(Toquoc)-Nằm cuối con ngõ nhỏ đổ ra bờ sông Hương, ngôi nhà tranh vách đất của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước mang đậm vẻ đơn sơ, cũ kĩ, trầm mặc của xứ Huế. Suốt mấy chục năm qua, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã bám trụ trên mảnh đất nhỏ này, sống một cuộc sống đạm bạc nhưng luôn nuôi dưỡng tình yêu với nghề tranh vốn có tiếng của quê mình để rồi khôi phục lại nghề khi tranh làng Sình đã gần như bị “xóa sổ”.
(Toquoc)-Nằm cuối con ngõ nhỏ đổ ra bờ sông Hương, ngôi nhà tranh vách đất của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước mang đậm vẻ đơn sơ, cũ kĩ, trầm mặc của xứ Huế. Suốt mấy chục năm qua, nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã bám trụ trên mảnh đất nhỏ này, sống một cuộc sống đạm bạc nhưng luôn nuôi dưỡng tình yêu với nghề tranh vốn có tiếng của quê mình để rồi khôi phục lại nghề khi tranh làng Sình đã gần như bị “xóa sổ”.
Tinh hoa nghề tranh
Vừa bước chân đến cổng nhà nghệ nhân Kỳ Hữu Phước đã thấy gian mái lá được cất ngay trong sân, nơi trưng bày những đồ nghề làm tranh. Nào là khuôn in tranh, bát màu vẽ, giấy dó và cả những bức tranh đã hoàn thành được đóng khung treo trang trọng. Đôi kính lão xệ xuống sống mũi, ông Phước vẫn chăm chút tô màu cho những bức tranh. Chỉ đến khi chúng tôi chào và tỏ ý muốn biết về nghề tranh làng Sình, ông mới dừng lại. Ánh mắt đầy vẻ vui mừng, ông cho biết: “Tranh làng Sình đặc trưng là loại tranh thờ cúng, gồm ba loại là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh súc vật”. Trong đó, tranh nhân vật gồm hai bộ thế mạng và bổn mạng, nhưng chủ yếu là tranh tượng bà (tượng đế, tượng chùa, tượng ngang) thường dùng dán trên bàn thờ quanh năm. Ngoài ra còn thêm tranh con ảnh (vẽ hình đàn ông, đàn bà), tranh ông Điệu, ông Đốc và Tờ bếp dùng để đốt sau khi cúng xong. Tranh đồ vật chủ yếu vẽ hình các đồ gia dụng trong nhà như áo quần, tiền, dụng cụ… để đốt cho người cõi âm. Còn tranh súc vật gồm một bộ gia súc nuôi như trâu, bò, lợn, gà, vịt… rồi voi và 12 con giáp riêng một bộ.
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước
Do cùng khởi phát từ một gốc nên tranh làng Sình khá giống với tranh Đông Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) về các công đoạn làm tranh, chỉ khác ở hình tranh và mục đích sử dụng. Theo nghệ nhân Kỳ Hữu Phước cho biết: “Từ thời ông tổ của nghề tranh Đông Hồ, cách làm tranh đã được mang vào Huế, nhưng để phù hợp với nhu cầu tín ngưỡng trong các lễ cầu an, giải hạn ở đây nên các nghệ nhân đã chế ra các bản khắc hình vẽ khác. Thế nên, tranh làng Sình mới nổi danh là dòng tranh thờ cúng”. Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Trước kia, tranh làng Sình hoàn toàn sử dụng giấy dó nhưng nay, để tiện và đỡ tốn kém, người ta đã chuyển sang sử dụng giấy công nghiệp và tô bằng phẩm màu công nghiệp. Chỉ riêng ông Phước vẫn trung thành với vật liệu giấy dó và màu tự nhiên. Ông bảo: “đó là nét đẹp cũng là tinh hoa của nghề tranh nên phải giữ lấy”.
Nói là vậy nhưng để giữ được nét nguyên thủy của nghề không đơn giản. Thời các cụ xưa làm tranh cũng đã học được cách chế tạo giấy dó, nhưng biến thiên của thời cuộc đã khiến người dân làng Sình quên hẳn cánh làm giấy dó. Đến nay, muốn làm tranh trên giấy dó, ông Phước phải đặt mua từ làng Đông Hồ. Đau đáu khôn nguôi, ông chia sẻ: “Tôi tiếc lắm nhưng giờ không biết cách làm thì đành chịu, phải mua giấy từ nơi khác về. Nhưng tranh làm trên giấy dó giờ cũng chỉ để bán cho khách du lịch vì chi phí lớn, còn bán cho người dân trong vùng để thờ cúng thì chủ yếu dùng giấy công nghiệp”.
Giấy dó mua về sẽ được quét điệp cho dai, giữ màu. Vỏ điệp ông nhập từ phá Tam Giang rồi tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy. Theo ông Phước, trước kia làng Sình còn có tên làng Hồ Điệp, cũng bởi xuất phát từ công đoạn này. Chẳng riêng quét hồ điệp lên giấy, pha màu tự nhiên cũng đòi hỏi không ít công phu. Tranh làng Sình có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen… đều được làm từ cây cỏ. Nhưng để cho ra các màu khác nhau lại phải có bí quyết chế riêng đòi hỏi sự am hiểu và biết nghề. Màu đỏ sẽ được làm từ rễ cây vang lấy từ rừng sâu, mang về sắc trên nồi đất nung lửa đỏ 4, 5 ngày mới ra. Màu xanh lại chế từ hỗn hợp hoa dành dành hái dịp tháng 3, tháng 4 hàng năm và lá mối. Đến mùa nắng lại đi hái lá đung về, trộn cùng hoa hòe cô đặc lên cho ra màu vàng.
Trước kia cả làng có trăm nhà thì cả trăm đều có cây hòe nhưng nay chỉ còn lại một cây cổ thụ duy nhất. Thế nên, ông Phước luôn rất tiết kiệm và tận dụng tối đa hoa hòe kiếm được. Chỉ riêng màu tím làm ra khá dễ dàng bởi nguyên liệu hạt mồng có khá nhiều. Cứ tầm tháng 5, tháng 6 ông đi xin trái mồng tơi về giã nhỏ, vắt thành nước pha với phèn chua cho giữ màu. Màu chàm làm từ lá cây tràm ngâm vôi cho rữa nát, đánh cho tơi và nổi bọt, rồi vớt lấy bọt đó lọc kỹ, cho nước vào và cô đặc lại. Màu cam (gạch) làm từ gạch non mài ra trộn thành bột. Còn màu đen là hỗn hợp của tro bếp trộn với lá bàng ngâm ủ trong một tháng. Ngay đến chiếc bút dùng tô màu tranh cũng được ông Phước làm từ chính sản vật của quê hương. Rễ cây dứa hoang sẽ được lấy về, phơi khô, lột vỏ chừa phần ruột trong để chổi, vừa giữ màu lại không bị lem. Tùy từng kích cỡ vật liệu khác nhau sẽ cho ra các loại bút to nhỏ khác nhau.
Cầu kỳ và tốn không ít công sức vậy nhưng mỗi bức tranh làm ra ông chỉ bán giá dao động từ 15 đến 25 ngàn. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi 7 người đều chỉ có một nghề là làm tranh, dù chẳng giàu có gì nhưng đó là niềm vui, niềm tự hào bởi dù sao, chúng tôi vẫn giữ được cái nghề cổ truyền của cha ông”.
Nỗ lực giữ nghề
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước là đời thứ 9 làm nghề vẽ tranh của làng Sình. Nói về lịch sử của nghề, ông không khỏi bồi hồi: “Làng nghề có lúc thăng, lúc trầm. Ổn định nhất là thời điểm trước năm 1945, lúc ấy nhà nhà, người người đều làm nghề. Từ những năm 1970-1975, nghề làm tranh bắt đầu bị mai một”. Thời điểm ấy, đất nước khó khăn, học sinh đi học còn chẳng có giấy để viết nên vẽ tranh cũng bị cho là phí phạm. Có người còn cho sử dụng tranh cúng là hoạt động mê tín dị đoan. Cứ thế, chẳng còn mấy ai dùng tranh làng Sình nữa. Thời điểm cả làng hò nhau đem đốt bản khắc gỗ, không chịu để mất nghề, ông Phước đã bọc nilon tất cả những bản khắc quý rồi chôn dưới đất, chỉ để lại những bản khắc bỏ đi đem đốt. Chờ đến khi mọi chuyện lắng lại, ông mới đào những bản khắc lên. Nhưng lúc này, công khai vẽ tranh cũng không được, ông lại đào hầm trong nhà rồi ngày ngày ngồi vẽ. Tranh vẽ ra, ông bó gọn trong người, mang đến từng nhà để bán. “Bán thì được bao nhiêu đâu, nhưng tôi không nỡ để đến đời tôi nghề nghiệp của tổ tiên lụi tàn”, ông Phước trầm ngâm.
Năm 1996, khi đất nước mở cửa, có chủ trương khôi phục lại những làng nghề truyền thống, trong đó có tranh làng Sình. Nhưng nghề làm tranh làng Sình chỉ còn duy nhất ông Phước biết nghề. Quyết tâm khôi phục bằng được làng tranh, ông đến từng nhà vận động họ làm. Không có khuôn gỗ, ông cặm cụi ngồi khắc từng bản mộc mang tới từng nhà. Nhưng dân làng ông vẫn còn e ngại, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được thì sao? Lại thêm một lần nữa, ông động viên, khuyến khích từng người. Sản phẩm họ làm ra, ông mang đi khắp các chợ thành phố, chợ vùng ven để chào hàng. Mưa dầm thấm lâu, dân làng ông dần tin tưởng và làm theo ông. Hiện nay, làng Sình đã có khoảng 40 hộ gia đình theo nghề vẽ tranh, chủ yếu họ làm lúc nông nhàn.
Cầu kỳ và tốn không ít công sức vậy nhưng mỗi bức tranh làm ra ông chỉ bán giá dao động từ 15 đến 25 ngàn.
Khi đã căn bản khôi phục được nghề rồi, ông bắt đầu nghĩ tới cách làm sao để phát triển nghề hơn nữa. Nhu cầu hiện đại, ngoài dòng tranh thờ cúng người ta cũng rất quan tâm đến tranh trang trí, treo tường. Nhớ đến ngày hội làng với rất nhiều trò chơi dân gian đặc sắc, ông ấp ủ ý tưởng sẽ đưa những hình ảnh ấy lên tranh. Vậy là lại chăm chú quan sát, chụp ảnh từng trò chơi rồi cặm cụi ngồi vẽ lại hình ảnh, sau đó, ông bắt đầu phác thảo trên bản khắc gỗ. Những bức tranh trang trí thuộc đề tài dân gian và tranh bát âm ra đời đã làm phong phú thêm cho tranh làng Sình. Dòng sản phẩm này rất được khách du lịch ưa chuộng. Đó có thể là hội vật với các thế vật ngồi, nằm, đứng; hay các trò chơi kéo co nam, nữ, bịt mắt bắt dê…; rồi hình ảnh bát âm gồm nhị, nguyệt, trống, sáo, đàn bầu, tỳ bà, đàn tranh.
Tuy vậy, vẫn còn một điều mà ông Phước không khỏi đau đáu “làng tranh đã được khôi phục nhưng vẫn chỉ có tôi làm được các bản khắc gỗ. Tôi đã lớn tuổi rồi, không có ai chú tâm theo nghề thì e rằng sớm muộn nghề sẽ mất”- ông Phước chia sẻ. Hai năm trở lại đây, ông đã cất công tìm học trò để truyền dạy nghề khắc bản mộc. “Khắc gỗ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chú tâm, bền chí và kiên trì lắm nên không phải ai cũng có thể làm được”- ông cho biết. Cũng may trời thương, ông đã tìm được hai học trò tầm tuổi 18, 19 có được tố chất để truyền dạy. Các cháu đều đã bước đầu nắm bắt được những kĩ thuật làm nghề…
Làng Sình có lẽ sẽ chỉ còn được biết đến với cái tên mới làng Lại Ân (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) nếu như không có người yêu nghề và tâm huyết với nghề tranh bao đời như ông Phước. Với những nỗ lực giữ nghề và truyền nghề của ông và những người con của làng, hi vọng rằng cái tên tranh làng Sình sẽ luôn hiện hữu trên bản đồ sản vật xứ Huế./.
Giai Ngọc