(Tổ Quốc) - Bằng kinh nghiệm, uy tín, tri thức, trách nhiệm, những người có uy tín trên địa bàn thôn Đá Bàn, xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện hiệu quả công tác xóa đói giảm nghèo, thi đua phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Thôn Đá Bàn thuộc xã Phước Tân, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên là một xã thuộc khu vực III vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Phú Yên với điều kiện kinh tế - xã hội chưa phát triển nhiều. Thôn Đá Bàn cách trung tâm của xã Phước Tân 02 km, thôn Đá Bàn có tổng số 77 hộ dân với 322 nhân khẩu (nam 176 người, nữ 163 người), trong đó: hộ đồng bào dân tộc thiểu số 71 hộ với 301 nhân khẩu (nam 163 người, nữ 139 người); hộ người Kinh 06 hộ với 22 nhân khẩu (12 nam người, 09 nữ người); số hộ nghèo 14/77 hộ (chiếm tỷ lệ 18,18%); số hộ cận nghèo 22/77 hộ (chiếm tỷ lệ 28,57%).
Trong những năm qua, thôn Đá Bàn đã có bước phát triển về kinh tế - xã hội. Đặc biệt, về kinh tế có cải thiện về kinh tế rõ rệt, nhiều hộ nông dân đã chuyển đổi mô hình kinh tế và thoát nghèo bền vững. Để có được kết quả đó là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực vượt khó vươn lên của đồng bào các dân tộc trên địa bàn và sự đóng góp tích cực của người có uy tín trên các lĩnh vực.
Điển hình như ông La O Lanh, sinh năm 1952, người có uy tín được người dân địa phương tin tưởng đã có nhiều đóng góp trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng khối đại đoàn kết tại địa phương. Để công tác thực hiện xóa đói giảm nghèo đạt được nhiều thành tựu cao, ông La O Lanh đã không ngại khó, trực tiếp đến từng hộ gia đình trong thôn, buôn để vận động người dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến nhân dân.
Đồng thời, thực hiện lồng ghép tuyên truyền trong các ngày lễ hội của các dân tộc; trong các buổi sinh hoạt ở các khu dân cư; tuyên truyền bằng việc làm cụ thể: định hướng cho bà con chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế; phát động nhiều phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, xóa đói giảm nghèo; hướng dẫn các gia đình thực hiện nhiều phương thức sản xuất, hiệu quả.
Đặc biệt, trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xác định cây mía, sắn là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, ông La O Lanh đã luôn tiên phong và tích cực vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, tạo thu nhập ổn định, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng thu nhập từ cây mía và các dịch vụ mua bán nhỏ.
Từ việc thu nhập của người dân được nâng lên, nhiều hộ dân đã đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp như: máy cày tay, máy cày kéo móc, 02 xe tải lớn (xe ba chân), máy xay xát gạo. Nhờ đó, mà nhân dân giảm bớt khó khăn nhọc nhằn trong lao động sản xuất, diện tích gieo trồng trên địa bàn thôn tăng qua các năm, tổng diện tích gieo trồng đạt 137,5 ha với sản lượng ngày càng tăng lên, trong đó: Diện tích cây lúa nước là 18 ha; Diện tích cây lúa cạn là 02 ha; Diện tích cây mía là 62 ha; Diện tích cây sắn là 14 ha; Diện tích cây keo là 40 ha; Diện tích các loại cây trồng khác là 1,5 ha.
Việc định hướng cho bà con trong thôn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, quy mô chăn nuôi được mở rộng, tình hình sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi tại khu dân cư phát triển ổn định, tổng đàn bò trong thôn là 280 con, trong đó, bò lại 79 con (tăng 08 con); tổng đàn heo 25 con; các loại gia cầm khác 700 con. Qua đó góp phần nâng cao thu nhập của gia đình, điều kiện sống của nhân dân được cải thiện, nhiều hộ thoát nghèo thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo làm giàu góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Không chỉ có nhiều đóng góp trong công tác giảm nghèo, ông La O Lanh còn có những đóng góp quan trọng trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phát triển kinh tế; giáo dục con cháu; bảo tồn, phát huy giá trị đạo đức, phong tục tập quán, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tô thắm thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông đã cùng với cán bộ và nhân dân khu dân cư thôn Đá Bàn đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, tích cực vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, thể hiện sự gương mẫu, tích cực trong vận động nhân dân tham gia hiến đất, giải phóng mặt bằng để mở rộng các tuyến đường giao thông nông thôn và các công trình phúc lợi, góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi tiêu chí về cơ sở hạ tầng trong xây dựng nông thôn mới, cùng phối hợp các ban ngành, đoàn thể tuyên truyền vận động bà con thực hiện tốt chính sách, chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Qua đó, có thể khẳng định, không chỉ ông La O Lanh, mà những người có uy tín nói chung là lực lượng nòng cốt hết sức đặc biệt trong vùng đồng bào dân tộc rất lớn trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, an ninh quốc phòng, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân, là cơ sở để thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc, là kênh thông tin tuyên truyền, thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
Những người có uy tín trong cộng đồng luôn là những người gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là cầu nối quan trọng giữa chính quyền với nhân dân, là địa chỉ tin cậy của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các đoàn thể nhân dân, có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - trật tự của địa phương./.