Người gìn giữ và trao truyền nhiều giá trị văn hóa của đồng bào Vân Kiều, Pa Cô
(Tổ Quốc) - Đam mê tìm hiểu, khám phá văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số, ông Hồ Phương đã dành nhiều thời gian tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật về đồng bào Vân Kiều, Pa Cô sinh sống tại Quảng Trị. Việc làm này đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, quảng bá văn hóa của địa phương đến với đông đảo người dân và du khách.
Giữa khuôn viên khách sạn Đông Trường Sơn (TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị), tiếng cồng chiêng hòa cùng nhịp trống scơr rộn rã thu hút sự chú ý của nhiều người. Tham gia biểu diễn các nhạc cụ là những già làng uy tín, tiêu biểu người Vân Kiều, Pa Cô.
Hoạt động trải nghiệm thú vị này được tổ chức trong "Không gian văn hóa Hồ Phương" nhân dịp diễn ra Đại hội Đại biểu các Dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị năm 2024. Đây không chỉ là cơ hội để mọi người khám phá và cảm nhận những giá trị văn hóa độc đáo mà còn là dịp để giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các cộng đồng. Góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc trong thời đại mới.
"Không gian văn hóa Hồ Phương" trưng bày nhiều hiện vật như trang phục, dụng cụ sinh hoạt, dụng cụ sản xuất, nhạc cụ truyền thống… của đồng bào hai dân tộc Vân Kiều và Pa Cô sinh sống tại các huyện miền núi phía Tây tỉnh Quảng Trị. Các hiện vật này được ông Hồ Phương (thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cố công sưu tầm nhiều năm qua.
Có mặt tham quan, trải nghiệm tại "Không gian văn hóa Hồ Phương", ông Hồ Xuân Lương, già làng uy tín xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) cho hay, hiện nay nhiều nét văn hóa, nhiều lễ hội của đồng bào Vân Kiều đang có nguy cơ bị mai một. Trước thực tế này, việc làm của ông Hồ Phương là rất đáng quý, khi đã bỏ thời gian để sưu tầm hiện vật rồi mang đi trưng bày, giới thiệu đến với mọi người.
"Tôi rất vui khi thấy những nét văn hóa đặc trưng của đồng bào mình được trưng bày và giới thiệu đến với mọi người. Càng vui hơn vì được tự mình trải nghiệm, tự mình biểu diễn các nhạc cụ truyền thống tại đây để góp phần quảng bá. Hy vọng trong thời gian tới, những hoạt động như thế này sẽ được tổ chức thường xuyên hơn để nhiều người có cơ hội tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Vân Kiều và Pa Cô", già làng Hồ Xuân Lương nói.
Ông Hồ Phương cho biết, công tác sưu tầm các hiện vật được ông thực hiện hơn 20 năm qua, từ khi ông bắt đầu về nhận công tác tại huyện Đakrông (tỉnh Quảng Trị). Chính niềm đam mê tìm hiểu, khám phá văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số đã thôi thúc ông rong ruổi khắp các bản làng để tìm kiếm, sưu tầm.
Phần lớn những hiện vật mà ông sưu tầm được đồng bào Vân Kiều, Pa Cô hiến tặng, số khác được mua bằng tiền lương tích cóp. Mỗi hiện vật sưu tầm được là một câu chuyện sống động về đời sống, phong tục, tập quán và tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Cô sinh sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.
Đến nay, ông Hồ Phương đang sở hữu trên 200 hiện vật hiếm có. Các hiện vật này ngoài mang đi trưng bày, giới thiệu tại các sự kiện còn được ông trưng bày tại gia đình, lấy tên là "Phương gia viên". Đây như một địa chỉ văn hóa, một bảo tàng tàng văn hóa Vân Kiều, Pa Cô thu nhỏ để phục vụ người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu học tập.
Hiện tại, mỗi năm "Phương gia viên" đón từ 3.000 – 4.000 lượt khách tham quan. Các hoạt động tham quan đều hoàn toàn miễn phí. Du khách sau khi tham quan đánh giá rất cao về sự phong phú, đa dạng của các hiện vật. Đồng thời cũng nể phục sự dày công, tâm huyết của ông Hồ Phương đối với văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số.
"Ngoài thỏa đam mê sưu tầm, nghiên cứu, với không gian này tôi mong muốn đây sẽ là nơi để gìn giữ và quảng bá văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đến với du khách. Bên cạnh đó, sẽ truyền được cảm hứng, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu quê hương đất nước. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ hiện nay về bảo tồn và phát triển văn hóa của dân tộc mình", ông Hồ Phương chia sẻ.
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!