(Tổ Quốc) - Theo Văn phòng Chính phủ, trên cơ sở kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 25, Thủ tướng Chính phủ phân công các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ nghiên cứu, tiếp thu kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- 31.07.2018 Thực trạng và giải pháp xây dựng Chính phủ điện tử
- 08.08.2018 Hôm nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi)
- 08.08.2018 Chọn phương án thi tốt nghiệp THPT: Cần “trưng cầu dân ý” để hợp lòng dân
- 10.08.2018 Quốc hội làm rõ các quy định về nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì và phát biểu bế mạc Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Trong đó, với Dự án Luật Cảnh sát biển, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, làm rõ các nội dung sau: Xác định Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng vũ trang và làm rõ vị trí của tổ chức này phù hợp với tính chất hoạt động; rà soát các quy định về tuần tra, kiểm soát, huy động người, phương tiện, quyền truy đuổi trên biển, quyền hạn tiến hành bắt giữ tàu biển, các trường hợp được nổ súng của cán bộ, chiến sỹ Cảnh sát biển Việt Nam, thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra,… bảo đảm chặt chẽ, phù hợp với thực tế quản lý các vùng biển và hệ thống pháp luật trong nước, pháp luật quốc tế.
Về phối hợp hoạt động (Chương IV), đề nghị xây dựng 2 phương án để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Phương án 1: tiếp tục hoàn chỉnh các quy định về phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam để bảo đảm toàn diện, đầy đủ, khả thi (theo ý kiến của nhiều đại biểu). Phương án 2: quy định khái quát việc phối hợp hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam, nội dung cụ thể giao Chính phủ quy định chi tiết.
Với Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, giao Bộ Công an phối hợp với Thường trực Ủy ban Quốc phòng, An ninh của Quốc hội, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, làm rõ thêm các nội dung sau: Về khái niệm bí mật nhà nước (Điều 2), cần giải thích rõ, cụ thể hơn; về phạm vi bí mật nhà nước (Điều 10), cần nghiên cứu chỉnh lý nội dung để bảo đảm tính chặt chẽ, chính xác, đầy đủ; thể hiện rõ nội hàm của từng lĩnh vực phù hợp với tình hình thực tế; tránh quy định chung chung, khó xác định được nội dung thuộc bí mật nhà nước và bảo đảm thuận lợi để nghiên cứu ban hành danh mục bí mật nhà nước phù hợp với Hiến pháp.
Về ban hành danh mục bí mật nhà nước (Điều 12), cân nhắc và làm rõ việc quy định Quyết định ban hành danh mục bí mật nhà nước là văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời, rà soát kỹ về thẩm quyền, cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong việc lập danh mục để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; về phân loại bí mật nhà nước, cần nghiên cứu đánh giá thêm để bảo đảm tính khả thi, làm rõ cơ sở xác định hậu quả khi bí mật nhà nước bị xâm hại nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng...
Với Dự án Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), giao Thanh tra Chính phủ phối hợp với Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục tiếp thu chỉnh lý các nội dung: Về thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập (Điều 32), tán thành phương án giao Thanh tra Chính phủ, Thanh tra các bộ, ngành, Thanh tra cấp tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người thuộc diện kê khai công tác tại các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và chính quyền địa phương; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, thu nhập của người thuộc diện kê khai công tác trong cơ quan, tổ chức mình. Đây là phương án vừa bảo đảm sự tập trung, phân công, phân cấp trong hệ thống chính trị để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, cần nghiên cứu để quy định cụ thể hơn việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức các cơ quan thanh tra; bổ sung quy định kiểm soát đối với một số chức danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước chưa được quy định trong Luật này.
Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 37), tán thành việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, song thận trọng quy định việc kiểm soát tài sản, thu nhập của đại biểu Quốc hội không phải là cán bộ, công chức, viên chức; về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc (Điều 59), đề nghị Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu kỹ lưỡng từng phương án, bảo đảm có căn cứ lý luận và thực tiễn, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta; báo cáo Bộ Chính trị trước khi trình Quốc hội thông qua.
Về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước (Chương VIII), tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài Nhà nước, giới hạn áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng và một số loại hình tổ chức xã hội. Giao Chính phủ quy định thống nhất để các doanh nghiệp, tổ chức xã hội này thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng; về thanh tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài Nhà nước (Điều 89), nghiên cứu, cân nhắc về quy định thanh tra việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước để bảo đảm tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Về Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chuẩn bị kỹ Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định tại Phiên họp tháng 9 năm 2018 (nếu có).