(Tổ Quốc) - Chị Cao Thị Tuyết (sinh năm 1972) về thủ đô lập nghiệp và xây dựng gia đình, khi có điều kiện kinh tế, chị dành cả gia tài của mình cho việc thiện nguyện.
Tiếp nối loạt phóng sự Những đứa con của Hà Nội, mời quý độc giả gặp gỡ chị Cao Thị Tuyết - người có đã có 20 năm hoạt động thiện nguyện, cung cấp hàng nghìn suất cơm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội.
Chị Tuyết chia sẻ về công việc thiện nguyện 20 năm qua
Nhiều người quen biết cũng không xa lạ với hình ảnh chị Tuyết dừng xe bất cứ chỗ nào trên đường gặp người tai nạn đưa đi cấp cứu, những hoàn cảnh vô gia cư đưa về chăm sóc, gia đình chị luôn có những trường hợp khó khăn từ vùng quê đến ở để chị tạo công ăn việc làm.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Tuyết nói, ở đâu, bất cứ khi nào và bối cảnh nào chị cũng sẵn sàng giúp người. Có thời điểm không còn tiền, chị Tuyết gặp trường hợp khó khăn cần giúp đỡ khẩn cấp, chị sẵn sàng bán một phần tài sản của mình để giúp họ.
Theo chị Tuyết, duyên lành đến với công việc thiện nguyện của chị từ cách đây hơn 20 năm, khi đó kinh tế gia đình đã tạm ổn.
Nghĩ lại thời cơ cực khó khăn không đủ ăn phải khổ sở vì một mình mẹ không thể lo nổi bữa ăn cho 5 chị em, gia đình chị được một bà hàng xóm giang tay giúp đỡ để vượt qua. Hình ảnh ấy đã thôi thúc chị Tuyết làm việc thiện để giúp đỡ các hoành cảnh nghèo.
Nơi đầu tiên chị Tuyết nghĩ đến là những trung tâm chăm sóc cho người kém may mắn và nơi có các bệnh nhân đó là Bệnh viện Tâm thần Thái Bình. Ban đầu làm từ thiện, chị Tuyết sử dụng toàn bộ tiền của gia đình mà không kêu gọi, sau đó công việc lan tỏa được nhiều thiện nguyện viên tham gia cộng tác, nhóm của chị hiện nay mang tên "Thiện nguyện Tuyết Phong".
Người Hà Nội rất chân thành, thanh lịch
Chị Tuyết tâm sự: "Hơn 20 năm làm công việc từ thiện, tôi nhận thấy người Hà Nội chân thành, thanh lịch văn minh lắm và rất tương thân tương ái.
Có những cháu nhỏ đi qua thấy chúng tôi phát cháo cho người vô gia cư cũng sẵn sàng tham gia giúp đỡ. Hoặc, có nhiều người lớn tuổi và người đang công tác ở cơ quan nhà nước thấy vậy cũng xin đóng góp một chút cho câu lạc bộ làm việc thiện".
Những suất cháo, suất cơm ấm tình người qua câu lạc bộ của chị hiện nay đã lan tỏa rộng rãi hơn tại các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn…
Đặc biệt, trước cửa gia đình chị Tuyết trên đường Lê Duẩn mỗi tuần tổ chức 2 buổi phát cơm, phát cháo miễn phí. Những người được nhận không phân biệt già trẻ, họ là những người vô gia cư, những người có hoàn cảnh đang cần đến lương thực.
Thời gian đầu, chị Tuyết chỉ dừng lại ở 20 - 30 suất cơm. Sau đó, những người lao động nghèo rủ nhau đến ngày càng đông. Có những ngày phát hết cơm mà người đến xếp hàng vẫn còn. Nhìn những gương mặt ủ rũ khiến chị Tuyết không cầm được lòng, có hôm chị lấy cả nồi cơm tối của gia đình để phát tiếp.
Đến nay, số lượng suất cơm được phát đã lên đến gần 200 suất. Tiền cơm hoàn toàn do chị Tuyết chi trả, thi thoảng có sự hỗ trợ và giúp đỡ thêm từ bạn bè. Nhẩm tính suốt 20 năm qua, chị đã phát đến hàng nghìn suất cơm miễn phí cho người vô gia cư và người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.
"Còn ngày nào làm việc thì luôn hết mình"
Theo chị Tuyết, để chuẩn bị những bữa ăn, hàng ngày nhóm của chị phải làm việc từ rất sớm, thậm chí nhiều món ăn phải được chuẩn bị từ chiều hôm trước vì ngoài những hoàn cảnh này, những người thiện nguyện còn phân phát đến các bệnh viện lớn trên địa bàn TP Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Bệnh viện Thanh Nhàn…
Chị Trần Quỳnh Hoa, người bạn cùng tham gia với chị Tuyết, hàng chục năm phát suất ăn miễn phí cho người dân nghèo cho biết: "Bếp nhà chị Tuyết bắt đầu ấm lửa từ 4 giờ sáng đến 10 giờ đêm. Buổi sáng, chúng tôi phát cháo tại các bệnh viện. Phát xong lại vội vàng đi chợ đầu mối để mua thực phẩm làm cơm chiều. Mỗi chuyến xe chở cơm, nhìn thấy mọi người vui mừng cầm trên tay suất cơm nóng hổi là tôi hạnh phúc lắm. Bởi ở đây có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, éo le; có những cụ già 70 - 80 tuổi vẫn phải lang thang ngoài đường mỗi ngày. Tối đến họ lại tìm một góc nhỏ nào đó để dừng chân".
Chị Tuyết chia sẻ về công việc thiện nguyện 20 năm qua
Một trong những thành viên của nhóm thiện nguyện không ngần ngại chia sẻ, đa số trong những người đến nhận suất cơm từ thiện có hoàn cảnh cực kỳ éo le.
"Mỗi người nhận 1 suất, nhưng thực tế có người thay áo hoặc quay vòng để nhận thêm. Chúng tôi biết nhưng thông cảm cho họ, vì có thể gia đình họ còn nhiều người không thể đến nhận trực tiếp nên sẻ chia, không sao".
Còn chị Trần Thị Mía - một bệnh nhân thường ngày đến nhận suất cơm, chia sẻ, chị rất hạnh phúc vì được sự giúp đỡ của chị Tuyết nên gia đình chị Mía bớt khó khăn trong suốt thời gian chữa bệnh.
"Gần 1 năm nay, ngày nào tôi cũng qua đây, hôm thì có cơm, hôm thì có cháo. Ngoài ra, tôi còn được chị Tuyết cho thuốc phòng chống Covid-19, nhờ có nhóm của chị Tuyết nên gia đình tôi bớt khó khăn. Cách đây hơn 1 tháng, tưởng chừng không cự nổi ở Hà Nội nhưng chị Tuyết khuyên bảo tôi không phải lo, khó khăn chị giúp cho", chị Mía cảm kích.
Bà Hứa Thị Xuân Liên, Phó chủ tịch UBND phường Trung Phụng (Quận Đống Đa, TP Hà Nội) cho biết: "Từ nhiều năm qua, chị Tuyết đã có những đóng góp nổi bật với những suất ăn miễn phí, những hoạt động thiện nguyện vì lợi ích cộng đồng. Trong đợt Covid-19 vừa qua, chị Tuyết đã ủng hộ, giúp đỡ rất nhiều người dân bằng những tạ gạo, nước mắm, cá khô.
Mỗi buổi tối, hàng trăm suất cơm từ thiện do chính tay chị làm được đưa đến tận nơi cho người vô gia cư và hàng ngàn suất cháo miễn phí cho các bệnh viện ở Hà Nội. Đây là tấm gương sáng cho mọi người chúng tôi học tập và noi theo".
Tâm sự thêm về công việc thiện nguyện, chị Tuyết cho biết: "Tôi sẽ cùng các cộng tác, các nhà hảo tâm làm việc giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn cho đến khi nào không thể thì mới dừng. Còn làm việc ngày nào thì luôn hết mình", chị Tuyết nói.