(Tổ Quốc)- Ngày 23/10, Ban Chỉ đạo Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025" tổ chức Hội nghị tọa đàm “Xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh thực trạng và giải pháp”.
Vấn đề mang tính cấp thiết
Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” xác định rõ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị; thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Trong đó, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh được coi là một trong những cốt lõi của phát triển văn hóa Thủ đô thời kỳ mới.
Hội nghị nhằm làm rõ những vấn đề trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội; huy động những ý kiến đóng góp thiết thực vào dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho biết, việc nghiên cứu xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội là hiện thực khách quan, mang tính cấp thiết, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới ở Thủ đô, nhất là quá trình đô thị hóa đang diễn ra theo chiều hướng “văn hóa khó bắt kịp”, vấn đề gia đình và con người Hà Nội đang nổi lên nhiều bất cập, gây nên nhiều hệ lụy.
"Những giá trị nào trong hệ gia đình truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội cần gìn giữ và gìn giữ bằng cách nào? Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh đã đủ để thích ứng với yêu cầu của cuộc sống hiện đại hay chưa? Có cần xây dựng những phẩm chất nào mới không? Và nếu cần thì đó là phẩm chất gì? Các giải pháp khả thi, có hiệu quả cho việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh? ... Có thể nói, hàng loạt vấn đề cũ có, mới có nhưng đều đặt ra cho văn hóa Hà Nội những nhiệm vụ mới trong điều kiện mới. Để hoàn thành những nhiệm vụ đó, Hà Nội cần triển khai một kế hoạch có tầm chiến lược, đồng bộ và có tính khả thi"- ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.
Trong khi đó, PGS.TS Lương Đình Hải, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu con người (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) nhận định, Hà Nội đã rất nhanh nhạy, sáng tạo và thiết thực khi là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa vấn đề trên ra bàn thảo, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân từ thành phố tới cơ sở về việc gìn giữ, bồi đắp và lan tỏa văn hóa nói chung; vai trò, tầm quan trọng của việc định hình hệ giá trị gia đình và chuẩn mực văn hóa Thủ đô nói riêng.
"Tôi cho rằng, điều cần quan tâm phân tích, bàn thảo chính là làm cho rõ được hệ giá trị và chuẩn mực văn hóa tiêu biểu của người Hà Nội trong hàng trăm, hàng ngàn những giá trị văn hóa tốt đẹp hiện hữu từ xưa tới nay, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả để củng cố, lan tỏa”, PGS.TS Lương Đình Hải nói.
Cần các giải pháp có tính bài bản và đồng bộ
Hội nghị thu hút hơn 40 bài tham luận cùng ý kiến phát biểu đóng góp tại tọa đàm, qua đó thống nhất quan điểm xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh là góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô phát triển vững chắc - nền tảng để xây dựng hệ giá trị quốc gia văn minh và giàu bản sắc; xây dựng gia đình thực sự là tổ ấm hạnh phúc của mỗi người chính là cơ sở để thực hiện khát vọng phát triển đất nước hùng cường với những con người có tầm vóc về thể lực, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, hội tụ về trí tuệ, tài năng. Đó cũng chính là nền tảng cơ bản, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu để xây dựng hệ giá trị gia đình Thủ đô trong tình hình mới.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Nguyễn Quốc Hoàn, việc xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh có mối quan hệ chặt chẽ, tuy một mà hai, tuy hai mà một. Chính vì vậy, xây dựng hệ giá trị cốt lõi của gia đình không thể tách rời giá trị thanh lịch, văn minh - nét truyền thống, vốn tinh hoa mà ông cha đã trao truyền lại cho mỗi người dân Hà Nội. Ngược lại, chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh chính là sự thể hiện ra bên ngoài xã hội của những giá trị mà mỗi cá nhân đã được bồi đắp, giáo dục từ trong gia đình.
"Công tác xây dựng gia đình văn hóa luôn được quan tâm, chú trọng, đảm bảo nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng, tuân thủ chặt chẽ quy trình đăng ký, bình xét và công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa. Đưa tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực để bình xét các danh hiệu văn hóa nhằm đạt mục tiêu gia đình hạnh phúc, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và bền vững. Các nội dung phòng, chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới vào nội dung hoạt động định kỳ của câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, câu lạc bộ văn hóa gia đình, câu lạc bộ gia đình trẻ trên địa bàn 18 phường"- ông Nguyễn Quốc Hoàn nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Bí thư huyện Mê Linh cho biết, huyện quan tâm xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc bằng việc đưa các chỉ tiêu cơ bản về gia đình vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của huyện. Huyện đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng gia đình, phòng chống bạo lực gia đình đem lại những hiệu quả tích cực, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa phát triển kinh tế, xã hội. Huyện Mê Linh cũng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền xây dựng các mô hình văn hóa, các quy tắc ứng xử góp phần nâng cao chất lượng phong trào văn hóa. Công tác giữ gìn, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp, xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ các hủ tục, mê tín dị đoan trong sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo của quần chúng nhân dân tiếp tục được duy trì.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn văn hóa - xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Hội nghị tọa đàm hôm nay là chương trình đầu tiên được triển khai trong chuỗi sự kiện nhằm huy động những đề xuất, góp ý định hình, xây dựng cho được hệ giá trị gia đình Thủ đô và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng như xây dựng, hoàn thiện dự thảo Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
“Sau hội nghị này, Hà Nội vẫn cần tiếp tục huy động những đóng góp thiết thực để không chỉ giải mã những vấn đề đặt ra trong công tác xây dựng hệ giá trị gia đình và chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh mà còn là các giải pháp có tính bài bản và đồng bộ để triển khai hiệu quả nội dung này, phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa trong phát triển nhanh và bền vững Thủ đô”, Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức bày tỏ./.