm tự nhiên và văn hóa của mỗi cộng đồng. Mỗi lần kéo co có 2 đội tham gia với số lượng người đều nhau. Hai đội sẽ cùng nắm chắc vào dây kéo, điểm giữa của dây được đánh dấu bằng một dải lụa đỏ làm mốc. Khi hiệu lệnh vang lên, các thành viên của mỗi đội chơi nắm chặt hai tay vào dây, đội nào kéo được điểm đánh dấu về phía mình là đội đó thắng cuộc.

Trong kéo co, quá trình lựa chọn dây kéo và người chơi phải tuân theo các quy tắc, lễ nghi cụ thể và tùy thuộc vào phong tục địa phương. Đội thắng và đội thua thường được sắp xếp theo phong tục để thể hiện ý nghĩa tôn giáo nhất định và sự hài hòa của thiên nhiên. Ví dụ như theo phong tục của người Tày và người Giáy, trò chơi kéo co sẽ có sự tham gia của 2 đội chơi, 1 đội nam và 1 đội nữ. Vào những năm chẵn, phần thắng thuộc về đội nữ để tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của muôn loài.

Kéo co là một trò chơi dân gian phổ biến, dễ thực hiện và được mọi người ở mọi lứa tuổi, tầng lớp ưa thích. Mặc dù là một trò chơi mang tính cạnh tranh, nhưng kéo co không đặt nặng vấn đề thắng hay thua mà quan trọng là tinh thần đoàn kết, niềm vui và sự gắn kết cộng đồng. Kéo co hấp dẫn người chơi, dễ tạo không khí sôi nổi, góp phần phô diễn sức mạnh và sự khéo léo của tập thể.

Giá trị về tín ngưỡng, nghi lễ chính là yếu tố căn cốt và lâu đời nhất của kéo co, thể hiện qua những kiêng kỵ, quy tắc từ quá trình lựa chọn dây kéo, vật liệu kéo đến người chơi, cũng như các quy ước trong thi kéo co. Qua đó, kéo co được thể hiện như một nghi thức thiêng mô phỏng sức mạnh của các lực lượng thiên nhiên như mặt trời, nguồn nước, lũ lụt, khô hạn, mây mưa.

Kéo co được truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua hình thức truyền khẩu, quan sát và thực hành trực tiếp. Những người lớn tuổi hướng dẫn nghi lễ, các kỹ thuật, kỹ năng của kéo co cho thế hệ trẻ với một tinh thần tự hào và đầy trách nhiệm.

Ngày 2/12/2015, tại phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 10 của UNESCO diễn ra tại thành phố Windhoek, Cộng hòa Namibia, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc, Philippines chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở Việt Nam, UNESCO ghi danh “Nghi lễ và trò chơi kéo co" là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho 4 tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội.

Sớm có chính sách bảo tồn phát huy giá trị di sản

Hiện nay, thách thức lớn nhất trong việc bảo tồn di sản kéo co là vai trò chủ thể di sản đang bị xem nhẹ. Một số yêu cầu mang tính bắt buộc trong nghi thức truyền thống đang bị đơn giản hóa, chẳng hạn như việc chọn dây mây kéo co. Do bận rộn, ngại đi xa (phải vào rừng già) để lấy dây nên cộng đồng thay dây kéo co bằng loại dây rừng khác, thậm chí là dùng các loại dây công nghiệp...

Nghi thức kéo co không phải là trò chơi mang tính thể thao, giải trí thông thường - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, cách kéo và quy tắc cũng đang dần bị ảnh hưởng do sự tham gia quá đông của khách du lịch... Tiếp đó là khó khăn về kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức lễ hội truyền thống và hỗ trợ cho nghệ nhân, học viên tham gia các lớp trao truyền di sản, tập luyện, thực hành nghi lễ và trò chơi kéo co. Đặc biệt, hiện tượng giải thiêng ở một số nghi thức trong lễ hội xuống đồng đã ít nhiều ảnh hưởng đến giá trị của lễ hội.

Trước thực trạng đó, ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Lào Cai bày tỏ mong muốn Nhà nước, các ban, ngành và đặc biệt là tổ chức UNESCO quan tâm, đầu tư, hỗ trợ việc bảo vệ, phát huy và truyền bá di sản; thực hiện tốt kế hoạch tổ chức các chương trình giao lưu trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại theo chu kỳ 2 - 3 năm/lần.

Ông Nghĩa cũng mong mỏi sự hỗ trợ từ trung ương cho các địa phương để tổ chức phổ biến, thực hành di sản; xây dựng kéo co trở thành một hoạt động văn hóa chính trong lễ hội của đồng bào các dân tộc Lào Cai nói riêng và các tỉnh nói chung, góp phần bảo tồn, và phát triển kéo co trở thành di sản văn hóa điển hình của cả nước.

Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ (phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội cho biết: Hội đền Trấn Vũ ở làng Ngọc Trì hằng năm được tổ chức vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch gắn với ngày Đức thánh Trấn Vũ đản sinh. Ngoài các nghi thức tế lễ, ở đây có một nghi thức dân gian rất độc đáo, đó là trò kéo co ngồi bằng dây song luồn qua lỗ cột.

Trò kéo co được tổ chức như sau: Các giáp cử ra các tráng đinh có phẩm hạnh, gọi là giai kéo co, chia làm hai phe (mạn Đường và mạn Chợ). Giai kéo co ngồi chân co chân duỗi. Người ở từng phe lần lượt ngồi xen kẽ ở hai phía của dây. Mỗi người một tay duỗi thẳng, tay kia co trước ngực, dây được kẹp chặt dưới nách phía tay co. Sau hiệu lệnh bằng ba hồi trống khẩu, nêm được tháo ra. Hai tổng phất cờ hô “Í a, kéo!” và cuộc kéo co bắt đầu. Nếu phe mạn Đường (mạn gốc) thắng thì được xem là năm đó làng được phúc lớn...

"Nghi thức kéo co gắn liền với cộng đồng dân cư Việt cổ, gắn với biểu trưng cho cầu mùa, cầu phúc, cầu cho sự sinh sôi phát triển. Tuy nhiên, ngày nay, nghi thức kéo co thường được coi là trò chơi mang tính thể thao, giải trí thông thường. Bên cạnh đó, xu hướng đô thị hóa mạnh mẽ và sự biến động về dân cư đã đe dọa sự toàn vẹn về không gian, cảnh quan kiến trúc của di tích"- ông Khải cho biết.

Vì vậy, theo ông Khải, đề nghị Thành phố Hà Nội và quận Long Biên cần quan tâm hơn nữa đến công tác đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích gắn với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích; bố trí quỹ đất xây dựng Bảo tàng Kéo co Việt Nam tại phường Thạch Bàn; kết nối với các tour du lịch phục vụ công tác quảng bá giới thiệu về di sản văn hóa; có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho những người làm công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, lập hồ sơ công nhận nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; tiếp tục tuyên truyền, quảng bá rộng rãi về giá trị di sản văn hóa đền Trấn Vũ, nghi thức kéo co ngồi đến mọi tầng lớp nhân dân; đưa chương trình kéo co vào các tiết học thể chất trong trường học, trước tiên là áp dụng đối với trường học ở phường Thạch Bàn…/.

Hà An

NỔI BẬT TRANG CHỦ