(Tổ Quốc) - Trách nhiệm của những người ở lại là phải làm sao để sự xả thân và lòng tử tế không bao giờ lẻ loi và trên hết là sự an toàn cho những người nghĩa khí đấu tranh với cái ác.
- 14.05.2018 Vụ 2 hiệp sĩ tử vong: Nhân chứng kể lại giây phút kinh hoàng
- 14.05.2018 Hiệp sĩ đường phố tử vong khi bắt cướp: Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương điều tra
- 14.05.2018 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm ra lệnh truy bắt bằng được hung thủ sát hại hiệp sỹ
- 14.05.2018 Cộng đồng quyên góp, thăm hỏi các hiêp sĩ và gia đình gặp nạn
- 15.05.2018 Đã bắt được 2 nghi can liên quan đến vụ 5 hiệp sĩ thương vong
- 15.05.2018 Vụ hiệp sĩ bị cướp sát hại: Tướng Minh lý giải công an khó phản ứng trong 13 giây
- 15.05.2018 Các ngôi sao kêu gọi giúp đỡ nhóm “hiệp sĩ” Sài Gòn
Máu đã đổ. Hai người đã mất. Ba người đang cấp cứu trong bệnh viện, ở giữa lằn ranh của sự sống và cái chết. Sự hy sinh đầy nghĩa hiệp của các hiệp sĩ Tân Bình tối 13/5 trên đường Cách mạng tháng Tám (TP.HCM) khiến xã hội bàng hoàng, đau xót.
Một tên cướp bị hiệp sĩ Sài Gòn khống chế (Nguồn ảnh: VnExpress) |
Sau sự ngã xuống ấy, đã có rất nhiều người, từ lãnh đạo của Chính phủ đến những lãnh đạo cao nhất của thành phố tới những người dân được các hiệp sĩ bảo vệ đã có hành động thăm hỏi, sẻ chia, lên tiếng chính thức và dành tình cảm trân trọng cho họ.
Khoan, khoan hãy bàn tới việc thanh gươm và lá chắn bảo vệ dân đang ở đâu? Với họ, những người vừa đổ máu, vừa hy sinh cả mạng sống để giữ sự tôn nghiêm cho xã hội, với trách nhiệm công dân, các anh đã không phó mặc sự an toàn của chính mình và mọi người vào tay sự thờ ơ. Và chỉ khi gặp nguy nan nhận được sự hỗ trợ, mới hiểu sự giúp đỡ của các hiệp sĩ ấy quý giá đến nhường nào, khiến người ta không cô độc khi tình hình an ninh trật tự còn nhiều bất ổn.
Nhiều người cho rằng công việc bắt cướp là của cơ quan công lực, hành vi của của hiệp sĩ là không cần thiết, gây nguy hiểm cho bản thân, thậm chí có người còn coi các anh không phải là Lục Vân Tiên mà là dạng như Lương Sơn bạc. Đó là một sự xúc phạm. Nếu không có các anh, các hiệp sĩ dám quên mình để chống lại cái ác cái xấu, thắp lên ngọn lửa thì xã hội này không lẽ chỉ toàn những người thờ ơ, vô cảm, không ai can thiệp vào chuyện gì dù có trái tai gai mắt...
Sự hy sinh của các hiệp sĩ đã mang lại xúc cảm mạnh mẽ, sự đồng cảm sâu sắc trong xã hội. Rõ ràng tinh thần hiệp sĩ cần được nuôi dưỡng và nhân lên. Không phải chỉ để chống lại những tên cướp đường phố. Những người trượng nghĩa, “những người sống vì mọi người”, tôn trọng pháp luật và dám bảo vệ lẽ phải, chống lại cái ác, bao giờ cũng cần, dù ở bất kỳ đâu trên thế gian này.
Chỉ có điều sau rất nhiều năm tồn tại, mô hình hiệp sĩ phòng chống tội phạm, đặc biệt là tội phạm đường phố vẫn không có bất cứ căn cứ nào để công nhận chính thức, chưa có cơ chế nào để bảo vệ an toàn cho họ. Điều này được chính ông Thiếu tướng, Phó Giám đốc Công an TP.HCM xác nhận và phải thốt lên hai từ “day dứt”. Cuộc đấu tranh nào cũng có mất mát, hy sinh nhưng trước sự hy sinh gây chấn động dư luận và cực kỳ đau xót này, người ta lại phải đặt câu hỏi: Tại sao sau rất nhiều năm hoạt động vẫn chưa thể trao một “tấm áo giáp” cho những con người hiệp nghĩa, xả thân vì sự bình yên cuộc sống. "Tấm áo giáp" được hình thành từ những việc nhỏ nhất như tổ chức họ thành lực lượng hỗ trợ chính thức cho công an, tổ chức các lớp huấn luyện kỹ năng để xử lý và ứng phó khi bị tấn công trong lúc thực hiện nhiệm vụ...
Cho dù cuộc sống của người dân đã khá hơn trước rất nhiều cả về vật chất và tinh thần nhưng xã hội vẫn còn đó những bất an. Người dân mong muốn điều gì, đó là sự an bình trong xã hội, bình yên trong mỗi gia đình. Sự việc này quả thực đã chạm đến từng căn nhà, ngõ phố. Để tranh thủ được sự đồng cảm sâu sắc của xã hội, các cấp chính quyền ngoài việc thăm hỏi, chia sẻ và phát biểu cần phải có cơ chế cụ thể để bảo vệ những mô hình hiệp sĩ đường phố. Bởi sự tồn tại của họ như một chiếc đèn cảnh báo (màu vàng), ít nhiều khiến tội phạm phải chần chừ trước khi ra tay. Và khi ấy, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ Quốc sẽ càng phát huy hiệu quả.
Rất nhiều người đến tiễn đưa họ, những người đã lựa chọn dấn thân và ngã xuống vì lợi ích cộng đồng. Bình dị mà cao quý, họ góp phần nhân lên những việc làm tử tế. Và trách nhiệm của những người ở lại là phải làm sao để sự xả thân và lòng tử tế không bao giờ lẻ loi và trên hết là sự an toàn cho những người nghĩa khí đấu tranh với cái ác./.
Nam Thắng