• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân Đà Nẵng sáng tạo kịch sân khấu chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em

Văn hoá 24/11/2022 17:13

(Tổ Quốc) - Đổi mới việc tuyên truyền và đẩy mạnh sự tham gia của cộng đồng trong việc phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em, người dân Đà Nẵng đã sáng tạo nhiều vở kịch sân khấu thu hút sự tham gia của hàng trăm người dân tại địa phương.

Chương trình giao lưu sân khấu hóa truyền thông "An toàn cho phụ nữ và trẻ em" do Hội Liên hiệp phụ nữ Đà Nẵng vừa tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện. 

Đây là hoạt động hưởng ứng cao điểm Tháng hành động quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới (15/11-15/12) và Chiến dịch toàn cầu 16 ngày đoàn kết hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11 – 15/12/2022).

Với 9 tiểu phẩm sân khấu đến từ các quận, huyện, Công an thành phố và khách mời là CLB Nam giới tiên phong của thành phố Hồ Chí Minh, chương trình mang lại những tiếng cười và cả nước mắt về những tình huống sát thực tế với cách xử lý giải quyết đa dạng, hợp tình, hợp lý, đúng quy định pháp luật. Đây là cơ hội để các bên giao lưu, chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng giải quyết vụ việc phục vụ cho công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em tại địa phương.

Người dân Đà Nẵng sáng tạo kịch sân khấu chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Ảnh 1.

Chương trình giao lưu sân khấu hóa truyền thông “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Bà Hoàng Thị Thu Hương - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng cho biết, bình đẳng giới là một trong những mục tiêu phấn đấu của các quốc gia trên thế giới, nhằm hướng đến một xã hội tiến bộ, bình đẳng và phát triển bền vững. Trong những năm qua, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đã có sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới.

Cán bộ nữ giữ các chức danh chủ chốt các cấp được tăng cường; tỷ lệ lao động nữ tham gia vào thị trường lao động ngày càng tăng; các tầng lớp phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Nhận thức của toàn xã hội về đấu tranh, phòng ngừa bạo lực gia đình, bạo lực giới từng bước nâng cao. Việc triển khai xây dựng các điểm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ về phòng, chống bạo lực gia đình đã đạt kết quả bước đầu quan trọng.

"Tuy nhiên, trong 2 năm 2020, 2021, Đà Nẵng chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hệ luỵ từ dịch bệnh để lại nhiều vụ việc bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, bất bình đẳng giới vẫn xảy ra. Phụ nữ và trẻ em chịu nhiều tổn thương từ hệ quả của dịch bệnh, như mất việc làm, vấn đề sức khỏe, tinh thần và tâm lý bị ảnh hưởng…Nhiều trẻ em hằng ngày phải chứng kiến cảnh bạo lực giữa chính người bố và người mẹ của mình, trong khi đó hầu hết các vụ việc bạo lực gia đình, người phụ nữ luôn cam chịu không dám lên tiếng để bảo vệ bản thân, bảo vệ hạnh phúc gia đình. Nhức nhối hơn, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em trong gia đình còn xảy ra bởi chính cha ruột/bố dượng đã để lại vết xước lớn trong tâm hồn những đứa trẻ bị hại. Trong số đó, có em khi bị xâm hại chưa đủ ý thức để chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, trường học. Vấn nạn này như hồi chuông cảnh báo cho mỗi gia đình trong chăm lo, giáo dục, nuôi dạy con cái và hơn hết là trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, các cấp, các ngành và của toàn xã hội trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới," bà Hoàng Thị Thu Hương nói.

Người dân Đà Nẵng sáng tạo kịch sân khấu chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Ảnh 2.

Bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Đà Nẵng.

Theo bà Hương, chung tay trong công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em thời gian qua, Hội LHPN thành phố đã tập trung đổi mới hình thức trong công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, vận động hội viên phụ nữ, huy động sức mạnh dư luận hướng đến mục tiêu bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ. 

Thông qua các sự kiện truyền thông, các thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ấn phẩm về phòng chống bạo lực, kiến thức bình đẳng giới, các vấn đề liên quan đến phụ nữ để mỗi hội viên phụ nữ, mỗi người dân tự nâng cao nhận thức, ý thức thúc đẩy bình đẳng giới, phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em; đặc biệt hiệu ứng lan tỏa của trang Facebook "Phụ nữ Đà Nẵng - Lắng nghe và chia sẻ", Fanpage Hội LHPN thành phố đã kịp thời tuyên truyền, cung cấp thông tin hoạt động tới cán bộ, HVPN. 

Hội các cấp cũng đã xây dựng các mô hình, địa chỉ tin cậy để chị em tiếp cận, nâng cao năng lực, kiến thức tự bảo vệ bản thân, chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm bảo vệ bản thân tránh được các hành vi bạo lực, lên tiếng khi bị bạo lực, như: "Nhà tạm lánh"; mô hình "Sắc cam- Hãy lên tiếng khi bạn cần"; "3 an toàn", ngôi nhà an toàn; "Chuyến xe an toàn - Cùng em đến trường"; CLB Xe đạp thể thao - tuyên truyền lưu động phụ nữ tư vấn pháp lý cho phụ nữ và trẻ em; phong trào "Phụ nữ 3 đẹp - 3 An toàn"; củng cố, duy trì hoạt động của các Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, các tổ phản ứng nhanh, CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc...

Người dân Đà Nẵng sáng tạo kịch sân khấu chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em - Ảnh 3.

Người dân Đà Nẵng sáng tạo kịch sân khấu chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em.

Điểm nổi bật trong xây dựng mô hình và huy động lực lượng nam giới tại cộng đồng chính là Câu lạc bộ "Nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái" là mô hình tiêu biểu về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em. Từ năm 2014, CLB đã thí điểm thành lập CLB Nam giới tại các phường, xã thuộc quận Hải Châu, huyện Hoà Vang do Hội phụ nữ quản lý tập hợp đã huy động sự tham gia của 100% nam giới.

Cho đến nay, CLB đã được nhân rộng ở các quận, huyện, trong Công an thành phố với 15 CLB, 420 thành viên CLB. Việc nhân rộng các CLB Nam giới trong cộng đồng nhằm tăng cường vai trò nam giới trong phòng ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em; đồng thời xây dựng được lực lượng cốt cán, tích cực trong việc tuyên truyền và hỗ trợ giải quyết các vụ việc liên quan đến bạo lực phụ nữ, trẻ em tại khu dân cư; tạo cảm hứng cho nam giới trong cộng đồng trở thành những người tiên phong trong vận động phòng ngừa bạo lực, chung tay xây dựng thành phố an toàn-không bạo lực với phụ nữ và trẻ em. 

Lan toả công tác truyền thông những năm qua, chính là sự kiện nổi bật Chương trình "Sắc cam - Thắp sáng và Hành động", với điểm nhấn thắp sáng màu Cam tại cầu Rồng, hiệu ứng cam sẽ được thắp sáng liên tục từ các tối ngày 25/11 - 15/12 để hưởng ứng chiến dịch toàn cầu 16 ngày đoàn kết hành động xóa bỏ bạo lực với phụ nữ. Đây là thông điệp hết sức ý nghĩa thể hiện cam kết của thành phố trong phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em, rất mong các đồng chí lãnh đạo, quý vị đại biểu, anh, chị, em quan tâm chia sẻ đến người thân cũng như người dân toàn thành phố để lan tỏa thông điệp ý nghĩa sắc Cam về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới vì một thành phố an toàn, giàu đẹp, văn minh.

"Hội LHPN thành phố cũng đã chọn "Sắc Cam" là sắc màu trang phục riêng của phụ nữ Đà Nẵng, thể hiện sự năng động, đổi mới và hy vọng về tương lai tươi sáng, tốt đẹp hơn cho phụ nữ, trẻ em thành phố và cam kết cùng hành động liên quan tới xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Sự kiện "sắc Cam" được cán bộ, HVPN hưởng ứng tích cực từ cấp cơ sở, tạo hiệu ứng, lan tỏa, đồng thuận cùng chung tay hướng tới xây dựng môi trường an toàn, thân thiện với phụ nữ và trẻ em. Và trong sáng hôm nay, chúng ta cùng với trang phục Cam rực rỡ sẽ cam kết cho các hoạt động phòng ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em", Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Đà Nẵng chia sẻ. 

Với 9 tiểu phẩm sân khấu đến từ các quận, huyện, Công an thành phố và khách mời là CLB Nam giới tiên phong của thành phố Hồ Chí Minh, chương trình mang lại những tiếng cười và cả nước mắt về những tình huống sát thực tế với cách xử lý giải quyết đa dạng, hợp tình, hợp lý, đúng quy định pháp luật. Đây là cơ hội để các bên giao lưu, chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng giải quyết vụ việc phục vụ cho công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em tại địa phương.

Hương An



*Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện

NỔI BẬT TRANG CHỦ