(Tổ Quốc) -Chiều 19/12, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã trả lời nhiều thắc mắc liên quan tới việc vận hành tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã- bến xe Yên Nghĩa.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư phát triển giao thông Hà Nội Vũ Hà cho hay, buýt nhanh BRT có thời gian phục vụ từ 5h sáng đến 22h đêm, tần suất phục vụ ngày thường là 5-10-15 phút/lượt, ngày chủ nhật là 7-10-15 phút/lượt. Số xe đưa vào vận hành là 24 xe. Giá vé thời gian đầu là 7.000 đồng/lượt, vé bán như vé xe buýt thường.
Đặc biệt, trong 1 tháng đầu chạy thử nghiệm, sẽ miễn phí cho người dân trải nghiệm dịch vụ xe buýt mới trên địa bàn TP.
Theo kế hoạch vận hành thử nghiệm kỹ thuật của buýt nhanh BRT, từ 18 đến 23/12/2016 lái xe thử nghiệm tác nghiệp trên làn đường riêng, dừng đỗ; từ 24 đến 27/12/2016 thử nghiệm vận hành xe BRT theo tuyến được duyệt với tình huống giả định dừng đón trả khách.
Từ 27 đến 28/12 thử nghiệm vận hành tuyến theo biểu đồ hoạt động của phương án trong các khung giờ cao điểm, rà soát tình trạng kỹ thuật toàn bộ đoàn phương tiện.
Từ 29 đến 31/12 hiệu chỉnh các thiết bị bị (nếu có), bổ sung các nội dung cần thiết để tạo thuận lợi hoạt động của tuyến BRT và chính thức hoạt động chính thức từ ngày 1/1/2017.
Người dân sẽ được đi một tháng miễn phí tuyến buýt nhanh Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn |
Sở Giao thông vận tải Hà Nội thừa nhận, tuyến buýt nhanh BRT hiện vẫn còn một số hạn chế như chưa có hệ thống soát vé tự động.
Trong giai đoạn đầu, việc bán và soát vé tại nhà chờ sẽ do Tổng công ty vận tải Hà Nội (Transerco) tổ chức thực hiện.
Sở Giao thông vận tải Hà Nội cùng Công an TP Hà Nội sẽ tiếp tục đánh giá tình trạng thực tế trên tuyến để từng bước hoàn thiện phương án tổ chức giao thông, hạn chế ảnh hưởng sự đi lại của người dân trong khu vực.
Ông Vũ Hà cũng cho biết, với tình hình giao thông trên địa bàn Hà Nội hiện nay, TP đã cố gắng ưu tiên tối đa trong tổ chức phân luồng giao thông cho buýt nhanh. Từng bước thay đổi thói quen sử dụng phương tiện công cộng của người dân.
“Không thể hy vọng một bước sẽ giúp giao thông Hà Nội thông thoáng hơn mà chúng ta phải làm từng bước” - ông Hà chia sẻ.
Theo Trưởng ban giao thông của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, bà Jung Eun Oh, nếu Hà Nội không có động thái nào mà để phương tiện cá nhân phát triển như hiện nay thì tình trạng tắc nghẽn sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
“Phát triển giao thông công cộng để giảm ùn tắc giao thông là cách tiếp cận đúng”- bà Jung Eun Oh nói.
Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội được UBND TP Hà Nội phê duyệt và phê duyệt từ năm 2007 và phê duyệt điều chỉnh vào các năm 2013 và 2016. Trong đó hợp phần xe buýt nhanh BRT với kinh phí 53,6 triệu USD thực hiện đầu tư xây dựng một tuyến xe buýt có dịch vụ chất lượng cao gồm nhiều hạng mục.
Buýt nhanh BRT Hà Nội từ Kim Mã tới bến xe Yên Nghĩa là tuyến thí điểm, lần đầu tiên áp dụng thử nghiệm tại Việt Nam có chiều dài khoảng 14,7km, đi qua địa bàn 5 quận trên địa bàn TP.
Giải thích việc triển khai tuyến buýt chậm trễ, bà Jung Eun Oh cho rằng, có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do các phương án kỹ thuật triển khai lần đầu, chưa đủ cơ sở, hành lang pháp lý cũng như thay đổi thiết kế kỹ thuật.
Còn Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện thì cho rằng, tuy việc triển khai xây dựng buýt nhanh bị chậm nhưng tổng mức đầu tư của dự án không vượt so với mức phê duyệt ban đầu./.
Thái Linh