• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình, cộng đồng và thế hệ trẻ

Văn hoá 12/12/2022 14:31

(Tổ Quốc) - Trong mỗi gia đình, bên cạnh việc nuôi dạy, chăm sóc, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ sau, người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục.

Vai trò của người cao tuổi trong gia đình và xã hội

Trong truyền thống của người Việt Nam rất coi trọng người cao tuổi. Người cao tuổi với kinh nghiệm sống, sự từng trải luôn là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình, cộng đồng và thế hệ trẻ. Không những vậy, người cao tuổi trong mỗi gia đình đã có những tác động trực tiếp nên sự hình thành, phát triển của văn hóa gia đình trong việc giáo dục con cháu, từ đó góp phần hun đúc và tạo nên những phẩm chất tốt đẹp của văn hóa dân tộc. 

Trong mỗi gia đình, bên cạnh việc nuôi dạy, chăm sóc, là chỗ dựa tinh thần cho thế hệ sau, người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục cũng như truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu, đồng thời là người giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại.

Người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình, cộng đồng và thế hệ trẻ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên khuyến khích, động viên người cao tuổi phải tự mình học tập, nâng cao dân trí, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ con cháu noi theo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ trách nhiệm của người cao tuổi là phải yêu quý, dìu dắt, bồi dưỡng lớp trẻ, phải san sẻ kinh nghiệm và làm gương cho con cháu noi theo. Người cao tuổi luôn được xem là nguồn lực quan trọng của dân tộc, là rường cột của gia đình và xã hội Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nước nhà hưng, suy, tồn, vong; phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề".

Trong nhiều ăm qua cho thấy người cao tuổi thể hiện vai trò trong: hoạt động kinh tế; tham gia, quyết định công việc gia đình; giáo dục, truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, truyền thống văn hóa, đạo đức cho con cháu; chia sẻ tâm tư, tình cảm với con cháu, gìn giữ nề nếp gia đình. Còn trong cộng đồng, vai trò của người cao tuổi thể hiện thông qua việc truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị văn hóa truyền thống; đóng góp ý kiến, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương; tham gia đoàn thể, tổ chức chính trị- xã hội; hòa giải mâu thuẫn, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; tham gia công việc của họ hàng, dòng họ.

Người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình

Ở Việt Nam truyền thống về trợ giúp và chăm sóc người cao tuổi đã tồn tại trong các gia đình, đặc biệt là đối với người con đã trưởng thành. Chính những quan niệm truyền thống, phong tục văn hóa gia đình người Việt đã làm cho mối quan hệ giữa người cao tuổi và các thành viên trong gia đình ngày càng mật thiết hơn, gắn bó với nhau gần gũi hơn, người trẻ kính trọng người già - TS. Lê Thị Bích Hồng.

Người cao tuổi là tấm gương sáng trong giáo dục gia đình, cộng đồng và thế hệ trẻ - Ảnh 2.

Ảnh minh họa (Nam Nguyễn)

Theo TS. Vũ Thy Huệ thì cần phải chú ý đến những kinh nghiệm truyền thống của cha ông về xây dựng văn hóa, đạo đức trong gia đình. Đó là  sự gương mẫu của ông bà, cha mẹ về đạo đức. Ông bà, cha mẹ và người lớn trong gia đình phải là tấm gương đạo đạo cho con em noi theo. Tục ngữ Việt Nam đã đúc kết "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó" , "giỏ nhà ai, quai nhà nấy" hay "phụ từ, tử hiếu" như một quy luật, một triết lý giáo dục văn hóa, đạo đức trong gia đình. Hành vi đạo đức của ông bà, cha mẹ không chỉ để lại "quả đức" cho con cháu mà còn là sự gieo trồng đạo đức cho thế hệ sau "mạc nhi chủng phúc lưu tâm địa" (nghĩa là trồng vườn phúc ở trong lòng lưu lại cho đời sau). Hiện nay, Hội người cao tuổi Việt Nam phát động  phong trào "Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền" chính là sự tiếp nối truyền thống và kinh nghiệm của cha ông trong giáo dục văn hóa đạo đức của gia đình Việt Nam.

Nhiều năm nay, phong trào "Ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền" đã trở thành nét đẹp văn hóa trong hoạt động của người cao tuổi trên cả nước. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình mẫu mực của ông bà, tấm lòng hiếu thảo của con cháu tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư.

Truyền thống xây đắp gia phong và giáo dục gia phong trong các gia đình cần được phát huy. Gia phong là truyền thống tốt đẹp của gia đình được các thế hệ đi trước phấn đấu xây đắp và truyền lại cho các thế hệ sau noi theo, kế thừa và phát triển. Trong đó truyền thống đạo đức là yếu tố cốt lõi của gia phong, là nền tảng tinh thần của sự tồn tại bền vững của một gia đình- TS. Vũ Thy Huệ nhấn mạnh. 

Hạ Yên



* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ