• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người Bru-Vân Kiều qua ống kính của nhà khoa học Hungary

Văn hoá 23/02/2019 09:33

(Tổ Quốc) - Tổng Lãnh sự quán Hungary tại TPHCM vừa phối hợp cùng Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM khai mạc trưng bày hình ảnh với chủ đề "Thần linh, tổ tiên và thầy cúng người Bru-Vân Kiều ở dãy Trường Sơn".

Người Bru-Vân Kiều qua ống kính của nhà khoa học Hungary - Ảnh 1.

Tác giả Vargyas Gábor chia sẻ với khách tham quan về các bức ảnh tại triển lãm. Ảnh: TTXVN

Tại Triển lãm trưng bày hơn 250 bức ảnh của một nhà khoa học người Hungary về cuộc sống và tín ngưỡng của người Bru - Vân Kiều, một tộc người vùng cao điển hình của Đông Nam Á và là một trong 53 dân tộc thiểu số tại Việt Nam.

Dân tộc Bru - Vân Kiều cư trú của tập trung ở những vùng rừng núi dọc theo dãy Trường Sơn hùng vỹ thuộc địa bàn 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa của tỉnh Quảng Trị. Trong quá trình đấu tranh sinh tồn và phát triển, người Bru - Vân Kiều đã sáng tạo nên những di sản văn hóa truyền thống mang dấu ấn của môi trường sống, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trong cộng đồng 53 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

Văn hóa của người Bru - Vân Kiều là văn hóa với các yếu tố mang tính bản địa, có quá trình phát sinh và phát triển nội tại gắn với lịch sử sinh thành của các tộc người. Do những tính chất đặc thù của điều kiện cư trú, hoàn cảnh kinh tế, xã hội và ít có quan hệ giao lưu với các yếu tố mới của văn minh bên ngoài nên văn hóa của các dân tộc thiểu số Quảng Trị vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng riêng mang đậm tính bản sắc tộc người.

Tại Quảng Trị người Bru-Vân Kiều có khoảng hơn 55.000 người. Cộng đồng dân tộc Bru-Vân Kiều luôn có truyền thống đoàn kết xây dựng quê hương, một lòng theo Đảng và Bác Hồ, tự hào lấy họ Hồ làm họ của mình.

Những bức ảnh này được tác giả Vargyas Gábor chụp từ năm 1985 đến 1989, trong những chuyến nghiên cứu thực địa dân tộc học về người Bru - Vân Kiều ở Khe Sanh (tỉnh Quảng Trị), trong khuôn khổ hợp tác giữa hai Viện Hàn lâm khoa học Hungary và Việt Nam.

Các bức ảnh phản ánh sinh động về đời sống, truyền thống, nghi lễ và đời sống hàng ngày của người Bru - Vân Kiều. Triển lãm thể hiện sự gắn bó trong quan hệ hợp tác, giao lưu, trao đổi nghiên cứu của các nhà khoa học hai nước nói riêng và các lĩnh vực khác trong quan hệ hai nước nói chung. Thông qua trưng bày, ông muốn kể với người xem câu chuyện về đức tin, cuộc sống…

Vargyas Gábor là một trong những nhà dân tộc học nước ngoài nổi tiếng nghiên cứu điền dã ở Việt Nam lâu năm nhất.

Triển lãm sẽ kéo dài đến hết ngày 28/2.

Lan Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ