• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người dân Kon Tum đổ xô đi bắt sâu ban miêu: Bác sĩ lo ngại nguy cơ ngộ độc, tử vong

Sức khỏe 29/08/2019 16:06

(Tổ Quốc) - Trong những ngày gần đây, người dân tỉnh Kon Tum đổ xô đi bắt loài bọ cánh cứng hay còn gọi là sâu đậu, sâu ban miêu vì được thương lái thu mua với giá rất cao. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế chưa thấy đâu nhưng đã có một số trường hợp bị bỏng nặng thậm chí tử vong vì ngộ độc từ sâu ban miêu.

Nhiều trường hợp tử vong

Ngày 20/8, em A Ngãi (10 tuổi, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum) cùng 2 bạn đi vào rẫy lúa trong làng để bắt sâu ban miêu. Sau khi bắt được các em đã bán được 10 ngàn đồng để chia nhau.

mot_BN_ngo_doc_sau_ban_mieu_dieu_tri_tai_TTCD (1)

Bệnh nhân từng cấp cứu tại BV Bạch Mai vì ngộ độc sâu ban miêu.

Sau khi về nhà, em A Ngãi bị nóng rát, lở loét quanh cổ và miệng nên gia đình đã đưa em đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai trong vài năm gần đây cũng ghi nhận gần chục trường hợp ngộ độc sâu ban miêu rất nặng. Hai trong số các trường hợp này tử vong còn lại là bị biến chứng như suy thận, viêm phổi, gan.

Cụ thể, cách đây khoảng 3 năm, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai đã cấp cứu cho một gia đình ở Thanh Hóa gồm 4 người nhập viện vì ăn sâu ban miêu. Theo lời kể, các bệnh nhân này sau khi bắt được sâu ban miêu thì rang lên ăn và bị ngộ độc sau đó.

Được biết, các bệnh nhân sau khi ăn sâu ban miêu khoảng 20 – 30 phút thì xuất hiện tình trạng đau rát cổ họng, đau bụng, nôn mửa ra máu. Gia đình khi phát hiện đã lập tức chuyển đến bệnh viện để cấp cứu.

Chưa có phác đồ điều trị hiệu quả

Theo Ths.Bs Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, sâu ban miêu còn gọi là manh trùng, ban manh hay ban meo. Đây là loài sâu cánh cứng, dài khoảng 15 – 20mm, ngang 4 – 6mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi.


001e2efd78bd91e3c8ac

Sâu ban miêu.

Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho biết, ngộ độc sâu ban miêu tuy gặp không nhiều nhưng rất nặng nề, tỷ lệ tử vong cao và gây khó khăn cho các bác sĩ cấp cứu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này.

"Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ ruột, dạ dày cho đến các cơ quan khác như cơ, gan, thận, máu" – bác sĩ Nguyên cho hay.

Trên thế giới từ trước tới nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả, điều trị thực tế thay đổi tùy thuộc vào điều kiện cơ sở vật chất của cơ sở y tế và khả năng hồi sức của có thể. Theo ghi nhận, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều tử vong.

Các chuyên gia khuyến cao, để phòng tránh ngộ độc từ sâu và bọ xít, người dân cần tuyệt đối không dùng loài côn trùng này để làm thực phẩm hoặc cho vào vị thuốc để chế biến. Nếu phải đi bắt sâu, người dân chú ý sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với da, đặc biệt là mắt.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ